Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Bỏ quên xây dựng thương hiệu nông, thủy sản

Là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nhiều loại nông, thủy sản nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng giống như gạo thơm Hom Mali của Thái Lan, Basmati của Ấn Độ hay Rondoul của Campuchia…

Nổi tiếng là bán thô!

Khi nhắc đến sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến lúa gạo, cá tra, tôm, cà phê, tiêu, điều, cao su… bởi đây là những mặt hàng đã đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, những thương hiệu nông, thủy sản nổi tiếng dùng để giao dịch, mua bán với đối tác nước ngoài thì hầu như chưa có.

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nổi tiếng nhất là bán thô, bán rẻ.

TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cũng cho rằng lâu nay Việt Nam nổi tiếng là bán gạo mới (thu hoạch lúa xong là xay xát và bán ngay cho đối tác nhập khẩu) nên được một số nước nhập khẩu ưa chuộng. “Tuy nhiên, xét về phẩm cấp, chất lượng và thương hiệu thì gạo Việt Nam không thể so được với Thái Lan”, ông nói.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Trên thực tế, trong số khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo được hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xuất khẩu hàng năm, hầu hết đều là gạo 5%, 15% và 25% tấm và một ít gạo thơm Jasmine – vốn được gọi theo tên giống lúa Jasmine có nguồn gốc từ Thái Lan.

Tại hội thảo “Đầu tư phát triển thương hiệu: Đa dạng hóa sản phẩm và tạo sự khác biệt” vừa diễn ra tại Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), cho biết Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá tra vào những năm 1996-1997 và đến năm 2012 đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thương hiệu quốc gia cho mặt hàng này, mà chủ yếu được doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng phi lê đông lạnh.

Tương tự, nhiều sản phẩm nông, thủy sản khác dù mỗi năm mang về cho đất nước hàng tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng chỉ được bán thô hoặc sơ chế đơn giản.

Cách nào để tạo thương hiệu?

Một số nhà chuyên môn cho rằng xây dựng thương hiệu cho nông, thủy sản là điều hết sức cần thiết và cấp bách để khẳng định vị thế sản phẩm của Việt Nam và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Stephen Kreppel, chuyên gia xây dựng thương hiệu quốc gia của Công ty Tư vấn National Consultancy (Anh), cho rằng các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… đều có những thương hiệu nổi tiếng. Nhưng một doanh nghiệp đơn lẻ khó có thể làm được mà phải có sự phối hợp giữa Chính phủ, hiệp hội và doanh nghiệp.

Theo ông Kreppel, để xây dựng thương hiệu, điều trước tiên là phải có được sản phẩm đạt chất lượng tốt và nghiên cứu về thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Bởi ở từng thời điểm, người tiêu dùng có thể có những thị hiếu, nhu cầu khác nhau. “Nếu có những nghiên cứu như vậy thì doanh nghiệp sẽ đưa ra được sản phẩm phù hợp hơn, giúp việc xây dựng thương hiệu thuận lợi”, ông Stephen Kreppel nói.

Cũng theo ông Kreppel, sau khi đã hoàn thiện về chất lượng sản phẩm, việc chọn tên thương hiệu, logo và cách thức quảng bá ra thế giới cũng là điều rất quan trọng, giúp người tiêu dùng nhận biết được đó chính là sản phẩm của Việt Nam khi nhìn thấy.

Tại hội thảo nói trên, một số nhà chuyên môn cho rằng xây dựng thương hiệu là một cách giúp tăng khả năng đàm phán cho doanh nghiệp, tránh những thua thiệt có thể xảy ra. Ví dụ, một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có hợp đồng cung cấp sản phẩm cho một siêu thị lớn ở Mỹ nhưng đối tác đưa ra mức giá nào, doanh nghiệp phải chấp nhận mức giá đó chứ hoàn toàn không có quyền thương lượng. Đặc biệt, siêu thị này bán sản phẩm vừa nhập khẩu với thương hiệu riêng của mình và trên bao bì không ghi nơi sản xuất là ở Việt Nam.

[box type=”bio”] Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước trong tám tháng đầu năm 2014 đạt 5,08 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm đạt gần 2,6 tỉ đô la, tăng trên 48%; cá tra đạt hơn 1,1 tỉ đô la, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.[/box]

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhiều địa phương thả hàng triệu con giống cá, tôm để...

0
Những ngày qua, ngành nông nghiệp của nhiều địa phương như Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Nai… đã thả hàng triệu con giống tôm, cá...

Xuất khẩu cá tra, tôm, đồ gỗ giảm sâu trong tháng...

0
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 2 này, giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu quan...

Ban hành quy định phân hạng về an toàn thực phẩm...

0
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư Quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm...

Cần Thơ mở rộng giao thương hàng nông thuỷ sản

0
(SGTT) - Trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ năm 2022, chiều ngày 2-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển...

Mùa ốc ruốc trên biển Bãi Dài, Cam Ranh

0
(SGTT) - Ốc ruốc cào từ biển đem lên bờ còn thơm mùi muối biển và thoang thoảng vị tanh. Cứ từng bao ốc...

Artemia, kế sinh nhai của người dân “vùng nước mặn”

0
(SGTT) - Với đôi chân trần đạp lên cái nắng gắt gao, người dân Vĩnh Châu, Sóc Trăng phải lội bùn lội đất, túc...

Kết nối