Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Biến thể Omicron làm tăng nguy cơ tái nhiễm lên gấp 3 lần so với biến thể Delta và Beta

(SGTT) – Các nhà khoa học Nam Phi khẳng định trong một báo cáo của Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi, biến thể Omicron làm tăng nguy cơ tái nhiễm lên gấp 3 lần so với biến thể Delta và Beta, tức Omicron có khả năng thoát miễn dịch tự nhiên.
Ứng phó nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập.

Bên cạnh đó, CNN ngày 3-12 dẫn lời bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nhận định các bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có thể còn lây nhiễm nhanh hơn Delta.

Thực tế, số ca mắc Covid-19 mới ở Nam Phi đã tăng gần 4 lần chỉ trong 4 ngày, từ 4.373 ca trong ngày 30-11 lên 16.055 ca vào ngày 3-12. Kết quả giải trình tự gen trong tháng 11 ở Nam Phi cũng cho thấy biến thể Omicron là nguyên nhân gây ra khoảng 75% ca bệnh mới.

Reuters ngày 4-12 đưa tin các nhà nghiên cứu từ Công ty phân tích Nference (bang Massachusetts, Mỹ) phát hiện biến thể Omicron có thể đã sở hữu ít nhất một đột biến bằng cách lấy vật liệu di truyền của một virus gây bệnh khác tồn tại trong cùng tế bào.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy một chuỗi gen của Omicron không xuất hiện trong bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 nào trước đó, nhưng lại phổ biến ở nhiều loại virus khác, gồm virus gây cảm lạnh và cả trong gen người. Việc có được đoạn gen này khiến Omicron trông “giống con người hơn” và tránh được sự tấn công của hệ thống miễn dịch.

Tới 6:00 sáng 5-12, biến thể Omicron đã lan ra 44 nước

Thông tấn xã Việt Nam trích từ trang worldometer.info, tính đến sáng 5-12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 44 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung ở hầu khắp khu vực trên thế giới như châu Phi (Nam Phi, Botswana, Ghana…), châu Âu (16 nước, trong đó có Anh, Pháp Đức, Đan Mạch, Italy…), châu Mỹ (Mỹ, Brazil, Canada), Trung Đông (Israel, Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia) và châu Á-Thái Bình Dương (Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Sri Lanka).

Trong bối cảnh các ca mắc biến thể Delta tiếp tục tăng, ngày càng nhiều quốc gia ghi nhận ca mắc biến thể mới Omicron. Ngay sau khi ca đầu tiên được phát hiện và công bố tại Nam Phi, biến thể siêu đột biến Omicron đã lan nhanh ra thế giới, bất chấp việc nhiều nước nhanh chóng đóng cửa biên giới với du khách đến từ các nước miền nam châu Phi.

Trong vòng 24 tiếng qua, thế giới ghi nhận trên 511.000 ca mắc Covid-19 và trên 5.400 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 265,6 triệu ca, trong đó trên 5,26 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Pháp (51.624 ca), Mỹ (trên 50.000 ca), Đức (46.379 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.215 ca), Ba Lan (502 ca), Mỹ (478 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới với trên 49,9 triệu ca mắc và 808.000 ca tử vong.

Thủ tướng ra công điện ứng phó dịch bệnh khi xuất hiện biến chủng mới

Tuổi trẻ Online đưa tin, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tại một số nước xuất hiện biến chủng mới Omicron, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện 1677/CĐ-TTg ngày 4-12 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách đến Việt Nam từ 7 quốc gia phát hiện biến thể Omicron. Ảnh minh họa: Reuters

Công điện nêu rõ, sau gần hai tháng thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tại một số nước đã xuất hiện biến chủng mới Omicron.

Để tiếp tục vừa kiểm soát, phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cấp, thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 128; chủ động đánh giá mức độ nguy cơ sát thực tế để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả và các biện pháp phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.

Phùng My tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối