Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng hơn cả Covid-19

(SGTT) - Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nếu Covid-19 chỉ gây ra 35 ca tử vong tại Việt Nam tới thời điểm hiện tại thì ngược lại, những cơn bão trong một thời gian ngắn đã gây ra 35 ca tử vong. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên các ngành kinh tế như du lịch, ẩm thực… cũng lâu dài và nghiêm trọng.

Tại buổi hội thảo Công bố Báo cáo Điểm lại – Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới Việt Nam tổ chức chiều nay (21-12) và được tường thuật trực tiếp trên kênh Facebook của World Bank Việt Nam, ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang thể hiện rất tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nhưng lại chưa đáp ứng được các yêu cầu tương tự trong vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…

Ông Jacques Morisset cho rằng, so sánh có thể khập khiễng nhưng ở Việt Nam, Covid-19 đã làm chết 35 ca, tổn thất kinh tế tương đương tăng trưởng GDP giảm 4,2 điểm phần trăm so với quỹ đạo kinh tế trước khi có dịch Covid.

Các trận bão nhiệt đới đã gây ra 250 ca thương vong, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1,5 triệu người chỉ trong vòng vài tuần hồi tháng 10 và tháng 11-2020. Thiệt hại kinh tế ước rơi vào khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ, tương đương khoảng 0,5% GDP.

Việt Nam là một ngoại lê trong thế giới bị ảnh hưởng do khủng hoảng Covid-19. Cứ mỗi một quý, Việt Nam mới có có một đợt lây lan mới.

Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng ở mức tốt nhất trước khủng hoảng. Chính phủ Việt Nam có khả năng phản ứng nhanh và kiên quyết ngay từ khi bắt đầu khủng hoảng bằng cách đóng cửa trường học và biên giới. Ngoài ra, cơ quan chức năng Việt Nam có chiến lược khéo léo nhằm truy vết và xét nghiệm có mục tiêu quanh các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bão lũ trong tháng 10, 11 vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều người dân tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, khách sạn... Ảnh: Minh Ngọc
60.000 người tử vong hằng năm do ô nhiễm không khí

Một điều ngạc nhiên so với các quốc gia khác là Việt Nam xây dựng được nền tảng và có nhiều cơ chế báo cáo các ca tử vong gần như theo thời gian thực cho người dân biết. Việc minh bạch thông tin cũng đã giúp người dân có những điều chỉnh hành vi phù hợp với từng thời điểm suốt quá trình phòng chống đại dịch của Việt Nam.

“Vậy thì, tại sao Việt Nam chưa làm tốt trong giải quyết các vấn đề liên quan đến khí hậu?”, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới đặt vấn đề.

Để tìm ra câu trả lời, ông Jacques Morisset cho rằng, ông đã hỏi nhiều chuyên gia khác và nhận được những câu trả lời tương tự. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, Covid là vấn đề bức thiết, ảnh hưởng tới tính mạng và nền kinh tế nên cần ứng phó nhanh. Trong khi vấn đề môi trường có ảnh hưởng lâu dài hơn.

Ứng phó nhanh với đại dịch là điều kiện cần để ngăn ngừa con số tử vong trước mắt ở mức cao và không thể kiểm soát, đồng thời hạn chế được tác động phá hại kinh tế và xã hội. Ngược lại, ô nhiễm không khí là vấn đề lâu dài, có thể làm 60.000 người ở Việt Nam tử vong hằng năm. Ước tính tổn thất hằng năm khoảng 23 tỉ đô la Mỹ do ô nhiễm không khí ở Việt Nam, chiếm khoảng 6-8% GDP hằng năm.

Ông Jacques Morisset cũng cho rằng, có 2 bài học rút ra từ cách Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 là cần sẵn sàng và có hành động nhanh, đừng chờ đợi. Việt Nam nên theo đuổi tư duy xanh và sạch càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt trong hầu hết các chính sách, hoạt động và đầu tư của mình.

Ông Đôn Tuấn Phong, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, cho biết Việt Nam đạt được mục tiêu kép là kiểm soát Covid-19 hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong khi năm 2020, dự kiến nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4% thì Việt Nam là một trong ba quốc gia tăng trưởng dương, đạt khoảng 2,8%.

Biến đổi khí hậu cũng là vấn đề toàn cầu, cần có cách tiếp cận mang tính toàn cầu hơn. Việt Nam sẵn sàng tham gia một cách tích cực vào các chương trình đó.

Việt Nam đã có hành lang pháp lý cần thiết đối với các hành vi ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để ứng phó với biến đổi khí hậu cần phối hợp với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới chứ không thể hành động đơn độc.

Thành phố Hội An buồn hiu hắt trong những ngày bão lũ hồi tháng 10 vừa qua. Ảnh: Minh NGọc.
Người thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nề 

Ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu, cho rằng, cả hai cuộc khủng hoảng đến cùng lúc với người Việt Nam, đặc biệt là người dân khu vực miền Trung.

“Tôi phát hiện ra rằng hệ thống cơ sở hạ tầng, kinh tế tư nhân ở các tỉnh miền Trung đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi những cơn bão hồi tháng 10 vừa qua. Các cơ sở này gần như không có phương án dự phòng nào trước rủi ro của thiên nhiên”, ông Phong cho biết.

Đặc biệt, những người làm trong dịch vụ du lịch, dệt may, thủ công mỹ nghệ… khi mất việc do Covid-19 họ phải quay về vùng nông thôn, đợi Covid-19 qua đi. Nhưng khi về quê thì họ lại bị thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng liên tục trong hai tháng nên họ càng chật vật hơn.

“Khi tôi hỏi “thu nhập của anh/chị như thế nào trong năm qua?”, câu trả lời hầu hết là không có thu nhập hoặc phải giảm thu nhập đến 85% so với năm trước đó. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng… dọc các điểm đến như Đà Nẵng, Hội An… phải đóng cửa để bảo vệ mình trước tác động kép của dịch bệnh và thiên tai”, ông Phong cho biết.

Nam Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối