Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Bệnh trĩ, không nên tự chữa

Lâu nay, nhiều người bị bệnh trĩ nhưng không đi đến bác sĩ để khám mà tìm cách tự chữa hay đi chữa ở nơi gọi là “gia truyền” không được phép của ngành y tế. Vừa qua có bạn đọc hỏi: “Tôi bị trĩ ngoài độ 3 nhưng chưa có điều kiện chữa trị. Cho tôi hỏi tôi nên uống thuốc gì để ngăn bệnh tiến triển xấu hơn?”. Bài viết sau đây xin đề cập những vấn đề cần lưu ý đối với bệnh này.

Trĩ là bệnh do có sự dãn quá mức các tĩnh mạch ở hậu môn – trực tràng, đặc biệt có sự phình tĩnh mạch các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn đưa đến hình thành búi trĩ.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ, bệnh trĩ có 4 cấp độ. Bệnh trĩ ở cấp độ 1 và 2 được xem là nhẹ, người bệnh thường có các triệu chứng: đau và có khi chảy máu lúc đại tiện, ngứa hậu môn, tiết dịch gây viêm da, ngứa và ướt viêm quanh hậu môn. Bệnh trĩ ở cấp độ 3 và 4 được xem là nặng. Với trĩ nội, búi trĩ nằm bên trong không thò ra ngoài; búi trĩ này bị sa quá mức gây nghẹt hay tắc mạch gây nứt, áp xe hậu môn. Với trĩ ngoại, búi trĩ lòi ra bên ngoài, bị tổn thương nhiễm trùng gây lở loét, xuất huyết trầm trọng hay tạo thành những cục máu đông nằm trong búi trĩ, có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm.

Có thể phòng được bệnh trĩ bằng cách trong cuộc sống nên vận động nhiều hơn (tập thể dục thể thao).
Có thể phòng được bệnh trĩ bằng cách trong cuộc sống nên vận động nhiều hơn (tập thể dục thể thao).

Trong trường hợp bị trĩ nhẹ, có thể dùng thuốc để trị. Có hai loại thuốc dùng trị trĩ: loại thuốc viên dùng uống và loại cho tác dụng tại chỗ là thuốc mỡ dùng bôi hoặc thuốc đạn đặt vào trong hậu môn.

Thuốc viên uống trị trĩ thường chứa các dược chất có tác dụng làm bền chắc thành tĩnh mạch như rutin (vitamin P) hay các chất trích từ dược thảo gọi tên chung là flavonoid. Do tác động đến tĩnh mạch nên các thuốc uống trị trĩ còn dùng trị chứng suy giãn tĩnh mạch (tê chân, nổi gân xanh) như Daflon, Ginkgo Fort, Flebosmil, Hesmin… Ngoài dùng thuốc uống tác động chính trên tĩnh mạch trĩ, bác sĩ có thể chỉ định thêm các thuốc khác như kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc trị táo bón… Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, dùng đủ và đúng thuốc, đặc biệt, kiên trì dùng thuốc kéo dài đủ thời gian. Còn thuốc cho tác dụng tại chỗ (các thuốc mỡ bôi ngoài hay thuốc đạn đặt trong hậu môn) thường dùng các chất bôi trơn, các chất làm mềm và dịu da (muối bismuth, kẽm oxid, resorcinol…), thuốc tê (như lidocain) để giảm đau, chất bổ dưỡng làm tổn thương mau lành. Khi không có nhiễm khuẩn, có thể kết hợp dùng thêm thuốc bôi chống viêm corticosteroid, thuốc bôi kết hợp này chỉ dùng trong thời gian ngắn.

Trường hợp của bạn đọc viết thư hỏi đã bị trĩ ngoài độ 3, tức là bạn có thể bị trĩ loại nặng, lúc đầu có thể bị trĩ nội nhưng sau đó búi trĩ sa ra ngoài trông như trĩ ngoại. Nếu đúng như thế bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc hậu môn-trực tràng để khám và chữa trị đúng cách. Có khi bác sĩ không cho dùng thuốc gọi là ngăn bệnh tiến triển xấu hơn mà phải dùng đến phương pháp ngoại khoa đối với trĩ loại nặng là cắt, đốt, mổ trĩ, thắt búi trĩ…

Cần lưu ý, điều trị trĩ tốt nhất nên có sự thăm khám, chẩn đoán và theo dõi của bác sĩ. Đặc biệt, có khi bác sĩ phải thực hiện phương pháp ngoại khoa như nói ở trên là phương pháp triệt để trị dứt bệnh khi búi trĩ quá lớn, có kèm sa trực tràng hoặc bệnh kéo dài quá lâu. Ta cũng nên lưu ý, có một biến chứng thường thấy ở bệnh trĩ là chảy máu hậu môn. Nhưng chảy máu khi đi cầu có thể là triệu chứng của nhiều bệnh ở đại tràng, trực tràng, thậm chí có bệnh nguy hiểm là ung thư trực tràng. Vì thế rất cần đi khám bệnh, soi để xác định một cách chắc chắn và để cho bác sĩ cho hướng điều trị đúng đắn. Người bệnh không tìm cách tự chữa trị khi không biết tình trạng bệnh như thế nào. Cũng như không nên tìm đến nơi chữa trĩ gọi là “gia truyền” không có phép của ngành y tế mà “tiền mất tật vẫn mang”, thậm chí “hư hoại cả vùng hậu môn-trực tràng do chữa trị trĩ không đúng cách” mà báo chí đã đưa tin.

Bệnh trĩ có thể xảy ra nếu thường xuyên bị táo bón, ít vận động và thành tĩnh mạch bị suy yếu. Do đó, có thể phòng được bệnh trĩ bằng cách trong cuộc sống nên vận động nhiều hơn (siêng năng tập thể dục thể thao), cùng với chế độ ăn uống nhiều chất xơ (nhờ ăn nhiều rau quả, rau quả còn cung cấp các chất làm bền chắc thành tĩnh mạch), uống nhiều nước, tập thói quen đi đại tiện hàng ngày.

PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Kết nối