Quy định về thu gom, tái chế rác thải điện tử tại Việt Nam như vậy sẽ có hiệu lực trong vài tháng nữa. Bước đi này được xem là khá chậm so với nhiều quốc gia khác, nhưng theo nhiều ý kiến, dù chậm vẫn còn hơn không.
>> Chỉ có khai sinh, không ép khai tử
>> Khi rác thải còn là… ve chai
Các nước đã làm từ lâu
Trong khi Việt Nam đang loay hoay tìm cách thu gom, tái chế rác thải điện tử thì tại nhiều nơi khác như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc..., rác thải điện tử đang được kiểm soát rất tốt bằng cả công cụ pháp lý lẫn tài chính. Điển hình tại Nhật Bản, từ tháng 4-2001, nước này đã áp dụng cơ chế bắt buộc trong việc thu gom đối với một số rác thải điện tử như ti vi, máy tính, máy giặt, tủ lạnh, tủ đông, máy điều hòa nhiệt độ... bởi lực lượng thu gom gồm các nhà bán lẻ, các điểm thu gom theo quy định và cả hệ thống bưu điện. Rác sau thu gom sẽ được đưa về các cơ sở tái chế. Người tiêu dùng tại Nhật Bản sẽ phải trả một khoản chi phí (mua tem dán lên sản phẩm) khi giao nộp sản phẩm điện tử không sử dụng nữa với mức phí 1.785-5.869 yen (tương đương 355.000-1.200.000 đồng) cho một sản phẩm.
Tại Đài Loan, từ tháng 7-2002 đã bắt đầu áp dụng việc thu gom, tái chế chất thải điện tử như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính, máy điều hòa nhiệt độ và các thiết bị chiếu sáng. Hệ thống thu gom chủ yếu bởi các nhà bán lẻ và các “tổ làm sạch” tại địa phương. Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, phương thức chi trả cho việc thu gom các chất thải điện tử nói trên tại Đài Loan được tính vào phí môi trường do các nhà sản xuất và nhập khẩu trả, mức phí từ 247 TWD (tiền Đài Loan) đến 606 TWD cho một sản phẩm (tương đương 170.000-420.000 đồng). Ông Nguyễn Trung Việt, một chuyên gia về xử lý chất thải rắn, cho biết nước này có hẳn một khu công nghiệp dành riêng cho việc tái chế rác thải điện tử.
Hoặc như tại Hàn Quốc, rác thải điện tử được phân loại ngay tại hộ gia đình, sau đó có công ty chuyên thu gom và chuyển về khu công nghiệp chuyên xử lý rác thải điện tử để xử lý, tái chế. “Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay một số nước châu Âu, các hệ thống phương tiện để thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế đều được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Ở các nước này không có chuyện người dân đem rác thải điện tử bán ve chai như nước mình”, ông Việt nói.
[box type="bio"] Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (European Environment Agency), rác thải điện tử có khả năng gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm, không khí và cũng là một trong những tác động gây biến đổi khí hậu nếu không được quản lý, xử lý phù hợp.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, trong đó có nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chất độc có trong đồ điện tử cũ khi bị phát tán ra môi trường sẽ khó có thể nhận biết, dễ gây tâm lý chủ quan với những tác hại mà các chất độc này có thể gây ra, những hóa chất này tiềm ẩn nguy cơ gây ra các chứng bệnh rất khó chữa trị như ung thư, bệnh về đường hô hấp, tim mạch, thần kinh...[/box]
Một khoảng trống chờ lấp đầy
Theo một đề tài nghiên cứu khoa học về hiện trạng hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế rác thải điện tử do Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường TPHCM thực hiện mới đây, trên địa bàn thành phố, khối lượng rác thải điện tử (chỉ tính riêng ba loại là máy vi tính, điện thoại di động và ti vi) khoảng 6.140 tấn/năm và có tới gần 70% số hộ gia đình chọn phương thức bán ve chai khi cần thải bỏ. Có khoảng 2.000 cơ sở thu gom phế liệu, ve chai với số lượng người đi thu mua khoảng 16.000 người.
Như vậy, khi quy định về thu gom rác thải điện tử có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện tử tại TPHCM muốn tổ chức thu gom hết các sản phẩm thải bỏ thì phải xây dựng một đội thu gom không hề nhỏ. Chưa kể, liệu các giải pháp thu gom của doanh nghiệp có đủ sứt hút với người dân hay không. Hay là họ lại bán ve chai để “kiếm được đồng nào hay đồng đó?”. Trên thực tế, khi một chiếc điện thoại không sử dụng nữa thì được người sử dụng đem bán ve chai với giá ít nhất cũng 50.000-100.000 đồng/chiếc. Thế nên, khó có khả năng người dùng giao lại cho nhà sản xuất nếu không được trả một khoản tiền, quà tặng tương ứng, hoặc không có các điểm thu gom thuận lợi cho người sử dụng. Ông Việt cho rằng nếu muốn thực hiện hiệu quả việc thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ thì cần học hỏi các nước làm đồng bộ tất cả các khâu, từ xây dựng hệ thống thu gom, xử lý, tái chế chứ không đơn thuần chỉ đưa ra chính sách.
Theo bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM, nếu bắt nhà sản xuất gánh chịu chi phí thu gom, xử lý thì chắc chắn nhà sản xuất cũng sẽ tính vào giá thành sản phẩm và cuối cùng chi phí này người tiêu dùng cũng gánh chịu. Chưa kể điều này sẽ làm giá thành sản phẩm tăng lên, sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ giảm sút thì liệu doanh nghiệp có mặn mà bỏ chi phí thu gom hay không.
Bà Thanh cho biết, từ năm 2008, TPHCM đã có chương trình ngày hội tái chế, kêu gọi người dân chú ý đến rác thải điện tử. Đến năm 2012, Quỹ Bảo vệ môi trường phối hợp với 11 quận, huyện thu gom bóng đèn, chai lọ hóa chất và pin mỗi năm ba đợt vào tháng 4, tháng 7 và tháng 11. Mỗi đợt thu gom như vậy khoảng 3 tấn. Chương trình đã tạo được ý thức của cộng đồng về rác thải nguy hại, trong đó có rác thải điện tử; sang năm 2015 sẽ chuyển cho 24 quận, huyện tiến hành việc thu gom. Cách đây bốn năm, Công ty Nokia Việt Nam đã tặng TPHCM 290 thùng rác được sản xuất từ vật liệu tái chế của hơn 7.300 chiếc điện thoại di động và hơn 9.200 món linh kiện hỏng tại Việt Nam. Cuối tháng 3-2014, Công ty Microsoft đã thực hiện chương trình “tái chế điện thoại trồng một cây xanh”. Những động thái này của Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM, của doanh nghiệp, cũng nhằm kêu gọi người tiêu dùng, cộng đồng ý thức trong việc xử lý rác thải điện tử. Điều mà các doanh nghiệp hiện nay cần là được hướng dẫn chi tiết và có nguồn hỗ trợ từ tài chính đến kỹ thuật.
Văn Nam