Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Áp lực ‘chảy máu’ nhân sự công nghệ lành nghề vẫn tiếp diễn

Sự tham gia đầu tư mạnh mẽ của các công ty công nghệ, điện tử và phát triển phần mềm nước ngoài đang là thách thức không nhỏ với các công ty phát triển phần mềm và công nghệ thông tin trong nước. Trong đó, doanh nghiệp đang đứng trước áp lực lớn là có thể mất những nhân viên công nghệ thông tin giỏi nghề.

Những nhân viên công nghệ thông tin có kinh nghiệm, giỏi nghề đang được săn đón nhộn nhịp bởi các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh nhiều ngành nghề giảm nhu cầu tuyển dụng hiện nay.

Doanh nghiệp CNTT Việt Nam trước áp lực mất nhân sự công nghệ nhiều kinh nghiệm, giỏi nghề bởi sự săn đón của các công ty công nghệ, điện tử nước ngoài. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Doanh nghiệp ngoại “săn” IT kinh nghiệm, giỏi nghề

Tập đoàn Thái Lan Kasikorn Business-Technology Group (KBTG) có kế hoạch tuyển dụng đến hàng trăm nhân viên công nghệ thông tin (IT) có kinh nghiệm và giỏi nghề ở Việt Nam. Kế hoạch thu hút nhân tài này được doanh nghiệp đưa ra khi công bố thành lập Công ty KBTG Việt Nam, trung tâm đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và cũng là trung tâm đầu tiên ở ngoài Thái Lan của KBTG vào cuối tháng 6 vừa qua.

Công ty dự kiến sẽ thu hút hơn 500 người lao động trong vòng ba năm tới để đưa KBTG trở thành công ty hàng đầu ngành công nghệ trong khu vực. Trước mắt, trong năm nay, KBTG Việt Nam cần tuyển dụng khoảng 200 nhân viên CNTT để làm các công việc như phát triển phần mềm cho KBank và các doanh nghiệp quốc tế, nâng cấp ứng dụng sản phẩm chủ lực là K PLUS Việt Nam…

Cùng với việc đặt chi nhánh tại TPHCM, công ty này cũng đã mở văn phòng ở Hà Nội để tiếp cận các tài năng công nghệ tiềm năng và tạo điều kiện việc làm cho nhân viên ở nhiều thành phố khác nhau.

Trước KBTG, nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đức Infineon Technologies AG cũng công bố thành lập trung tâm phát triển chip điện tử ở Hà Nội, với quy mô khoảng 25 chuyên gia kỹ thuật vào cuối năm. Những chuyên gia này tập trung vào việc kiểm thử và tùy chỉnh mạch kỹ thuật số, mạch tín hiệu analog, tích hợp, hỗ trợ ứng dụng lái xe tự động, giám sát và cân bằng pin cũng như nghiên cứu về chip vi điều khiển cho ứng dụng ô tô.

Đáng chú ý, Tập đoàn Công nghệ Marvell (Mỹ) gần đây công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TPHCM trên cơ sở nâng cấp chi nhánh công ty đặt tại Khu Chế xuất Tân Thuận (TPHCM) và cần tuyển dụng nhiều nhân viên IT.

Theo ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, với việc thành lập trung tâm nói trên, Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm mang tầm thế giới của Marvell cùng với 3 trung tâm gồm Mỹ, Ấn Độ và Israel. Ngành công nghệ trên thế giới đang cắt giảm nhân sự rất mạnh nhưng Việt Nam và Ấn độ vẫn là hai nước mang đến hiệu quả rất tốt về mặt đầu tư thiết kế vi mạch. Vì vậy, Marvell toàn cầu vẫn cam kết phát triển và mở rộng tuyển dụng tại Việt Nam.

Trung tâm thiết kế ở Việt Nam sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất và là nơi làm việc lý tưởng đối với các kỹ sư công nghệ Việt Nam, giúp trau dồi các kỹ năng chuyên môn, mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn.

Cũng theo nguồn tin này, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin, phần mềm tại Việt Nam khá lớn. Trong đó, đáng chú ý là nhu cầu tuyển dụng người có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ sở dữ liệu đám mây (cloud data center) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Vì sao chọn Việt Nam?

Không những doanh nghiệp nói trên mà hàng loạt doanh nghiệp công nghệ, thiết kế chip, điện tử với thương hiệu lớn như Samsung, Bosch, Intel, Amkor Technology, Meiko, Qualcomm, Texas Instruments, Hayward Quartz Technology, NXP Semiconductors, SK Hynix… đang đẩy mạnh sự hiện diện và mở rộng đầu tư với quy mô lớn. Trong đó, khâu R&D ngày càng được phát triển với nhu cầu tuyển dụng kỹ sư IT và nhân sự công nghệ thông tin lên đến hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người tại mỗi doanh nghiệp.

Trong 3 năm, KBTG Việt Nam sẽ tuyển đến 500 nhân sự IT ở Việt Nam. Ảnh minh họa: DNCC

Nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam là điểm đến đưa ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển công nghệ thông tin, thiết kế phần mềm… Đáng chú ý, việc đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ngày càng được các công ty sản xuất các sản phẩm công nghệ, điện tử đẩy mạnh phát triển với quy mô lớn.

Về việc mở trung tâm công nghệ ở Việt Nam, bà Voranuch Dejakaisaya, Chủ tịch điều hành KBTG, cho biết KBTG sẵn sàng đương đầu với thử thách “cuộc chiến nhân tài” tại Thái Lan. Công ty sẽ áp dụng chiến lược chủ động trong kế hoạch tuyển dụng nhân sự chất lượng cao từ đó thúc đẩy hoạt động mở rộng kinh doanh của KBank cả trong nước và trong khu vực.

Dù mới chính thức công bố mở công ty KBTG Việt Nam vào giữa năm nay nhưng trên thực tế KBTG đã bắt đầu săn tìm các tài năng người Việt từ cuối năm ngoái. Với mục tiêu tuyển 200 nhân sự phát triển phần mềm năm nay, ông Thanussak Thanyasiri, Giám đốc điều hành KBTG Việt Nam, chia sẻ công ty sẽ hợp tác cùng các trường đại học để chiêu mộ và trao cho các sinh viên IT tài năng cơ hội thực tập.

Ông đánh giá, các IT tài năng tại Việt Nam đáp ứng được đa dạng lĩnh vực, từ phát triển phần mềm, an ninh mạng, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Trong lĩnh vực IT, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, đáp ứng được chiến lược mở rộng số hóa khu vực của KBTG.

Theo Phó chủ tịch Marvell, TS. Lợi Nguyễn, có 2 lĩnh vực quan trọng mà Marvell đang tập trung là cơ sở dữ liệu đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Đến giữa năm nay, Marvell Việt Nam đã có hơn 300 kỹ sư và 2 văn phòng ở Etown (quận Tân Bình) và KCX Tân Thuận (quận 7, TPHCM). Hơn 10 năm qua, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án.

“Nguồn nhân lực của Việt Nam đã phát triển đủ để có thể đảm nhận những dự án công nghệ mới nhất. Đó là lý do tại sao Marvell quyết định nâng tầm Marvell Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế tầm cỡ thế giới”, ông Lợi Nguyễn nói.

Thách thức với doanh nghiệp trong nước

Diễn biến của các công ty công nghệ, điện tử nước ngoài ở Việt Nam cho thấy có sự ngược chiều với tình hình sa thải nhân sự khắp nơi trên thế giới trong thời gian qua. Đáng chú ý, từ cuối năm ngoái và những tháng đầu năm 2023 được xem là quãng thời gian khó quên của nhiều nhân sự ngành công nghệ tại Mỹ khi làn sóng sa thải quét qua.

Một loạt “gã khổng lồ” công nghệ đã lần lượt thông báo cắt giảm hàng ngàn đến hàng chục ngàn nhân sự khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy mà còn có xu hướng ngược chiều như nói trên.

Các công ty công nghệ thông tin trong nước trước áp lực bị mất nhân sự giỏi bởi sự săn đón của các công ty nước ngoài. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Trong thời gian qua, ở thị trường Việt Nam, nhiều công ty công nghệ, IT đã sa thải lao động. Tuy nhiên, những người giỏi nghề trong lĩnh vực này không gặp nhiều khó khăn để tìm việc làm mới vì nơi này sa thải thì nơi khác lại cần tuyển dụng.

Anh Minh Thiên, kỹ sư IT của công ty sản xuất sản phẩm công nghệ của châu Âu tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) vừa mới nghỉ việc chưa đầy 2 tháng là đã được một công ty sản xuất sản phẩm máy bay không người lái (drone) “săn đón” với mức lương cao hơn 1/3 so với lương công ty cũ.

Theo anh, nếu có năng lực thì người bị sa thải hoặc tự nghỉ việc tại các công ty công nghệ chắc chắn sẽ tìm được việc mới trong thời gian ngắn và lương nhận được khá tốt. Đáng chú ý là các kỹ sư công nghệ Việt Nam, nếu có năng lực thì càng không lo về mất việc làm trong bối cảnh làn sóng sa thải của các tập đoàn công nghệ trên thế giới. Bởi lẽ, ngày càng có các công ty công nghệ của Singapore, Hồng Kông và các nước hướng đến tuyển dụng lao động kỹ thuật, công nghệ thông tin và phát triển phần mềm ở Việt Nam vì có chi phí thấp hơn các nước khác trong khu vực.

Mặt khác nhiều năm qua, Việt Nam cũng được biết đến là đất nước gia công và phát triển phần mềm cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới kể cả các nước phát triển như Mỹ, liên minh châu Âu, Nhật Bản… Việt Nam cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định trong các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain, AI,… Vì vậy, ngày càng nhiều tập đoàn lớn tìm đến Việt Nam để săn đón những nhân sự công nghệ chất lượng. Điều này càng làm thị trường tuyển dụng thêm cạnh tranh gay gắt.

Với hàng loạt doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn lớn của nước ngoài như Samsung, Bosch, Panasonic, Intel, Renesas, Datalogic… ngày càng xem Việt Nam là cơ sở sản xuất, nghiên cứu quan trọng trong khu vực và trên thế giới để đẩy mạnh đầu tư, nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ, kỹ thuật ngày càng tăng. Đây là thách thức cho các công ty công nghệ thông tin trong nước vì phải cạnh tranh tuyển dụng nhân sự với các “ông khổng lồ” của nước ngoài.

Chủ tịch của TMA Solutions, ông Nguyễn Hữu Lệ, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin trong nước và trên thế giới, cho rằng trong bối cảnh suy giảm vừa qua, các tập đoàn công nghệ thế giới đang tìm nguồn nhân sự có chi phí thấp hơn. Trong đó Việt Nam và Ấn Độ vốn tạo được tiếng vang về nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng cao nhưng chi phí khá thấp hơn khá nhiều so với Mỹ và châu Âu… nên được được săn đón tuyển dụng nhiều.

Từ những phân tích trên, Chủ tịch TMA Solutions lo lắng các tập đoàn công nghệ nước ngoài hiện nay đang gia tăng các cuộc săn nhân sự từ doanh nghiệp trong nước. Điều này giúp họ giảm chi phí và người lao động khi tuyển vào có thể làm việc được ngay.

Đây là thách thức cho các công ty công nghệ thông tin trong nước như TMA Solutions vì phải cạnh tranh tuyển dụng nhân sự với các “ông khổng lồ” của nước ngoài.

Hàng loạt doanh nghiệp công nghệ nước ngoài khác tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và theo các doanh nghiệp phát triển phần mềm và công nghệ thông tin trong nước, đây là thách thức rất lớn với họ.

Các chuyên gia trong ngành nhận định nhân lực ngành công nghệ tại Việt Nam vẫn được tuyển dụng rất nhiều, thậm chí hiện tại đang thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo và định hướng cho ngành công nghệ ở Việt Nam.

Các công ty “săn đầu người” và dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao cho biết nhu cầu tuyển nhân sự IT, công nghệ, kỹ sư ở Việt Nam trong thời gian qua không có sự suy giảm khi các ngành tại Việt Nam đều cần áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nên vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân viên công nghệ. Các công ty phát triển phần mềm và công nghệ thông tin không ngừng gia tăng dự án gia công ở nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp FDI đầu tư ở Việt Nam cũng đang chuẩn bị bộ máy về R&D cho mảng công nghệ.

“Chúng ta nghĩ đang là một mùa đông ảm đạm của lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng thực tế rất nhiều doanh nghiệp FDI công nghệ, điện tử đang xây dựng cơ sở tại Việt Nam. Yêu cầu tuyển dụng vẫn có. Thậm chí chúng tôi đang nhận yêu cầu về những đơn hàng tuyển dụng xây dựng bộ máy phát triển CNTT tương đối lớn”, đại diện một công ty cung ứng nhân sự lớn ở Việt Nam, chia sẻ.

Hùng Lê

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối