Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

An toàn là cốt lõi để du lịch tăng sức mua

Du lịch đang đương đầu với khó khăn chưa từng có do sức mua suy giảm vì dịch bệnh. Để sức mua tăng trở lại, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holding, phải xây dựng điểm đến an toàn.

Máy bay gia định
Vietravel vừa kết hợp với BAA Training Việt Nam đưa vào khai thác tour học làm phi công. Ảnh: Vietravel.
TBKTSG: Hồi đầu dịch, Vietravel đã gợi ý một số tiêu chí về vận hành an toàn trong du lịch cho cơ quan chức năng, tiếp theo đó là thúc đẩy một số địa phương, doanh nghiệp liên kết để tạo điểm đến an toàn, tại sao công ty tập trung nguồn lực để đốc thúc việc này?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Đó là vì điểm đến và cũng là vì sự sống còn của doanh nghiệp. Vấn đề an toàn là cực kỳ quan trọng với ngành du lịch. Mỗi đợt dịch bùng phát là du lịch ngay lập tức bị ảnh hưởng, sức mua giảm đến tận đáy, doanh nghiệp mất thị trường.

Để tăng sức mua, việc phải có giá cả tốt hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn là cần thiết nhưng an toàn lại là yếu tố cốt lõi, chỉ khi người dân cảm thấy an toàn, yên tâm đi du lịch, doanh nghiệp mới bán được hàng. Ở thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh đã kiểm soát tốt hơn, việc tạo dựng điểm đến an toàn giúp giải tỏa tâm lý cho du khách.

Chúng tôi thúc đẩy việc xây dựng điểm đến an toàn để du lịch vận hành an toàn dựa trên những đánh giá trên. Trong bối cảnh dịch bệnh như thế này, chỉ Vietravel hay vài ba công ty an toàn là không đủ mà phải cả cộng đồng doanh nghiệp, điểm đến an toàn thì du lịch mới có thể vận hành được.

ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holding
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holding

Tại Vietravel, chúng tôi có bộ tiêu chí an toàn riêng, đã được áp dụng từ hồi đầu dịch và nay có một số chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tế cùng yêu cầu của cơ quan y tế. Chúng tôi cũng có những tiêu chí dành cho các đối tác, chỉ khi các tiêu chí này được đáp ứng thì mới hợp tác.

TBKTSG: Theo ông, cần làm gì để du lịch vận hành toàn trong đại dịch?

– Cần có ba tiêu chí gồm điểm đến an toàn, doanh nghiệp – cơ sở dịch vụ an toàn, người đi du lịch an toàn. Trong đó, để có điểm đến an toàn, tất cả các điểm tham quan phải thực hiện nghiêm túc quy định an toàn của địa phương và ban phòng chống dịch, như đo thân nhiệt, yêu cầu khách đeo khẩu trang, khử trùng, khử khuẩn…

Nhóm doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch. Tuy nhiên, hiện một số nơi đang lơi lỏng. Nhiều nhà hàng không còn đo nhiệt độ, không yêu cầu khách đeo khẩu trang; một số nhà xe không còn khử khuẩn thường xuyên như hồi đỉnh dịch. Nếu cứ lơ là như vậy thì có thể dẫn đến nguy cơ bùng dịch.

Người đi du lịch đóng vai trò quan trọng không kém vì nếu không ý thức phòng dịch, khách có thể vô tình lan truyền mầm bệnh khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Với nhóm này, hướng dẫn viên du lịch cùng nhân viên tại các cơ sở cung cấp dịch vụ hướng dẫn và yêu cầu khách hàng tuân thủ quy định.

Với nhóm doanh nghiệp và điểm đến, cần có sự liên kết từ các đơn vị cùng các biện pháp quản lý của cơ quan chức năng và trước hết là phải có bộ tiêu chí an toàn chung, rõ ràng để doanh nghiệp làm căn cứ thực hiện.

Đầu tháng 10 rồi, chúng tôi đã tư vấn để Sở Du lịch TPHCM ký kết với Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai và Tây Ninh xây dựng điểm đến an toàn dựa trên ba tiêu chí trên. Vấn đề bây giờ là các doanh nghiệp phải liên kết lại, ký kết để triển khai. Ban đầu, có thể làm thí điểm ở TPHCM rồi mở rộng ra các vùng khác để tạo nên vùng du lịch an toàn rộng lớn hơn.

Du lịch đang bước vào đợt cao điểm cuối năm, nếu không nghiêm túc thực hiện, lỡ xảy ra sự cố như đợt bùng phát dịch lần hai vừa rồi thì thị trường sẽ không thể cứu vãn.

TBKTSG: Ông từng nói là khá lúng túng khi thực hiện các quy định an toàn vì hiện có nhiều quy định?

– Đúng vậy. Hiện nay, một số doanh nghiệp như chúng tôi có bộ tiêu chí an toàn riêng; ngành du lịch rồi cơ quan quản lý y tế và địa phương lại cũng có quy định nên rất rối, thậm chí không thể nhớ từng tiêu chí. Vì thế, phải có bộ tiêu chuẩn chung, có tính đến đặc thù ngành nghề để doanh nghiệp thực hiện.

Theo tôi, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nên giao cho Bộ Y tế chủ trì, lấy ý kiến thực tế hoạt động của từng nhóm doanh nghiệp để có quy chuẩn phù hợp. Chẳng hạn, quy tắc 5K về phòng dịch (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) có nội dung “không tập trung” là chưa phù hợp với du lịch.

Sắp đến mùa du lịch, các điểm du lịch sẽ đông khách hơn, các lễ hội sẽ thu hút số lượng người đến rất lớn, nhiều tour cũng khởi hành cùng lúc mà yêu cầu không tập trung thì làm sao thực hiện được!

Vì thế, quy định trên nên thay bằng kiểm tra thân nhiệt. Không phải tự nhiên mà các nước đặt ra hàng rào kiểm tra thân nhiệt tại sân bay cho nên chúng ta không nên bỏ khâu này.

TBKTSG: Khi đã có bộ tiêu chí chung, làm sao để doanh nghiệp tuân thủ quy chuẩn về an toàn và khách hàng nhận biết nơi an toàn để đến?

– Đây đúng là vấn đề khó nhưng có thể thực hiện được. Theo tôi, đầu tiên là phải có bộ tiêu chí chung, phù hợp như vừa đề cập ở trên. Kế đến, điểm tham quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ căn cứ vào đó để thực hiện và ký cam kết với cơ quan quản lý nhà nước về vận hành, đảm bảo an toàn.

Nơi nào thực hiện nghiêm, cam kết an toàn thì cơ quan quản lý dán nhãn hoặc ký hiệu, phù hiệu dễ nhận diện và cho phép mở cửa, nếu không sẽ không được hoạt động vì an toàn chung. Đây là sự cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, cơ quan quản lý không bắt buộc mà chỉ thực hiện việc kiểm tra sau đó.

Việc này dán nhãn cũng sẽ giúp dễ dàng nhận biết. Hiện nay, ngành du lịch đã đưa ra ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn, nhưng theo tôi, nên để cho doanh nghiệp thực hiện quy định và được dán nhãn an toàn trước rồi mới đưa thông tin lên ứng dụng này để du khách dễ dàng tìm kiếm nơi tin cậy.

TBKTSG: Việc thực hiện các tiêu chí an an toàn trong dịch này có làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên nhiều không, thưa ông?

– Tất nhiên là có. Chi phí tăng lên, quy trình về vận hành cũng phức tạp hơn nhưng vẫn phải làm, còn hơn là phải đóng cửa.

“Tiêu chí đánh giá sản phẩm dịch vụ an toàn” của Vietravel:

Đối với Vietravel:

Chương trình không đi qua các khu vực là vùng dịch hoặc đến các địa phương được khuyến cáo có nguy cơ lây nhiễm.

Đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch, sở du lịch địa phương, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19.
Đội ngũ nhân sự được tập huấn các biện pháp an toàn, áp dụng và tuyên truyền cho du khách thực hiện.

Kiểm tra thân nhiệt, cung cấp khẩu trang y tế và nước rửa tay khô cho du khách trong tour.
Nắm thông tin sức khỏe của du khách trong suốt hành trình và 14 ngày sau khi kết thúc tour.

Kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các biện pháp an toàn của các đối tác cung ứng dịch vụ như đã cam kết.

Đối với đối tác cung ứng dịch vụ (dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, khách sạn và điểm tham quan):

Chương trình không đi qua các khu vực là vùng dịch hoặc đến các địa phương được khuyến cáo có nguy cơ lây nhiễm.

Phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch, sở du lịch địa phương, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19, cung cấp cho Vietravel các nội dung triển khai.

Phải bố trí nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn nhanh trên các phương tiện vận chuyển, khu vực công cộng nơi tiếp xúc khách hàng, có bảng thông báo khách rửa tay/khử trùng tay trước khi ăn uống.

Nhà hàng có phương án phân chia đồ ăn theo từng phần riêng cho khách, nếu có giới hạn về nhân sự hỗ trợ hoặc giới hạn về đồ dùng (đĩa/chén/tô), nhà hàng để sẵn các bộ đũa, muỗng riêng của từng món ăn. Nhân viên phục vụ lưu ý khách dùng những bộ muỗng, đũa này để gắp các thức ăn từ những phần ăn chung.

Xe vận chuyển được khử trùng định kỳ thường xuyên trước khi chở khách và sau khi kết thúc hành trình tour với dung dịch sát khuẩn theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đào Loan thực hiện

Theo TBKTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh,...

0
(SGTT) - Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp du lịch Việt lựa chọn khi có...

Đến thăm cây di sản tại VQG Bù Gia Mập

0
(SGTT) - Trong thời gian qua, bằng những hoạt động cụ thể, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập đang tập trung phát triển...

Muốn là đảo ngọc, Phú Quốc cần tránh lặp lại sai...

0
Đảo Bali có hơn 4 triệu dân với diện tích 5.632 ki lô mét vuông, gần gấp 10 lần đảo Phú Quốc về...

Các điểm du lịch hấp dẫn dịp cuối hè ở Đồng...

0
(SGTT) - Trong thời gian gần đây, Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn cho các kỳ nghỉ...

Hội chợ Du lịch quốc tế lớn nhất nước sắp được...

0
(SGTT) - Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE HCMC 2022) sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-9-2022. Sự kiện được kỳ...

Kết nối