Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Du lịch Trung Quốc đang trông chờ sức bật từ ‘kỳ nghỉ vàng’

Trung Quốc đang chờ đợi sự hồi phục mạnh mẽ và vô cùng quan trọng của du lịch nội địa từ Tuần lễ vàng bắt đầu từ ngày 1-10 sắp tới, sau nhiều tổn thất nặng nề vì dịch trong nhiều tháng qua. Một số chuyến bay bán sạch vé và các trang đặt phòng ghi nhận số booking tăng vọt. Nhưng thói quen của du khách cũng khác nhiều trước dịch.

Ngành công nghiệp không khói khởi sắc

Nhu cầu tăng vọt mang lại lạc quan rằng ngành công nghiệp du lịch nội địa Trung Quốc tiến đến bước ngoặt mới. Ai cũng hy vọng kỳ nghỉ tám ngày sẽ tiếp thêm năng lượng cho đà hồi phục mới chớm trong vài tháng gần đây, thậm chí ngay cả khi nguy cơ dịch vẫn lẩn quất đâu đó.

Du khách nội địa Trung Quốc dự kiến có thể lập lại kỷ lục năm ngoái với 782 triệu chuyến đi, hoặc nhỉnh hơn chút, trong Tuần lễ vàng năm nay. Ảnh: Reuters

Sự trỗi lên của du lịch cho thấy bức tranh đối nghịch màu xám ở các khu vực khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ – nơi dịch chưa được kiểm soát và việc tụ họp đông người vẫn hạn chế.

Tuần lễ vàng – năm nay bao gồm luôn ngày nghỉ lễ quốc khánh và Tết Trung thu – luôn là khoản thời gian bận rộn nhất trong năm của du lịch Trung Quốc. Năm ngoái, theo số liệu của chính phủ, số chuyến đi đạt 782 triệu chuyến, trong đó có hơn 7 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài.

“Tâm lý muốn đi chơi bị đè nén trong suốt chín tháng qua sẽ bị gỡ bỏ trong kỳ nghỉ vàng tám ngày”, nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com nói, dự báo rằng người dân Trung Quốc sẽ thực hiện 600 triệu chuyến đi. Tuy nhiên, số người đi du lịch nước ngoài sẽ rất ít bởi các yêu cầu về cách ly trên toàn thế giới và số chuyến bay ra nước ngoài vẫn là hàng hiếm.

Số lượng đặt vé máy bay nội địa bay đã tăng vọt trong tháng 8 và số vé đặt trong giai đoạn Tuần lễ vàng từ ngày 1 đến 14-10 tăng hơn năm trước. Dịch vụ du lịch Qunar.com cho biết số chỗ trên các tuyến đông khách, như từ Bắc Kinh đi thành phố Lệ Giang ở Tây Nam, đã bán hết.

Số lượng đặt phòng và vé máy bay tăng hơn năm trước. Trang du lịch Fliggy – có sự hậu thuẫn của Alibaba – nói số phòng đặt cho Tuần lễ vàng tăng hơn 50%. Các doanh nghiệp du lịch Trung Quốc hy vọng doanh số đặt phòng sẽ đạt như mức năm ngoái, hoặc có thể tăng chút ít – theo bộ phận nghiên cứu và tiếp thị của siêu ứng dụng Meituan Dianping vốn cung cấp từ dịch vụ đi chợ đến đặt phòng.

“Mọi người bị kềm chân ở nhà chán rồi, ai cũng muốn bay đâu đó. Nhu cầu muốn bay bị đè nén thời gian dài”, cô Mei Xin, nhà phân tích về bán lẻ ở hãng tư vấn Huatai Securities, nói với Reuters.

Những người không có kỳ nghỉ

Nhưng nỗi e ngại với dịch bệnh vẫn còn. Các nơi đều đòi hỏi khách trình liên tục các mã QR theo dõi sức khỏe. Một số khách sạn còn đòi khách làm xét nghiệm PCR. Mặc khác, một số gia đình được yêu cầu ở nhà, không đi đâu trong kỳ nghỉ này.

Một số trường ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã buộc phụ huynh và học sinh không đi nghỉ trừ phi chuyến đi thật sự cần thiết. Nhà sản xuất chương trình truyền hình Pan Lei, 45 tuổi, nói rằng ông cảm thấy áp lực phải hủy chuyến đi của cả nhà đến khu du lịch Hoàng Sơn sau khi nhận thông báo từ trường học của các con. “Tôi đành mất tiền mua tour”, ông nói.

Nhưng ông nói rằng điều đó có thể bỏ qua bởi có những e ngại về đợt bùng phát lần hai trong mùa đông này. “Nhà trường muốn cắt giảm các nguy cơ đến mức tối thiểu”, ông Pan nói.

Sinh viên một số trường cao đẳng và đại học có thể chịu thiệt thòi trong kỳ nghỉ này bởi các trường muốn tăng tốc việc giảng dạy và học tập, bù cho thời gian đóng cửa vì dịch bệnh.

Thói quen du lịch đã thay đổi

Dịch bệnh về tổng quát đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng: du khách quan tâm hơn đến sức khỏe và vệ sinh, thích đi những nhóm nhỏ hơn và sẵn sàng chi nhiều hơn. Các nghiên cứu của Trip.com Group cho thấy các chuyến đi mà khách tự lái xe ngày một phổ biến hơn. Ở nhiều địa phương, dịch vụ cho thuê xe đã không còn xe trong ngày lễ.

Mùa thu ở Altay, Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: CGTN

“Các điểm đến ở Vân Nam hay Hải Nam rất được chuộng, bởi những nơi này thích hợp cho việc tự lái xe thưởng ngoạn cảnh”, Peng Liang thuộc trung tâm nghiên cứu dữ liệu của Trip.com Group nói với The Straits Times. Ông Peng cũng nói rằng du khách nội địa cũng trở nên khó đoán hơn, không muốn chi nhiều nhưng lại muốn chất lượng dịch vụ tốt. “Chúng tôi luôn nhắc mình rằng sẽ có nhiều khách lần đầu trong đời đi máy bay. Vì thế, các điểm đến vẫn đông người”, ông nói.

Gần năm tháng sau khi Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế đi lại liên tỉnh, nhu cầu du lịch vẫn còn bị dồn nén, đặc biệt là đối với những ai đã dành đủ tiền để đi du lịch nước ngoài nhưng mọi kế hoạch đình hoãn. Vì thế, nhu cầu du lịch nội địa cao cấp rất cao, bà Sherona Shng, tổng giám đốc Four Seasons Hotel ở Thẩm Quyến, nhận định.

Chuỗi khách sạn hạng sang này có lượng khách đông dần sau khi du lịch liên tỉnh được cho phép từ tháng 5 vừa rồi. Họ hy vọng duy trì tỉ lệ đặt phòng trên 80% từ giờ đến cuối năm. “Tuy nhiên, thói quen du khách thay đổi trong và kể từ sau đại dịch. Chúng tôi có lượng đặt phòng giờ chót khá nhiều, chỉ đặt trước vài ngày hay chỉ vào ngày khách đến”, bà Shng nói.

Có đến 50% số khách sạn do chuỗi quản lý đặt ở Trung Quốc, Shangri-La Group cũng gặp tình trạng tương tự. Tỉ lệ đặt phòng trong tháng 7 của chuỗi đạt 48% trong tháng 7. “Thành phố loại hai như Hàng Châu, Lhasa, Địch Khách, Hải Nam và Tần Hoàng Đảo được hưởng lợi từ việc nhu cầu bị dồn nén trong nhiều tháng”, người phát ngôn của chuỗi này nói.

Nhưng không phải hãng lữ hành nào cũng hưởng lợi từ chuyện du lịch hồi phục. Phần lớn du khách nội địa có khuynh hướng đặt qua mạng, tránh đặt qua hãng lữ hành – Song Kai, chủ một hãng lữ hành, cho biết. “Dĩ nhiên, thị trường đủ lớn. Những người khác trong ngành khách sạn, nhà nghỉ hay doanh nghiệp địa phương sẽ hưởng lợi”, ông Song nói.
“Không ai chịu thuê hướng dẫn viên bởi mọi người biết quá rõ địa phương mình đến. Hãng lữ hành như tôi không được hưởng sái gì cả”, ông phàn nàn.

Hãng lữ hành của ông Song đã lỗ khoảng hai triệu nhân tệ, gần 300.000 đô la Mỹ, trong mùa dịch nhưng ông ráng chi tiền túi để trả lương nhân viên.

Hãng của ông Song chuyên phục vụ du khách nước ngoài ở phân khúc cấp cao, với những chuyến đi thưởng thức ẩm thực ở những nhà hàng gắn sao Michelin. “Chúng tôi có 20.000 fan luôn ủng hộ các trải nghiệm mới. Chúng tôi biết khi du lịch mở lại, khách lại sẽ đến”, ông nói.

Ricky Hồ

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào...

0
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn...

Ngành du lịch thủ đô thu về 69.300 tỉ đồng trong...

0
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 9 tháng của năm 2023, tổng khách du lịch đến thành phố ước đạt 18,9 triệu lượt...

Việt Nam đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế trong 9...

0
Tính chung 9 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ...

Myanmar sẽ cấp thị thực khi đến cho du khách Trung...

0
Myanmar sẽ cấp thị thực khi đến cho khách du lịch Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh chính quyền đang tìm cách...

Thái Lan cân nhắc nới lỏng thị thực để thu hút...

0
Thái Lan có thể sẽ nới lỏng các quy định về thị thực cho du khách Trung Quốc và Ấn Độ đồng thời cho...

Việt Nam đón 7,8 triệu lượt khách quốc tế trong 8...

0
Tháng 8-2023, Việt Nam đón trên 1,2 triệu lượng khách quốc tế, tăng 17,2% so với tháng trước. Đây là tháng đón khách quốc...

Kết nối