Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

 4 chất dinh dưỡng bị thiếu hụt khiến bạn thèm đường

(SGTT) - Theo các chuyên gia, thèm ăn là cách cơ thể phản ứng với căng thẳng và báo hiệu rằng nó đang thiếu hụt dưỡng chất cần thiết, chẳng hạn như một loại vitamin hoặc khoáng chất cụ thể. Trong đó, cảm giác thèm ăn ngọt là phổ biến và khó cưỡng lại nhất. Nếu bạn đang phải thường xuyên đối mặt với cơn thèm ngọt sau mỗi bữa ăn, sau khi thức dậy, hoặc khi bạn cảm thấy căng thẳng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân và giúp bạn kiểm soát cơn thèm ăn này.

Tại sao xuất hiện cảm giác thèm đường?

Glucose có trong đường và đồ ngọt là “nhiên liệu” dễ sử dụng nhất mà cơ thể chuyển hóa để sản xuất năng lượng. Thực phẩm giàu đường thường sẽ được cơ thể tiêu hóa và hấp thụ nhanh chóng.

Có một số lý do khiến cảm giác thèm đường xuất hiện:

  • Chế độ ăn kiêng và hạn chế calo: nếu không có đủ calo và chất dinh dưỡng trong thời gian dài, việc cơ thể báo hiệu thèm ăn là điều hiển nhiên, điều này có thể gây ra cảm giác thèm ăn một số loại thực phẩm nhất định.
  • Khi mang thai: khi nhu cầu hấp thụ calo của cơ thể tăng lên.
  • Thay đổi nội tiết tố: chẳng hạn như mãn kinh hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng gây ra những thay đổi trong việc chuyển hóa đường và ảnh hưởng đến hoạt động của insulin.

Trong tất cả các lý do, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng là một vấn đề lớn, vì cảm giác thèm ăn sẽ không biến mất cho đến khi sự thiếu hụt được bổ sung.

Những chất dinh dưỡng cần chú ý

1. Magie

Magie có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát glucose và chuyển hóa insulin. Thiếu hụt magie có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin, dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn, nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Vì lý do này, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung magie là rất cần thiết trong việc cải thiện hoạt động của insulin cũng như tăng sự hấp thu glucose nhằm giảm lượng đường trong máu.

Ảnh minh hoạ

Lượng magie khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 400 mg đối với nam giới và 350 mg đối với nữ giới. Nguồn thực phẩm có chứa magie bao gồm hạt bí ngô, hạnh nhân, rau bina luộc, đậu đen nấu chín, khoai tây có vỏ, đậu thận, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua... 

2. Sắt

Vai trò của sắt trong cơ thể không chỉ là làm tăng nồng độ hemoglobin. Hơn hết, sắt cũng được sử dụng để sản xuất năng lượng trong các tế bào như một phần của các enzyme thiết yếu. 

Thiếu sắt có thể làm thay đổi sự cân bằng glucose trong cơ thể gây ra sự gia tăng lượng đường trong máu, làm tăng các biến chứng ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Do đó, thiếu sắt khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và làm tăng cảm giác thèm ngọt.

Ảnh minh hoạ

Lượng sắt khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 11 mg đối với nam giới và 15-18 mg đối với nữ giới. Bổ sung các loại thực phẩm bao gồm hàu, nội tạng động vật, đậu, đậu lăng, rau bina, sô cô la đen, thịt và ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn uống của bạn để đáp ứng nhu cầu sắt mỗi ngày.

3. Vitamin B12

Vitamin B12, hay còn được gọi là cobalamin, là một loại vitamin thiết yếu mà cơ thể không thể tự sản xuất được. Nó có vai trò quan trọng trong việc duy trì một hệ thần kinh khỏe mạnh và cần thiết cho sự hình thành tế bào hồng cầu và tổng hợp DNA. Đồng thời, nó cũng có liên quan đến sự phát triển kháng insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc bổ sung vitamin B12 có thể giúp thúc đẩy vận chuyển glucose vào tế bào và giảm kháng insulin, đây là một cách hiệu quả để giảm cảm giác thèm đường.

Ảnh minh hoạ

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, liều lượng khuyến nghị hằng ngày của vitamin B12 đối với người lớn là 2,4 mcg và trẻ em dưới 13 tuổi tối đa là 1,8 mcg. Phụ nữ mang thai nên bổ sung khoảng 2,6 - 2,8 mcg vitamin B12 mỗi ngày. Một số nguồn giàu vitamin B12 bao gồm nội tạng động vật, cá hồi, cá ngừ, men dinh dưỡng và ngũ cốc nguyên hạt.

4. Crom

Crom là một khoáng chất vi lượng có vai trò thiết yếu đối với cơ thể con người. Một trong những vai trò quan trọng của crom là tăng sự hấp thu glucose của các tế bào. Điều này giúp ngăn chặn sự gia tăng lượng đường trong máu và cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường loại 2.

Khi các tế bào của cơ thể không nhận được glucose, cơ thể sẽ nảy sinh cảm giác thèm đường. Các nghiên cứu đã chứng minh việc bổ sung crom giúp hạn chế sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu, đồng thời giảm cảm giác thèm ăn ngọt. 

Ảnh minh hoạ

Lượng crom khuyến nghị hàng ngày ở người trưởng thành là 35 mcg đối với nam giới và 25 mcg đối với nữ giới. Các loại thực phẩm giàu crom bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, thịt, trái cây và rau quả. Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để xem xét liều lượng phù hợp và mức độ cần thiết trước khi bổ sung crom cho cơ thể.

Bạn nên ăn gì khi thèm đường?

Bạn có thể ăn quả mọng hoặc các loại trái cây khi xuất hiện cảm giác thèm ngọt. Chúng không chỉ cung cấp fructose (đường trái cây) mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu đang bị thiếu hụt, giúp làm giảm cảm giác thèm đường. Bạn cũng có thể lựa chọn ăn nhẹ với các loại hạt và sô cô la đen.

Theo Healthline và eMediHealth

Tường Uyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối