(SGTT) – Các nhà sản xuất ô tô trên thế giới hiện đang theo đuổi xu hướng điện hóa để có những chiếc xe thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Các mẫu xe điện hoá, bao gồm cả hybrid đang trở thành dòng sản phẩm chủ lực của nhiều hãng xe.
- Toyota Raize, SUV hạng A cho một gia đình trẻ
- Toyota Việt Nam triệu hồi hàng ngàn chiếc xe Avanza và Rush
Xe điện hóa là những loại nào?
Trong kiến nghị gửi đến Chính phủ hồi giữa năm nay, Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, khi nghĩ tới xe điện, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ tới một loại xe chỉ cần dùng điện từ ắc quy hay pin là chạy được. Nhưng thực sự thì xe điện không đơn giản là như vậy. “Chính vì lẽ đó mà chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ xe điện hóa thay cho thuật ngữ xe điện để mô tả chính xác hơn về loại xe này”, kiến nghị của VAMA viết.
Về cơ bản, xe điện hóa được chia làm bốn loại căn cứ trên nguồn năng lượng cung cấp cho xe:
HEV (xe điện hybid hay xe lai): dùng động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu là xăng hoặc dầu diesel. Động năng dư thừa trong quá trình giảm tốc, phanh, xuống dốc sẽ được chuyển hóa thành điện năng cho xe sử dụng.
PHEV (xe điện hybid sạc ngoài hay xe lai sạc ngoài): chạy bằng điện sạc từ nguồn bên ngoài, có tích hợp động cơ đốt trong để sử dụng trong trường hợp nguồn điện trên xe suy giảm.
BEV (xe điện hoàn toàn hay xe thuần điện): chạy hoàn toàn bằng điện sạc từ nguồn bên ngoài.
FCEV (xe điện pin nhiên liệu): sử dụng khí hydro từ bình nén trộn với oxy lấy từ không khí để tạo ra điện để chạy xe.
Trong 4 loại này, sự ưu việt của xe hybrid là điều không cần phải giải thích nhiều khi dòng xe này giúp người sử dụng tiết kiệm hàng triệu lít xăng/quá trình sử dụng xe lâu dài và khí thải thông qua công nghệ mới mà không cần thay đổi cơ sở hạ tầng của hiện tại. Khi các công nghệ khác biệt khác ra đời như BEV (xe chạy điện bằng cách sạc từ ngoài vào pin tích hợp), thì hybrid không sạc ngoài vẫn thắng thế.
Hybrid nhìn từ thị trường Việt Nam
Tại thị trường Việt Nam, dẫn chứng bằng doanh số của mẫu Toyota Cross sẽ phần nào thấy được sự chấp nhận của người tiêu dùng Việt Nam, nơi xe điện, xe Hybrid chưa đạt đến mức bao phủ thị trường. Cụ thể, sau một năm ra mắt đến nay, Toyota Cross có doanh số đạt 16.515 xe. Trong đó, phiên bản hybrid của mẫu xe này chiếm hơn 12% doanh số. Tính trong tháng 10-2021, mẫu xe này cũng nằm trong top 10 xe bán chạy nhất thị trường với 2.402 xe.
Những con số không phải vô hồn, nó là sự chứng minh về sự đón nhận, chọn lựa của người tiêu dùng khi quyết định sắm cho mình một chiếc ô tô – một trong những thứ hàng hóa giá trị cao trong bình diện chung đời sống hiện nay.
Báo cáo “Đánh giá hiệu quả công nghệ Hybrid trong điều kiện sử dụng tại Việt Nam" do Toyota Việt Nam phối hợp cùng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hồi tháng 10-2020 cho thấy tỷ lệ đăng ký xe hybrid mới tại Việt Nam đạt khoảng hơn 1.000 xe, chiếm khoảng 0,3%. Trong khi đó, thị trường láng giềng là Thái Lan đang có tới 35.000 chiếc xe hybrid, chiếm khoảng trên 3% tổng số xe.
Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng công bố kết quả thử nghiệm để cho thấy xe Hybrid phù hợp với cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Đây là bước chuyển nhịp nhàng của nền công nghiệp ô tô trước khi chuyển sang xe điện.
Cụ thể, ở đường nội đô, xe hybrid HEV có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình trong giờ cao điểm là 5,6 lít/100 km, giờ bình thường là 4,8 lít/100 km, còn trên cao tốc là 4,6 lít/100km. Trong khi đó, xe chạy xăng có các con số lần lượt là 10,3; 11,2 và 5,7 lít/100 km.
Đặc biệt, theo báo cáo đánh giá, chất lượng phát thải của xe HEV cũng ấn tượng hơn khi giảm được từ 18,5-57,4% lượng khí thải độc hại ra môi trường.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, trưởng bộ môn ô tô Viện cơ khí động lực (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết ưu điểm của xe hybrid là tiết kiệm nhiên liệu một cách tối đa, vận hành mượt mà và mạnh mẽ. Đặc biệt, xe hybrid có thể tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải CO2 từ 1,5 đến 2 lần so với các xe thông thường nên rất thân thiện với môi trường.
Cần làm gì để phát triển xe điện hóa tại Việt Nam? Trong kiến nghị của mình, VAMA cho rằng cần xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về xe điện hóa và có lộ trình áp dụng cho từng dòng xe điện hóa tại Việt Nam; có các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển tất cả các dòng xe điện hóa như: ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho từng dòng xe điện hóa căn cứ vào mức phát thải CO2; giảm lệ phí trước bạ cho tất cả các dòng xe điện hóa; xem xét về hạ tầng cho việc tái sử dụng và tái chế pin để bảo vệ môi trường và tái sử dụng được các nguồn tài nguyên hữu ích.
Hoàng Bảo