Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Xanh sân, mát nhà…

Một góc sân nhỏ trước nhà với những hàng cây kiểng cùng vài chậu hoa không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà mà còn là không gian thư giãn cho các thành viên trong gia đình sau một ngày làm việc, học tập mệt nhọc…

Chọn cây kiểng hợp với ngôi nhà

Ông Nguyễn Văn Chơn, Phó chủ nhiệm Hội Sinh vật cảnh quận Bình Thạnh (TPHCM), một người chuyên trồng cây kiểng hơn hai mươi năm nay cho rằng, thế giới cây kiểng là muôn hình vạn trạng nên nhiều chủ nhà thường gặp khó khăn trong việc chọn lựa loại cây phù hợp với ngôi nhà của mình.

Theo ông Chơn, ba vị trí chủ yếu để bố trí cây kiểng trong một ngôi nhà là bờ rào, sân và trong nhà.

Theo ông, ở bờ rào thì nên chọn các loại cây huỳnh anh, thiên lý, trang dây, cát đằng, hoa móng cọp vàng… Ưu điểm của những loại cây này là có thể leo lên bờ rào, tàn lá mọc sum suê và cho hoa đẹp. Đặc biệt, cây huỳnh anh là loại cây được nhiều người ưa chuộng vì có màu vàng đặc trưng, rực rỡ và dễ trồng, dễ phát triển.

 Cây sanh thường được trồng trong các sân nhà rộng.
Cây sanh thường được trồng trong các sân nhà rộng.

Một số chủ vườn kiểng khuyên chủ nhân của những ngôi biệt thự hoặc những ngôi nhà lớn có sân rộng thì không nên làm hàng rào, xây vách tường kín mà nên làm tường bên dưới, bên trên là song sắt cao hoặc lưới thép để tạo sự thông thoáng, sau đó trồng các loại cây thân leo để tạo cảm giác dễ chịu từ bên ngoài.

Với cây kiểng trồng trong sân nhà, ông Chơn cho rằng, sân lớn thì trồng những loại cây lớn như thiên tuế, cau bụng, sanh…; còn sân nhỏ thì có thể trồng nguyệt quế, mai chiếu thủy, bọ cạp nước, lộc vừng…

Trong đó, cây nguyệt quế được nhiều người ưa chuộng vì lá xanh mướt, hoa có mùi thơm dịu nhẹ, có thể sống được trong môi trường có nhiệt độ cao đến 400C. Ngoài ra, nhiều người quan niệm cây nguyệt quế thường mang lại may mắn, tài lộc cho gia đình mình.

Theo kinh nghiệm của ông Chơn, ngoài việc chọn cây kiểng theo diện tích của sân cũng cần lưu ý độ nóng, độ ẩm của sân để chọn loại cây. Chẳng hạn, với khoảnh sân râm mát thì nên chọn cây mật cật, trúc quân tử, trầu bà Pháp… hoặc các loại cây kiểng cho hoa như hồng môn. Ngoài ra, trong sân nhà cũng có thể trồng sen để tạo không gian xanh mát.

Việc bố trí các cây kiểng trong sân nhà, theo ông Nguyễn Văn Chơn, cần có sự đối xứng. Cụ thể, các loại cây kiểng có thân cao lớn nên đặt ở các góc sân, các loại cây thấp hơn thì bố trí liền kề theo nguyên tắc chiều cao giảm dần. Trên bờ rào phía bên trong sân có thể treo các chậu lan, cây son môi, cây ấm kiếm, dã yến thảo vàng, sử quân tử…

 Một số loại cây kiểng để treo trên các bờ rào phía trong sân nhà.
Một số loại cây kiểng để treo trên các bờ rào phía trong sân nhà.

Đối với các căn phòng, anh Trần Văn Nguyên, một chủ vườn cây hoa kiểng trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 (TPHCM), thì khuyên chủ nhà nên đặt một số chậu cây kiểng có màu sắc tươi, như tía tô cảnh, đỗ quyên, lan Ý, hoặc một số loại cau thân nhỏ nhưng cần tránh những loại cây thô nhám, xù xì, gai góc.

Anh Nguyên còn cho biết thêm, với màu sắc bắt mắt, các loại cây này nếu đặt trong phòng ăn còn có khả năng kích thích mọi người cảm thấy ngon miệng hơn.

Trồng sen trong lu.
Trồng sen trong lu.

Còn với không gian bếp, chủ nhà nên trồng những cây nhỏ gọn, tránh vướng víu và có tác dụng khử mùi, giảm khói, chẳng hạn như cây dương xỉ.

Ngoài ra, cây cau còn có khả năng loại bỏ được tất cả các độc tố trong không khí trong nhà và còn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Việc chọn vị trí đặt cây cũng rất quan trọng, tốt nhất nên đặt các chậu cây vào những nơi nhiều ánh sáng, các góc trống hoặc những nơi không đẹp trong căn phòng mà chủ nhà muốn che khuất.

 Mai kiểng được bày bán trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức với giá 10-15 triệu đồng/cây.
Mai kiểng được bày bán trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức với giá 10-15 triệu đồng/cây.

Chăm sóc mai sau tết

Ông Chơn chia sẻ, trong cuộc đời làm nghề trồng cây kiểng, ông có nhiều kinh nghiệm về trồng mai. Ông cho rằng, cây mai được nhiều gia đình mua về chưng trong mấy ngày tết, nhưng khi qua tết thì ít ai biết cách chăm sóc loại cây này.

Vì vậy, theo ông sau khi chưng mai trong nhà vào những ngày tết, chủ nhà cần đem chậu mai ra chỗ có nắng. Tiếp đó, nếu mai đã đậu trái thì nên bứt các trái này đi để cây không bị “mất sức”. Việc làm vệ sinh cho cây cũng rất quan trọng nhưng cũng khá đơn giản bằng cách dùng bàn chải chà sạch sẽ các chỗ nấm, mốc trên thân cây. Đồng thời, cần cắt tỉa gọn những nhánh cây đã khô, yếu để cây gọn gàng hơn và dùng sơn móng tay bôi vào các vết cắt đó để cây không bị thoát nhựa. Sau khi đã hoàn tất các việc trên thì phun thuốc trừ nấm Bordeaux lên toàn bộ cây mai để ngừa bệnh cho cây.

Việc tiếp theo là lật nghiêng chậu mai xuống lấy bớt đất cũ ra và kiểm tra lại lỗ thoát nước còn thông hay không. Nếu lỗ thoát nước bị tắc thì lấy cây nhọn thọc vào để chậu cây có thể thoát nước và cạo sạch lớp đất dính ở đáy chậu.

Sau khi đã vệ sinh chậu mai xong, chủ nhà lấy hỗn hợp đất trồng đã chuẩn bị sẵn gồm đất thịt, tro, trấu, xơ dừa, một ít phân bò khô trộn đều và rải xuống một phần của chậu mai. Ở công đoạn này, ông Chơn lưu ý, cần dành khoảng trống từ đất đến miệng chậu khoảng 10 cm để nước tưới không bị tràn ra ngoài.

Chủ nhà có thể mua thêm thuốc kích thích ra rễ cây ở các tiệm bán cây kiểng. Với một số loại cây kiểng thân gỗ cũng có thể áp dụng những công đoạn trên để giúp cây phát triển tốt.

Ngoài ra, việc bón phân cho các loại cây kiểng cũng cần được chú ý thực hiện định kỳ 1-2 tháng/lần để cây có chất dinh dưỡng phát triển. Có hai cách bón phân cho cây kiểng trong chậu là bón rải vào đất ở mặt chậu và bón thông qua tưới nước phun. Chủ nhà nên mua các loại phân bón cho cây tại các vườn cây kiểng và tham khảo tư vấn của các chủ vườn về loại phân và liều lượng bón cho từng loại cây. Còn việc tưới nước cho cây kiểng cần được thực hiện 1-2 lần/ngày.

 

Cần tưới nước hàng ngày cho cây kiểng.
Cần tưới nước hàng ngày cho cây kiểng.
Trúc thường được trồng trước bờ rào.
Trúc thường được trồng trước bờ rào.

 

[box type=”bio”] Chăm sóc cây kiểng khi vắng nhà

TV10Đầu tiên, đặt một bình thủy tinh lớn đựng đầy nước bên cạnh chậu hoa kiểng, sau đó tìm một miếng vải dài có sức hút nước mạnh, một đầu ngâm vào trong bình nước, một đầu chôn trong đất chậu hoa. Như vậy, chủ nhà có thể yên tâm là ít nhất nửa tháng, đất trong chậu kiểng vẫn có được độ ẩm cần thiết.

Hoặc còn một cách khác là ngắt hết lá vàng, hoa, cành yếu và tập trung các chậu kiểng trên nền nhà có độ nghiêng khoảng 20 độ. Cần đặt các chậu hoa ở nơi không có gió quá nhiều và có ánh nắng mặt trời. Căn cứ vào lượng chậu cây nhiều hay ít, chủ nhà lấy dây kẽm uốn một khung vừa đủ bao trùm các chậu, sau đó tưới đủ nước cho tất cả chậu, lấy khung chụp lại.

Kế đó, lấy một tấm nylon trong suốt mỏng trùm lên khung kẽm, không trùm phía tiếp xúc mặt đất. Điều này sẽ làm giảm bốc hơi nước cho chậu kiểng và cũng có thể giúp cây phát triển bình thường trong nửa tháng.

(Nguồn: trongraulamvuon.com)[/box]

Tùng Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chợ lan rừng giữa lòng Sài Gòn

0
(SGTT) – Nhiều người dân TPHCM thường tìm đến khu vực đường Thành Thái, quận 10, TPHCM để tìm mua các loại giống cây...

Bưởi Diễn chưng tết bán sớm, giá 60 triệu đồng một...

0
(SGTTO) - Được chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM bán tết, những cây bưởi Diễn chưng tết được chào với giá 60...

Hoa, cây cảnh lạ ngày tết

0
Tấn Phú Với nhiều người, hoa, cây cảnh là linh hồn của tết và một khi thiếu hoa, cây cảnh thì tết không còn ý...

Đặt cược vào kiểng lạ

0
Đại Dương Bên cạnh các loại hoa kiểng thông thường như mai, lan, cúc..., các nhà vườn tại TPHCM đang kỳ vọng những loại kiểng...

Cây kiểng được mùa kinh doanh

0
Nhu cầu về cây xanh trong nhà hiện tăng lên do số lượng nhà xây mới tại các dự án đang nhiều trở lại,...

Kết nối