(SGTTO) – Mùa này về miền Đông lên núi Bà, viếng núi Cậu là chuyến hành hương kết hợp tham quan du lịch nhiều hứa hẹn. Khách du lịch sẽ có dịp khám phá những ngọn núi, chùa chiền, am miếu với nhiều huyền thoại, cổ tích kể từ lúc miền đất này còn là nơi hoang địa.

Toàn cảnh chùa Bà (Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu) ở núi Bà, Tây Ninh. Ảnh: Đặng Hoàng
Lên núi Bà                                                               

Từ TPHCM, bạn theo quốc lộ 22 (đường xuyên Á), đến Gò Dầu rẽ phải chừng 2 giờ đồng hồ chúng ta sẽ đến Tây Ninh. Địa thế Tây Ninh tiếp giáp giữa vùng núi Nam Trường Sơn và đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc có nhiều rừng rậm và núi thấp. Phía Nam khá bằng phẳng có hai con sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Đến Tây Ninh chúng ta có thể tham gia nhiều lễ hội dân gian truyền thống và các danh lam thắng cảnh.

Cảnh chùa thanh tịnh. Ảnh: Đặng Hoàng

Danh thắng núi Bà Đen cao 986m, cách thị xã Tây Ninh 11 km về phía Đông Bắc, nằm sừng sững giữa đồng bằng. Đường lên núi quanh co, khúc khuỷu nhưng rộng thoáng, khá dễ đi, bạn sẽ gặp nhiều thác ghềnh nhỏ hoang sơ, nước trong veo chảy róc rách, len lỏi qua những cánh rừng có rất nhiều hoa dại.

Du khách sẽ ngạc nhiên khi gặp những bụi tre khổng lồ cao đến 30m, cành lá tươi tốt, xanh mướt với những lóng to bằng bắp vế người lớn, dài gần 1m. Có những cây long não, dầu lông, xoài mút vòng tròn gốc to đến 5-7 người ôm.

Núi Bà Đen. Ảnh: Đặng Hoàng

Sau chừng hơn một giờ leo núi, bạn sẽ tan đi những mệt nhọc khi đến được chùa Núi Điện Bà. Ở đây vào các ngày rằm lớn, lễ tết, cảnh quan nhộn nhịp với hàng ngàn khách hành hương cúng bái, khói nhang nghi ngút.

Đi vòng ra sau chùa Núi Điện Bà, có lối lên núi, lần lượt ta sẽ đến chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà…

Lễ hội núi Bà thu hút khách thập phương. Ảnh: Đặng Hoàng

Ở lưng chừng núi, có  hang ông Hổ kỳ vĩ với hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau. Ngoài ra nơi này còn có hố Bảy Ngày bí ẩn sâu thăm thẳm, hun hút; những thắng cảnh như Suối Vàng, hồ Chằm, đền thờ Ông Lớn Trà Vong, sân Quần Ngựa là những  bức tranh thiên nhiên làm xao xuyến lòng người…

Lễ hội núi Bà Đen diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đến tháng 5 âm lịch, vào các ngày mồng 5 và mùng 6, núi Bà Đen có lễ hội Vía Bà với nhiều nghi thức tế lễ trang nghiêm và hoành tráng. Vào các ngày 14, 15, 16  tháng Tám âm lịch, nơi đây còn có lễ hội rước “Mẹ” rất long trọng và hoành tráng. Khách đủ mọi miền đất nước về đây rất đông.

Núi Bà Đen còn là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong thời kháng chiến chống Mỹ. Du khách đến đây sẽ được nghe kể lại những câu chuyện xúc động về những người anh hùng giữ núi. Ngày nay trên đỉnh núi có nhà tưởng niệm và tượng đài “Dũng sĩ núi Bà Đen” uy nghi, hùng tráng.

Lên núi Bà Đen du khách có thể chọn ba cách đi. Có thể lúc lên núi bằng cáp treo, khi xuống thả bộ. Hoặc có thể ngược lại – lên đi bộ, xuống cáp treo. Lên, xuống bằng máng trượt cũng rất thú vị, tạo cho du khách cảm giác mạnh lúc qua những khúc cua nghiêng và gắt. Với các phương tiện này, du khách sẽ có dịp thưởng thức những cảnh quan trên đường lên xuống núi.

Thăm núi Cậu

Núi Cậu khá gần núi Bà Đen. Ta có thể đi từ TPHCM đến thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương khoảng 35km. Từ đây về thị trấn Dầu Tiếng, bạn đi thêm 7km nữa đến với Núi Cậu thuộc ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Bên trong Hang Hổ. Ảnh: Đặng Hoàng

Khu vực Núi Cậu gồm 21 ngọn núi, ngọn cao nhất là Núi Cửa Ông với 295m. Đầu tiên, du khách sẽ đến thăm chùa Thái Sơn có độ cao chừng 50m với khuôn viên trên 5 ha gồm các hạng mục như cổng Tam Quan lợp ngói xanh giả cổ, ngôi Cửu Trùng Đại Tháp cao 36m có 9 tầng, tượng Nam Hải Quán Thế âm Bồ tát cao 12m, Chánh Điện, Điện Ngọc với kiến trúc theo phong cách cổ lầu phương Đông. Khu vực này, đặc biệt vào các ngày 13, 14, 15 tháng 8 âm lịch là ngày lễ “Mẹ”, đây là lễ hội lớn nhất ở Núi Cậu.

Phía sau chánh điện có đường lên núi với hơn 1.000 bậc đá quanh co. Hai bên đường là rừng cây, không khí mát mẻ, dốc cao. Cuối cùng ta cũng lên được đến đỉnh núi Cậu. Ở đây có một am miếu nhỏ hai tầng, dưới thờ tượng cậu Bảy mặc áo nhà võ, thủ tấn, đi quyền trông rất oai phong, lẫm liệt. Tương truyền xưa kia cậu Bảy là tướng của ngài Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt.

Bình yên am Ao Tiên. Ảnh: Đặng Hoàng

Trên gác am Cậu thờ Ngọc Hoàng thượng đế với hoa quả, đèn nhang luôn nghi ngút… Từ  am Cậu, bạn có thể nhìn bao quát hồ Dầu Tiếng trắng xóa, rộng mênh mang xa tít đến tận chân trời.

Thong thả xuống núi… Ảnh: Đặng Hoàng

Hồ Dầu Tiếng là công trình thủy nông lớn có diện tích 27.000 ha, chứa 1,5 tỉ mét khối nước tưới tiêu cho Tây Ninh và các vùng phụ cận. Hồ có chức năng điều tiết nước sông Sài Gòn và cung cấp nước cho Nhà máy nước Hóc Môn (TPHCM).

Bạn có thể thuê thuyền du ngoạn trong lòng hồ, hoặc thư thả làm ngư phủ bỏ mồi câu cá ven hồ. Cá lăng, cá mè, cá lóc… có khá nhiều ở hồ Dầu Tiếng. Nếu may mắn trúng câu, du khách có thể có một buổi tiệc thịnh soạn với mồi “bén” lai rai giữa khung cảnh nên thơ, hoang dã của vùng Núi Cậu – hồ Dầu Tiếng.

Cách chùa Thái Sơn chừng 300m có am Ao Tiên còn hoang sơ. Đó là một cái ao nhỏ giữa bốn bề núi đá, được tạo thành do nước mưa, nước mội tích tụ. Dưới ao có sen mọc kín, mùa hè hoa nở hồng phơn phớt, hương thơm dìu dịu.

Nơi Ao Tiên này, bạn sẽ gặp rất nhiều cá long nhãn bơi lượn tung tăng. Am nằm khuất dưới rừng cây u tịch, đôi khi ta gặp bóng dáng vài vị sư nữ áo nâu sòng hái rau, bẻ củi trên đồi…Đến với am Ao Tiên, du khách có cảm tưởng như lạc vào tiên cảnh, nơi những đạo sĩ, tiên cô lánh xa cõi trần, tĩnh tâm tu luyện.

Đặng Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây