Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Vì an toàn, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tạm hoãn

Từ sự kiện tái hiện không gian Hội An xưa cho đến lễ hội dân gian Tết và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác tại các tỉnh miền Trung đã buộc phải tạm dừng, nhằm phòng ngừa Covid-19 lây lan trong cộng đồng sau đợt bùng phát trở lại mới đây.

Bên trái là poster quảng bá chương trình Hội An Show sẽ diễn ra vào tối ngày 30-1 tại thành phố Hội An và bên phải là thông báo tạm hoãn chương trình vô thời hạn của UBND thành phố Hội An, nhằm chủ động phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Nhân Tâm

Ngày 29-1, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) đã ký văn bản thông báo tạm dừng chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh mang tên “Hội An Show” theo kế hoạch sẽ diễn ra tối 30-1 tại khu vực Chùa Cầu, phố cổ Hội An.

Thông báo này được ra dựa trên các chỉ thị và công văn của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam đưa ra hôm 28-1 cũng như nhận định về loại virus SARS-CoV-2 biến thể, gây nguy hiểm và lây lan trên diện rộng.

Theo thông báo này, sự kiện Hoi An Show sẽ được tổ chức vào thời điểm thích hợp khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Trước đó, như TBKTSG Online đã đưa tin Hội An Show thu hút hơn 100 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên là cư dân địa phương, người nước ngoài sống và làm việc tại Hội An và cả cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch, mô tả một phần không gian thương cảng Hội An xưa.

Cũng trong ngày 29-1, các địa phương khác của miền Trung như Đà Nẵng và Bình Định cũng đã đưa ra những thông báo về việc tổ chức các chương trình đón Xuân Tân Sửu.

Cụ thể, Bảo tàng Đà Nẵng đưa ra thông báo hủy chương trình “Phiên chợ ngày Tết 2021”, chợ phiên “Đồ xưa Đà Thành” và lễ khai mạc Triển lãm “Tiền Việt Nam qua các thời kỳ” trong hai ngày 30 và 31-01-2021 tại Bảo tàng Đà Nẵng. Tuy nhiên, triển lãm “Tiền Việt Nam qua các thời kỳ” vẫn sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng, số 24 Trần Phú, Đà Nẵng từ ngày 30-01 đến hết ngày 28-02-2021.

Trải qua 3 mùa từ năm 2018 đến 2020, “Phiên chợ ngày Tết” đã trở thành một hoạt động thường niên và đặc trưng do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào mỗi mùa Xuân mới. Theo kế hoạch, tham gia chương trình, phụ huynh và các em sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, mang đặc trưng ngày Tết như: Làm bánh Chưng, bánh Tét; tem trầu; nặn tò he; làm bánh thuẫn; viết tranh thư pháp; làm bì lì xì; làm mứt tết và đèn lồng.

Một số chương trình lễ hội khác do doanh nghiệp tư nhân tổ chức cũng đã được thông báo hoãn hoặc chờ thông báo như chương trình Toom Sara Fest – một lễ hội văn hóa du lịch mang đậm bản sắc người Cơtu – theo kế hoạch sẽ diễn ra từ ngày 14-2 đến 16-2 tại Làng Văn hoá Cơtu Toom Sara, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hay “Lễ hội xuân mới 2021” được tổ chức từ 12-02 đến 21-02-2021 tại Công viên châu Á – Asia Park.

Tại buổi họp báo công bố Kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao “Mừng Đảng – Mừng Xuân” Tân Sửu 2021 sáng 29-1, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cũng cho biết việc tổ chức các hoạt động trên đang tích cực chuẩn bị, nhưng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở sẽ bám sát chỉ đạo phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch, UBND tỉnh, cùng các bộ, ngành liên quan để điều chỉnh theo thực tế, trên tinh thần phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu.

Các hoạt động sẽ diễn ra tại Bình Định là Hội Báo Xuân Tân Sửu từ ngày 3 đến 5-2, tổ chức trưng bày Biểu tượng linh vật năm Tân Sửu từ ngày 4 đến 20-2 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành; tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng 91 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào đêm 11-2 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, hay tổ chức Lễ hội kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào ngày 15 và 16-2 tại Bảo tàng Quang Trung.

Trong khi đó, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một số hoạt động trong những ngày sắp tới đang được xem xét hoãn hoặc tổ chức ở quy mô nhỏ hơn. Ví dụ như chương trình Tái hiện sân khấu hóa lễ Nguyên đán thời Nguyễn sáng ngày 2-2. Lễ Nguyên đán thời Nguyễn sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa thực cảnh bằng thủ pháp đồng hiện.

Chuỗi hoạt động ngày hội du lịch chào mừng năm mới của tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 cũng sẽ được dời vào tháng 3 hoặc lâu hơn tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Nhân Tâm

Theo TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh,...

0
(SGTT) - Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp du lịch Việt lựa chọn khi có...

Đến thăm cây di sản tại VQG Bù Gia Mập

0
(SGTT) - Trong thời gian qua, bằng những hoạt động cụ thể, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập đang tập trung phát triển...

Muốn là đảo ngọc, Phú Quốc cần tránh lặp lại sai...

0
Đảo Bali có hơn 4 triệu dân với diện tích 5.632 ki lô mét vuông, gần gấp 10 lần đảo Phú Quốc về...

Các điểm du lịch hấp dẫn dịp cuối hè ở Đồng...

0
(SGTT) - Trong thời gian gần đây, Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn cho các kỳ nghỉ...

Hội chợ Du lịch quốc tế lớn nhất nước sắp được...

0
(SGTT) - Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE HCMC 2022) sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-9-2022. Sự kiện được kỳ...

Kết nối