Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Tuần hoàn rác thải trong du lịch: Hình thành quy trình trong doanh nghiệp và sự chung tay của cộng đồng

(SGTT) – Việc giảm thiểu, tái chế, tuần hoàn rác thải tại gia đình hay tại cơ sở kinh doanh là phản ánh lối sống của con người. Với từng quy mô khác nhau có những bước triển khai khác nhau, các cơ sở nhỏ thì quy trình thực hiện có thể tiến hành dễ dàng và ít phức tạp hơn so với các dạng chuỗi như các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn.

Trong chương trình livestream trực tuyến trên fanepage Sài Gòn Tiếp Thị hôm 19-8 do Sài Gòn Tiếp ThịSáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện, các diễn giả khách mời khẳng định, áp dụng quy trình hoặc sử dụng các giải pháp để tái chế lại rác thải sẽ giúp môi trường xanh, phát triển bền vững.

Các bạn trẻ tham gia trong chương trình tour tìm hiểu về quy trình tái chế rác hữu cơ.

Bảo vệ môi trường sống

Theo chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, chủ nhân của Huế Eco homestay, doanh nghiệp đang áp dụng tuần hoàn rác thải thì trong cuộc sống, tuần hoàn rác thải có thể đơn giản hiểu như hạn chế sử dụng túi nilon bằng việc khi đi chợ đem giỏ để đựng đồ thay vì dùng túi nilon.

Ngay tại homestay của chị, khi du khách đến lưu trú cũng được hướng dẫn để phân loại từng loại rác và phơi túi nilon. “Những thành viên trong nhà hay các bạn sinh viên, tình nguyện viên… sẽ vẽ họa tiết lên những chai nhựa hoặc dùng các nguyên liệu khác để tái chế ra các vật dụng hữu ích như nước rửa”, chị Quỳnh Anh nói.

Những loại rác hữu cơ được các tình nguyện viên thu gom về để chế biến thành các vật dụng như nước rửa tay…

Đó cũng là những hoạt động mà các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) Huế Xanh, CLB Quốc Học Xanh ở Thừa Thiên Huế đang hướng tới để góp phần bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu tối đa chất thải rác ra môi trường.

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Công ty Emic Hospitality cũng thừa nhận, bảo tồn, tái tạo tài nguyên là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhiều người biết nhưng và việc áp dụng quy trình tác chế rác trong cơ sở kinh doanh lưu trú không hề dễ dàng, muốn làm được không thể vận động hay nói suông, mà phải hình thành quy trình trong cơ sở du lịch.

Ở góc độc chuyên môn, chị Vũ Mỹ Hạnh, quản lý dự án “doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An – Điểm đến xanh”, cho rằng các mô hình kinh doanh càng nhỏ thì sẽ càng dễ vận dụng quy trình tái chế rác thải.

Ở Hội An, nhóm của chị Hạnh cung cấp những giải pháp cho doanh nghiệp kinh doanh trong du lịch nhằm giảm thiểu rác thải ra môi trường. Một số doanh nghiệp ở Hội An đã bắt đầu áp dụng biện pháp tái chế rác thải từ khoảng 10 năm trước. “Tuy nhiên, để phân loại rác thải, cần phải có sự chung tay của toàn thể nhân viên cùng trực tiếp thực hiện. Đơn vị cung cấp giải pháp tái chế chỉ đóng vai trò cầu nối để đường đi của rác đến đúng chỗ trong việc tuần hoàn rác thải”, chị Hạnh chia sẻ.

Chai nhựa bỏ đi được dùng làm bình trồng cây.

Chị Hạnh cũng cho rằng, tái chế với rác thải hữu cơ khá đơn giản, người dân ở những vùng quê cũng ít sử dụng túi nilon để đựng đồ mà thường sử dụng lá chuối để gói. Từ rác hữu cơ, người dân cũng có thể sử dụng để làm phân hữu cơ hoặc chỉ đơn giản là ủ gốc để giữ mát cho cây cũng góp phần rất nhiều trong việc tái sử dụng rác thải.

Chị Hạnh dẫn chứng thêm, một số hộ gia đình cũng bắt đầu sử dụng vỏ hoa quả, rau củ chưa qua chế biến nấu nướng để tái chế thành nước rửa chén hoặc các dung dịch nước vệ sinh khác.

Đồng tình với điều này, chị Quỳnh Anh cho biết thêm, tái chế rác thải ở quy mô doanh nghiệp muốn hiệu quả thì phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước và những cơ quan liên quan.

Lấy dẫn chứng ngay tại cơ sở lưu trú Huế Eco của mình, chị Quỳnh Anh cho biết ngay từ đầu đã không làm một mình mà kêu gọi sự chung tay của cộng đồng bằng cách đăng trên facebook và cũng các em học sinh vào những ngày hè tham gia vào hoạt động này.

Giấy được tái chế từ rác thải.

“Không chừ thì biết khi mô”?

Một số doanh nghiệp tại Hội An đã bắt đầu áp dụng các giải pháp về tái chế rác thải từ khoảng 10 năm trước. Đầu năm 2020, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam và Phòng tài nguyên môi trường thành phố Hội An cũng có hoạt động chuyên sâu về tái chế rác thải.

Theo chị Hạnh, cộng đồng doanh nghiệp trải dài trên nhiều lĩnh vực kinh doanh như các quán cà phê, các nhà hàng khách sạn, các cơ sở lưu trú từ nhỏ đến lớn… đều có nhận thức và hiểu về tuần hoàn rác hoặc ít nhất giảm thiểu tác động của rác ra môi trường.

Một tour trải nghiệm du lịch xanh tại Hội An.

Tại Hội An, tái chế những chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa… thành sản phẩm mới như bàn ghế, thùng rác… đã làm gia tăng giá trị điểm đến, biến thành giá trị du lịch. “Điều này không chỉ hấp dẫn du khách mà khách còn thích thú hơn vì cảm thấy được hòa mình vào hoạt động bảo vệ môi trường. Từ đó cũng thấy rằng khách không phải đi du lịch nghỉ ngơi mà còn muốn học hỏi ở điểm đến”, ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, doanh nghiệp du lịch cũng đã có nhiều tour tham quan hướng tới du lịch xanh bền vững. Nhu cầu và xu hướng khách cũng dần thiên về bảo vệ môi trường nên ngành du lịch Việt Nam cũng cần phát động phong trào sử dụng rác tái chế trong lưu trú.

“Nếu chúng ta không có động thái khởi động vấn đề này thì khoảng 10 năm nữa rất khó đứng vững trên thị trường thế giới”, ông Thanh khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không nên vận động suông mà phải hình thành quy trình ngay trong từng doanh nghiệp, đừng xem tái chế rác thải là chi phí mà hãy xem nó là một khoản đầu tư.

Hai tình nguyện viên người nước ngoài đang dùng những chai nhựa bỏ đi để chế tạo thành những bình trồng cây.

Cũng theo ông Thanh, du lịch Quảng Nam đã phát động phong trào du lịch xanh, trong đó xử lý rác thải chiếm khoảng 40% trong tiêu chí hướng tới du lịch xanh.

“Chúng ta đi từng bước. Nếu làm xong, kết hợp với thế giới có thể tạo ra tiêu chí du lịch bền vững lớn ở Việt Nam thì sẽ đón đầu dòng khách có tri thức, bảo vệ môi trường và xu hướng này đang tăng trong tương lai”, ông Thanh nói thêm.

Về tour, trước dịch Covid-19, Quảng Nam cũng có tour du lịch xanh, bền vững. Khách có xu hướng về tự nhiên, nông trại bền vững nên một số doanh nghiệp tại Quảng Nam xây dựng những tour một ngày làm nông dân, tour hướng về tuần hoàn rác hữu cơ ứng dụng trong trồng trọt…

Chủ của Huế Eco homestay cho biết thêm, du lịch xanh, lối sống xanh thả hồn về thiên nhiên, tuần hoàn rác thải… là những vấn đề cũ. Tuy nhiên, sau khi dịch được kiểm soát và du lịch phục hồi trở lại thì những tour du lịch xanh, trải nghiệm thiên nhiên sẽ là dạng tour đắc giá, thu hút khách. “Không chừ thì biết khi mô?”, chị Quỳnh Anh nói.

Các diễn giả đều cho rằng, cái khó của tuần hoàn rác thải trong du lịch hiện nay là ai cũng biết nhưng ít doanh nghiệp đưa vào quy trình vận hành, còn chưa xem tuần hoàn rác là một phần của công việc, của nhân viên, mà mới chỉ dừng ở mức vận động, hô hào. Ngoài ra, sự hỗ trợ, kết nối của Nhà nước, các hiệp hội, cộng đồng cùng chung tay trong tuần hoàn rác mới quan trọng khi từng doanh nghiệp riêng lẻ khó có thể tự mình làm tuần hoàn rác thành công.

Nguyễn Nam

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa sáng Sài Gòn: Phở sườn bò cổng trường Trần Bình...

0
(SGTT) - Sườn bò là một trong những phần ăn kèm của món phở bò mà chỉ một số ít quán bán. Theo đó,...

Ẩm thực Michelin: Trải nghiệm tô phở ‘Bib Gourmand’ 56 năm...

0
(SGTT) - Mở bán từ năm 1968, phở Hòa Pasteur là một trong những quán phở lâu đời ở TPHCM. Đi kèm không gian...

Bữa sáng Sài Gòn: Mì trộn tương mới lạ có sốt...

0
(SGTT) - Mì trộn là món ăn ưa thích của nhiều người, bởi sợi mì được áo đều lớp sốt gia vị đậm đà,...

TPHCM: người dân quận 1 bắt đầu đăng ký sử dụng...

0
(SGTT) - 11 tuyến đường ở quận 1, TPHCM được chính quyền tổ chức cho người dân thuê vỉa hè, lòng đường để buôn...

Buýt vi vu: Khám phá bảo tàng Áo dài, nhà thờ...

0
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 88, du khách sẽ có dịp đi qua nhiều địa điểm thú vị tại thành phố Thủ Đức...

Thử món mì ramen ở quán ăn Nhật đầu khu chợ...

0
(SGTT) - Mì ramen là món ăn truyền thống thường được phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng Nhật Bản ở TPHCM. Ngay...

Kết nối