Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Từ hiện tượng “Hội những người ghét cha mẹ”: Phụ huynh cũng cần học cách tôn trọng con

(SGTT) - Sau những lùm xùm trên mạng xã hội, thật khó khăn để tôi có thể len lỏi vào “Hội những người ghét cha mẹ”. Tuy nhiên, chính nơi đây đã dẫn dắt tôi đi từ bất ngờ đến sự bàng hoàng và chua xót.

Thời gian gần đây, một số bài viết trên mạng xã hội và báo chí nở rộ vụ việc “Hội những người ghét cha mẹ” xuất hiện. Tôi cũng đã tìm cách thâm nhập vào group này để tìm hiểu thực hư ra sao.

Theo tìm hiểu, “Hội những người ghét cha mẹ” đã tồn tại từ 2 năm trước. Lúc đó nhóm vẫn còn là một nhóm công khai, thời gian dài thu hút hơn 4.000 thành viên tham gia. Sau nhiều bài viết phản ánh gần đây, nhóm công khai này đã ngừng hoạt động.

Hiện tại, một nhóm kín khác đã được thành lập vào 8-2021. Sau 3 tháng hoạt động, nhóm kín đã thu hút được hơn 2.000 thành viên.

Mỗi ngày có từ 4–8 bài viết được đăng tải, đa phần là đến từ các bạn thanh thiếu niên. Khâu kiểm duyệt nghiêm ngặt đã gây trở ngại rất nhiều cho tôi về việc tham gia vào nhóm. Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng tìm kiếm những thành viên trong nhóm để có thể khai thác thêm thông tin từ họ.

Nơi nỗi đau được trải lòng

Thoạt đầu, khi đọc tên “Hội những người ghét cha mẹ”, ai cũng không khỏi ngạc nhiên và bức xúc. Không ít người cho rằng đây là sự suy đồi về văn hóa khi người làm con có thể buông lời ghét bỏ cha mẹ như vậy.

Sau một thời gian “nằm vùng”, tôi được đọc qua những tâm sự, trải lòng của nhiều bạn trẻ (phỏng chừng độ tuổi từ 16 đến 20).  Những bài viết đã “vén màn” sự thật chua xót về gia đình và những “góc khuất” trong giáo dục con cái.

Tôi lân la làm quen với T., bạn cho biết bản thân là một thành viên “kỳ cựu” trong Hội những người ghét cha mẹ từ khi nhóm này còn ở chế độ công khai. T. bật bí thêm rằng bản thân đã từng đọc qua nhiều bài viết đề cập đến hoàn cảnh đáng thương, những sự bất mãn với gia đình.

Anh bạn này cũng đã cung cấp cho tôi một số câu chuyện được nhiều thành viên trong nhóm quan tâm. “Nhiều người bảo bình thường nhưng họ sai lầm. Bởi vì chính cái đó để lại tổn thương lớn. Nó (những nạn nhân – lời tác giả) có thể đối xử với con nó như nó từng bị”, T. nói thêm.

T. là một thành viên kỳ cựu, thường xuyên chia sẻ những câu chuyện mà anh gặp phải.

Thành viên K.N. đã đăng tải: “Mỗi lần ăn cơm, tôi toàn trốn trong phòng. Mỗi lần giải thích toàn để lại thẹo. Có lần tôi giả vờ bỏ nhà, ba mẹ tôi nói “nó muốn đi đâu thì đi dù sao tao cũng không ưa nó”.

Nghe xong tôi đã nói “thế sao khi sinh con ra lại không bóp cổ con chết đi”. Bài viết này đã nhận được lượt lớn sự quan tâm và đồng cảm đến từ các thành viên trong nhóm.

Đọc qua những câu chuyện mà T. cho rằng ấn tượng và những dòng chia sẻ của nhiều tài khoản Facebook, tôi hơi lúng túng. Tôi chẳng bao giờ dám nghĩ rằng gia đình trong mắt nhiều người lại trở thành một nơi tăm tối như thế.

Chưa dừng lại ở đó, một tài khoản tên N.T.X.N. mới chia sẻ cách đây vài ngày cho biết bản thân thường phải bị nghe sự mắng nhiếc từ gia đình. Câu nói “Mày không phải con tao, mày dọn đồ biến đi” của ba mẹ thốt ra khiến bạn trở nên bế tắt.

Tài khoản này còn cho biết thêm vào lúc tham gia thi THPT, bản thân bị bố mẹ ngăn cản với câu nói “Nếu mày đi thi mà dính dịch thì mày uống thuốc chuột chết đi mắc công lây lan đến tao”. Điều đó đã khiến bạn ám ảnh và mong muốn nhận được lời khuyên đến từ người khác.

Ngoài ra, Hội những người ghét cha mẹ cũng là nơi để các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện xoay quanh vấn đề phân biệt giới tính trong gia đình.

Tâm sự của bạn trẻ khi phải nghe mắng nhiếc từ gia đình. Ảnh chụp màn hình

Theo như tôi tìm hiểu, Hội những người ghét cha mẹ không phải là nơi “chứa chấp” những đứa trẻ “ghét cha mẹ” như tên gọi. Nơi đây đơn thuần là một không gian để các bạn trẻ có thể trải lòng và tâm sự. Qua đó, các bạn có thể nhận được lời khuyên, sự đồng cảm từ mọi người. Đáng thương hơn là đáng trách.

“Người lớn luôn đúng, vậy ai sẽ thông cảm cho lũ trẻ đây?”

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ quan điểm của mình trước sự xuất hiện của Hội những người ghét cha mẹ. Tôi đã có quá trình tìm hiểu để ghi nhận lại một vài ý kiến của cộng đồng.

Người dùng Facebook R.Z. viết: “Nếu đã cho chúng một sinh mạng, thì hãy yêu thương và trân trọng chúng, chứ nhiều bố mẹ mang danh phụ huynh toàn “shaming” con đủ mặt, đặt áp lực lên con cái, chì chiết con cái, tới lúc chúng làm điều dại dột thì vẫn “blaming” bảo rằng bất hiếu. Người lớn luôn đúng, vậy ai sẽ thông cảm cho lũ trẻ đây?”.

Bạn Đ.T. cũng chia sẻ: “Nói chung cũng không trách được. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận và tất nhiên không ai muốn mình sinh ra và lớn lên trong bạo lực gia đình hay thiếu thốn sự yêu thương từ bố mẹ cả. Mình cũng từng là nạn nhân nhưng đối lại mình có được người mẹ vĩ đại luôn đặt con lên hàng đầu. Qua đây chỉ mong rằng các bạn vẫn cố gắng mạnh mẽ, hãy cố gắng tốt nhất có thể để vượt qua và chúc các bạn sẽ vui vẻ, lạc quan hơn và đừng nghĩ quẩn nhé”.

Đồng tình với quan niệm “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, một tài khoản có tên V.E. bày tỏ: “Tên nhóm đúng là tiêu cực thật, nhưng phải thừa nhận, chẳng phải bố mẹ nào cũng tốt, chẳng phải ngôi nhà nào cũng là nhà”. Ở bình luận kế tiếp, chủ tài khoản này cũng cho biết thêm rằng ai bị sự tổn thương tâm lý bởi người nhà gây ra thì mới hiểu được hoàn cảnh đó như thế nào, “nhiều lúc muốn chết còn hơn”.

Những bài viết về Hội những người ghét cha mẹ trên các diễn đàn tranh luận đã nhận được lượng lớn quan điểm đồng cảm với hoàn cảnh của “người trong cuộc”. Đa phần mọi người cho rằng không phải ai cũng có một gia đình hạnh phúc. Dư luận cũng nhìn nhận những thành viên vào nhóm chia sẻ chỉ là nạn nhân của bạo hành thân thể và tinh thần.

Những bạn trẻ đó đã bị cha mẹ bạo hành, mắng chửi lâu ngày nên dẫn đến có những lời nói, phát ngôn trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, dư luận cũng quan ngại về vấn nạn bạo lực gia đình đang ngày một diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức.

Tuy nhiên vẫn có quan điểm trái chiều, phê phán những người tham gia nhóm kín. Họ cho rằng đây là biểu hiện của sự suy đồi về đạo đức và lối sống. Một số cá nhân còn bày tỏ rằng các bạn trẻ đang làm quá lên khi “bóc phốt” bố mẹ mình trên mạng xã hội như vậy.

Đông Phong

Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối