(SGTT) – Dù là vùng kinh tế quan trọng của cả nước, tuy nhiên, hạ tầng giao thông ở Đông Nam Bộ vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hiện nay, nhiều dự án đường cao tốc, đường vành đai vẫn còn bị bỏ ngỏ do thiếu vốn đầu tư.
- Khó giảm kẹt xe khi thu phí ô tô vào trung tâm thành phố
- Tụt 6 bậc trong 4 năm, TPHCM họp bàn cách nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Sáng 22-12, trong tọa đàm “Đột phá hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu” do báo Giao thông tổ chức, tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, nhận định mạng lưới giao thông phía Nam quy hoạch hơn 500km đường cao tốc, nhưng hiện nay mới chưa được 90km.
Theo ông Lịch tại TPHCM tuyến vành đai 2 sau quy hoạch cả chục năm vẫn chưa khép kín. Mặt khác, Hà Nội đang triển khai vành đai 5 nhưng đường vành đai 2 của TPHCM chỉ có 64km và chưa khép kín được với vành đai 3, 4 thì vẫn còn dở dang.
“Không thể chấp nhận một thành phố như TPHCM mà không có đường vành đai nào kết nối, toàn đường vành khuyên thế này”, ông Lịch nhấn mạnh.
Ông Lịch cho rằng nếu sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) được đưa vào khai thác vào năm 2025 và hạ tầng giao thông vẫn đang ở mức như hiện nay thì không thể kết nối được với TPHCM và càng thêm tắc nghẽn.
Để thực hiện được các dự án hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Lịch cho rằng phải tháo gỡ cơ chế đối tác công tư PPP bởi theo nguyên tắc thì Nhà nước chỉ đóng góp không quá 50% tổng vốn đầu tư của dự án.
Đồng thời phải có cơ chế để hình thành định chế quỹ đầu tư vùng về hạ tầng. Ngoài ra, cần có hội đồng vùng và huy động nguồn vốn làm đối tác để thu hút đầu tư cho toàn vùng.
Trong khi đó, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng vụ đối tác công tư PPP (Bộ Giao thông Vận tải), lại cho rằng việc nói quy định tỷ lệ vốn góp của Nhà nước trong các dự án PPP là rào cản thu hút đầu tư thì chưa hoàn toàn chuẩn xác.
Theo ông Thành đến nay chỉ có cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là dự án thực hiện đúng theo hình thức PPP. Ông Thành cho biết thêm, khả năng thu hút đầu tư phụ thuộc rất lớn vào điều kiện từng dự án và có nhiều cách để làm PPP trên cơ sở vốn nhà nước là vốn mồi dẫn dắt đầu tư công.
“Có thể thiết kế phương án đầu tư cho phù hợp với mỗi dự án và TPHCM cũng có thể đề xuất cơ chế riêng cho vành đai 3 vì ý nghĩa quan trọng đặc biệt của dự án”, ông Thành nói thêm.
Cũng liên quan đến vấn đề vốn, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, chia sẻ TPHCM hiện vẫn gặp khó khăn vì nguồn vốn hạn chế. Theo đó, các kế hoạch triển khai dự án đã có, chỉ còn chờ nguồn vốn và TPHCM cũng đã kêu gọi đầu tư PPP tuyến vành đai 3 nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
“HĐND TPHCM thông qua nguồn vốn đầu tư xây dựng nút giao An Phú bằng vốn ngân sách, nhưng ngân sách thành phố cũng không đủ để đầu tư toàn bộ các dự án, nhất là các tuyến vành đai”, ông Bằng nói thêm.
Minh Hoàng