Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Trung Quốc xem xét buộc trả lương cho thời gian làm ngoài giờ trên mạng

A.I
(SGTT) – Trung Quốc sẽ xem xét ban hành quy định pháp lý bảo vệ lợi ích của những nhân viên làm việc trên mạng sau giờ làm hành chính ở văn phòng. Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc cho rằng, đây là một dạng làm việc quá giờ “vô hình”, xứng đáng được trả lương.
Trả lời tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm hành chính trên các ứng dụng nhắn tin như WeChat và xử lý công việc trên điện thoại trong những ngày nghỉ ngày càng trở nên phổ biến đối với nhân viên ở Trung Quốc. Ảnh: VCG

Đề xuất quyền “ngắt kết nối” để nghỉ ngơi sau giờ hành chính

Tại phiên họp của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tuần trước, ông Lyu Guoquan, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Trung Quốc đề xuất, thiết lập định nghĩa pháp lý và khung chi trả cho thời gian làm việc trực tuyến ngoài giờ hành chính.

Ông cũng đề xuất đưa quyền “ngắt kết nối mạng” để nghỉ ngơi sau giờ làm hành chính vào luật lao động, đồng thời tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các công ty liên quan đến “làm thêm giờ vô hình”.

“Công nghệ thông tin kỹ thuật số trong kỷ nguyên internet đã xóa mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống, khiến việc làm thêm giờ vô hình ngày càng được bình thường hóa và không được trả lương. Tình trạng ‘luôn có mặt trực tuyến’ khiến người lao động mắc kẹt trong hệ thống công việc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ”, ông nói.

Mới đây, trao đổi với Đài truyền thanh quốc gia Trung Quốc ông nói, đề xuất trên đã được CPPCC chấp thuận và các cơ quan chính phủ liên quan sẽ sớm trao đổi vấn đề này với ông.

Trong khi đó, báo cáo công tác trình bày tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc hôm 8-3, ông Zhang Jun, chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc cũng đề cập đến tình trạng “làm thêm ngoài giờ vô hình” trên mạng. Ông nói, các tòa án Trung Quốc đã đặt ra ra các tiêu chuẩn để xác định “làm thêm ngoài giờ vô hình” vào năm ngoái.

“Người lao động được xem là làm việc ngoài giờ nếu họ “đóng góp lao động đáng kể” ngoài giờ làm việc hành chính cho những công việc tiêu tốn thời gian, một định nghĩa bao gồm cả làm việc trực tuyến. Các tiêu chuẩn này đảm bảo rằng, công việc trực tuyến (làm ngoài giờ) được trả lương và thời gian nghỉ ngơi ngoài giờ làm hành chính được bảo vệ”, ông Zhang nhấn mạnh.

Giống như nhiều nước khác, việc nhân viên ở Trung Quốc trả lời tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm hành chính trên các ứng dụng nhắn tin như WeChat và xử lý công việc trên điện thoại của họ trong những ngày nghỉ ngày càng trở nên phổ biến.

Theo luật lao động của Trung Quốc, người lao động không được làm việc quá 8 giờ mỗi ngày hoặc trung bình 40 giờ mỗi tuần. Người sử dụng lao động, do tính chất và nhu cầu sản xuất, kinh doanh, có thể kéo dài thời gian làm việc sau giờ hành chính nếu đã tham khảo ý kiến của công đoàn và người lao động. Thông thường, chủ lao động chỉ được phép yêu cầu nhân viên làm thêm không quá một giờ mỗi ngày nhưng phải trả lương làm thêm giờ.

“Trên thực tế, nhiều nhân viên dành hơn một giờ làm thêm sau giờ hành chính nhưng họ không được trả lương tương ứng cho công sức lao động”, một bài viết của tờ Nhật báo Công nhân cho biết.

Wang Yong, một đại biểu Quốc hội Trung Quốc và là người quản lý chi nhánh ở Hồ Bắc của Công ty hậu cần SF Express cho rằng, chủ sử dụng lao động không nên yêu cầu nhân viên phản hồi kịp thời ngoài giờ, đặc biệt là vào ban đêm đối với những công việc thường ngày. “Các nhóm làm việc trực tuyến sẵn sàng phản hồi 24/24 không nên được xem là tiêu chuẩn bình thường”, Yong nói.

Không thể xong việc nếu không làm thêm giờ trên mạng

Giờ giấc làm việc khắc nghiệt vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với văn hóa làm việc của Trung Quốc, đặc biệt là ở các công ty công nghệ. Tình trạng làm thêm giờ “vô hình” đã trở thành một hiện tượng xã hội. Tháng 12 năm ngoái, một phụ nữ ở tỉnh Tứ Xuyên, đã mất tới ba tiếng rưỡi để thoát khỏi hơn 600 nhóm làm việc trên WeChat sau khi cô nghỉ việc. Câu chuyện của cô làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng. Nhiều cư dân mạng bình luận rằng, các nhóm làm việc như vậy khiến công việc tồn tại mọi lúc mọi nơi và họ cảm thấy sợ hãi mỗi khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại di động.

Một cuộc khảo sát về tình hình làm thêm giờ của giới trẻ Trung Quốc vào năm 2023, do dtcj.com thực hiện cho thấy, hơn 90% nhân viên phải làm thêm giờ vô hình, trong đó có 60% làm ở mức độ thường xuyên. Ba dạng làm thêm giờ vô hình hàng đầu bao gồm trả lời các tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ hành chính, tham gia các khóa đào tạo hoặc các cuộc thi do công ty tổ chức và túc trực trên mạng bất cứ lúc nào dù không được giao nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, có tới 73% người trả lời khảo sát cho biết, họ không thể hoàn thành khối lượng công việc nếu không làm thêm giờ trên mạng.

Trong những năm gần đây, các tòa án Trung Quốc đã xét xử một số vụ kiện liên quan đến thanh toán tiền làm thêm giờ trên không gian trực tuyến. Trong số đó, có một vụ kiện được Tòa án Nhân dân tối cao coi là hình mẫu cho các cơ quan tư pháp khác.

Vụ việc liên quan đến trưởng nhóm phát triển video ngắn mang họ Li, người đã kiện chủ doanh nghiệp vì không trả lương làm thêm giờ sau khi bị sa thải vào năm 2020. Một tòa án sơ thẩm kết luận rằng, thời gian Li dành cho tin nhắn công việc trên WeChat trong thời gian ngoài giờ hành chính nên được xem xét khi tính lương làm thêm giờ. Nhưng tòa án tối cao thừa nhận, thời gian nhắn tin này là “rải rác và khó tính toán”.

Lou Yu, giám đốc Viện Luật xã hội của Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc tin rằng, các quy định sẽ sớm được xây dựng để quản lý việc làm thêm giờ trên không gian trực tuyến. “Đây là một vấn đề lao động và việc làm rất nổi bật hiện nay và đề xuất xây dựng quy định liên quan đã được nhiều ngành ủng hộ”, ông nói.

Lou You lưu ý, sẽ phải mất ít nhất hai năm để xây dựng một quy định ở cấp bộ và thậm chí còn lâu hơn đối với luật được Quốc Vụ viện (tức chính phủ Trung Quốc) xây dựng.

Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ về lợi ích trước mắt của quy định như vậy. Trong một loạt bình luận dưới tin tức này ở trang mạng xã hội Weibo, một cư dân mạng viết: “Trước tiên, chúng ta phải xem liệu có thể thực hiện quy định nghỉ ngơi cho người lao động vào các ngày cuối tuần hay không?”.

“Pháp luật và thực thi pháp luật là hai vấn đề riêng biệt,” một người khác bày tỏ.

Lê Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tai nạn lao động gây thiệt hại hơn 16.000 tỉ đồng...

0
(SGTT) - Trong năm 2023, thiệt hại về vật chất và tài sản do tai nạn lao động lên tới hơn 16.000 tỉ đồng,...

Hà Nội, TPHCM có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao...

0
(SGTT) - Ở Hà Nội, phiên giao dịch và tư vấn việc làm lưu động mới đây có nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng...

Trường dạy nghề gặp khó trong nỗ lực ‘theo kịp’ thị...

0
(SGTT) – Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM đang gặp không ít vướng mắc trong quá trình xây...

Đón Tết xa quê, hy vọng một năm mới lạc quan...

0
(SGTT) – Mất việc, giảm giờ làm, thu nhập giảm sút… khiến nhiều lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM...

Nhật Bản đưa ra các loại visa mới để thu hút...

0
(SGTT) - Chính quyền Nhật Bản đang thực hiện thí điểm nhiều loại visa khác nhau nhằm thu hút lao động có tay nghề...

Quà tặng không bằng cách tặng

0
(SGTT) - Mới đây nhiều thông tin phản ảnh về việc, người lao động phải mở thẻ tín dụng của một công ty tài...

Kết nối