Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Tiền đồng hấp dẫn, kiều hối vẫn về

THANH THƯƠNG thực hiện – 

Kiều hối về TPHCM sẽ tiếp tục lạc quan trong năm 2016, với mức tăng dự báo khoảng 10-12% so với năm 2015, cho dù người nhận có thể phải bán ngoại tệ cho ngân hàng để chuyển thành tiền đồng và lãi suất tiền gửi đô la Mỹ chỉ còn 0%/năm. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM trong cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị ngày 5-1.

Thưa ông, kiều hối về TPHCM tăng đều từ năm 2010 đến nay. Vì sao có con số tích cực này trong bối cảnh kinh tế nhiều nước còn gặp khó, việc tìm kiếm thu nhập của Việt kiều và lao động xuất khẩu là không nhiều?

6aÔng Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM.

Kiều hối năm 2015 đã tăng khoảng 10% so với năm trước, và tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 5-10% trong năm năm qua. Tôi cho rằng có mấy lý do khiến cho kiều hối vẫn đổ về Việt Nam nhiều.

Đầu tiên là do cơ chế thu hút kiều hối thông thoáng. Người dân có thể nhận tiền mặt, chuyển khoản, có thể nhận bằng ngoại tệ hay tiền đồng, và người nhận không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, lao động xuất khẩu vẫn có khuynh hướng gửi tiền về hỗ trợ tài chính cho gia đình, Việt kiều cũng muốn gửi tiền về nước đầu tư, trong bối cảnh tiền nhàn rỗi ở nước ngoài khó sinh lãi hơn.

Thêm vào đó, trong mấy năm trở lại đây, mạng lưới nhận kiều hối đã rộng khắp toàn thành phố. Cụ thể, tại TPHCM ngoài các tổ chức tín dụng đang là đối tượng nhận kiều hối lớn còn có 27 tổ chức kinh tế được cấp phép nhận kiều hối trực tiếp và 43 đại lý chi trả kiều hối. Việc nhận kiều hối được thực hiện trong thời gian ngắn, người nhận có thể nhận được ngay trong vòng 2-3 phút sau khi người từ nước ngoài gửi về.

Phí nhận chuyển kiều hối hiện tại cũng rất cạnh tranh, mức phí đang niêm yết tại các ngân hàng thương mại vào khoảng từ 0,03-0,2%, tùy theo vùng địa lý, cao nhất là phí nhận chuyển kiều hối từ Mỹ, châu Âu về Việt Nam.

Đó chính là các lý do tốc độ tăng trưởng kiều hối được duy trì.

6b

Trong năm 2015, lượng kiều hối nhận được tại TPHCM là khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ. Dòng vốn này đã chảy vào đâu, thưa ông?

Kiều hối hiện vẫn chảy vào ba lĩnh vực chính. Đầu tiên là hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh, bao gồm cả vốn ngắn, trung và dài hạn. Thứ hai là bất động sản, và cuối cùng là hỗ trợ người thân khám bệnh, du học. Trong đó, vốn vào sản xuất kinh doanh vẫn nhiều nhất, với tỷ lệ tăng đều qua hàng năm. Nếu như từ năm 2012 trở về trước vốn vào lĩnh vực này khoảng 60% thì trong năm 2015 là 71,8%. Kiều hối vào bất động sản cũng tăng cao, nếu tỷ lệ của năm 2012 là khoảng 15-17% thì năm 2015 là 21,8%.

Kiều hối tăng đã hỗ trợ rất tốt cho nền kinh tế vì với nguồn ngoại tệ này Nhà nước không phải trả nợ, không phải trả lãi. Trong năm qua, dòng vốn này giúp cho một số dự án bất động sản dở dang được khởi động lại, một số doanh nghiệp cũng có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo thông tin từ NHNN, sắp tới kiều hối sau khi gửi về ngân hàng, người thân buộc phải nhận bằng tiền đồng, không còn được nhận bằng ngoại tệ. Điều này sẽ cản trở nguồn kiều hối về Việt Nam trong 2016, thưa ông?

Chủ trương chống đô la hóa là chủ trương đã có từ rất lâu, các chính sách của NHNN hiện tại cũng nhằm vào mục đích nâng cao giá trị tiền đồng. Thực ra, để thực hiện được chủ trương này cần rất nhiều thời gian. Trước đây, để chống vàng hóa NHNN cũng phải dùng nhiều biện pháp, đến nay đã đạt hiệu quả. Tôi cho rằng khi quy định đưa lãi suất tiền gửi đô la Mỹ về 0% và người nhận kiều hối sẽ phải nhận bằng tiền đồng sẽ gây tác động tâm lý đến nhiều người. Nhưng sau đó người gửi sẽ cân nhắc sự hấp dẫn của lãi suất tiền đồng và chọn gửi tiết kiệm hoặc rút tiền để đầu tư. Vì như hiện tại, lãi suất gửi tiền đồng kỳ hạn 1 năm khoảng 6,2%, trong khi gửi ngoại tệ chẳng những không được lãnh lãi mà còn phải trả phí.

Với kiều hối, tôi cho rằng chẳng những nguồn chuyển về không giảm mà còn tăng. Vì kinh tế Việt Nam đang bắt đầu đà phục hồi, Việt kiều có thể thấy những cơ hội làm ăn trong cả kinh doanh, sản xuất, lẫn đầu tư bất động sản. Đồng thời nếu người thân nhận kiều hối bằng tiền đồng và gửi thì cũng thu lãi tốt, vì lãi suất tiền gửi của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước. Tôi dự báo kiều hối năm nay sẽ tăng khoảng 12% so với năm 2015.

Nhưng nếu người nhận kiều hối vẫn muốn nhận bằng ngoại tệ, họ sẽ tìm đến các dịch vụ tư nhân không được cấp phép. Điều này sẽ khiến cho luồng tiền ra, vào Việt Nam không được kiểm soát?

Hiện tại các công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền như Western Union hay MoneyGram và cả Công an TPHCM đều thường xuyên làm việc với cơ quan chúng tôi. Họ cho biết có hiện tượng chuyển tiền bất hợp pháp nhưng số lượng thường nhỏ, lẻ. Vì người gửi cũng lo ngại rủi ro bị lừa đảo nếu chuyển số tiền quá lớn. Trong năm qua nổi lên hiện tượng người Việt Nam chuyển tiền bất hợp pháp sang Mỹ để mua bất động sản. Nhưng phía Mỹ đã có biện pháp xử lý nên hiện tượng này đã tạm lắng.

[box type=”download”] Kiều hối năm 2015 đạt 12,25 tỉ đô la Mỹ

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2015 lên tới 12,25 tỉ đô la Mỹ, theo một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Trong ấn bản Migration and remittances factbook 2016 về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới, Ngân hàng Thế giới cho biết xét trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối trong năm nay. Còn xét ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philippines.

Năm 2014, kiều hối về Việt Nam đạt 12 tỉ, năm 2013 là 11 tỉ và năm 2012 là 10 tỉ đô la Mỹ. Theo báo cáo, tính đến năm 2013 có 68.300 người nước ngoài vào Việt Nam và có 2,6 triệu người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống.

Tư Giang[/box]

Còn trên thực tế, việc chuyển tiền “lậu” sẽ do cơ quan công an xử lý, nên chúng tôi không có số liệu cụ thể. Để tránh tình trạng người dân dùng dịch vụ này để chuyển tiền khi kiều hối khi về ngân hàng phải chuyển thành tiền đồng, chúng tôi sẽ phối hợp với Công an TPHCM đề nghị kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng này.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Về Quảng Nam xem lễ rước sắc phong và chánh tế...

0
(SGTT) - Nằm trong khuôn khổ lễ hội Kỳ Yên năm 2024, sáng 18-4 (nhằm mùng 10-3 Âm lịch), tại xã Tiên Châu, huyện...

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Kết nối