BẢO UYÊN -
Trong câu chuyện của các bà nội trợ khi ra chợ hay vào siêu thị bây giờ hay nói tới ăn sạch, ăn an toàn mà ít nói hay ít nghĩ tới uống sạch. Nhưng một khi sức khỏe của người tiêu dùng được đặt lên hàng đầu thì thức uống sạch có chỗ đứng của nó trên thị trường.
Từ cà phê đến sinh tố sạch
Thức uống sạch bắt đầu phong phú trên thị trường TPHCM. Trong ảnh, bà Châu Lê và khách hàng tại cửa hàng sinh tố, nước ép sạch juicerie. Ảnh: Bảo Uyên
Sau một số tin đồn chuyện cà phê rang xay được trộn chung với bột bắp, đậu nành hay tẩm hương hóa chất…, không ít người dân Sài Gòn đã thay đổi thói quen uống cà phê hàng ngày của mình. Thay vì mua những ly cà phê pha sẵn không rõ nguồn gốc, họ tìm đến những quán cà phê nguyên chất, được rang xay ngay tại quán.
Bà Nguyễn Thị Nhung, nhân viên văn phòng (quận 3), cho biết quán cà phê có rang xay tại chỗ giờ xuất hiện rất nhiều. Quán bình dân giá chỉ có 12.000-15.000 đồng/ly. “Tuy mắc hơn cà phê vỉa hè vài ngàn đồng nhưng an tâm là mình đang uống đồ nguyên chất”, bà nói.
Nắm bắt nhu cầu đang ngày càng tăng về đồ uống sạch, ông Hai, chủ quán cà phê Pencil Coffee (đường Pasteur, quận 1) đã đặt hàng tận Buôn Mê Thuột, lấy hạt cà phê về tự xay tại quán. So với cà phê xay sẵn có thể pha lẫn tạp chất và làm cho người mua không an tâm thì cà phê rang xay nguyên chất có mùi thơm dễ chịu và đặc trưng hơn. Hình ảnh những mẻ cà phê cho vào máy xay ngay trước khi pha cũng làm người uống an tâm hơn nhiều. “Quán cà phê giờ không chỉ là nơi gặp mặt mà còn là chỗ lựa chọn thức uống sạch, có nguồn gốc đáng tin”, ông Hai nói.
Bên cạnh những quán cà phê nguyên chất hay rang xay tại chỗ, thị trường thức uống sạch cũng dần đa dạng hơn khi bắt đầu xuất hiện những quán sinh tố, ca cao có nguyên liệu đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dù ra đời chưa lâu nhưng cửa hàng chuyên bán thức uống ca cao sạch Bungo trên đường Thái Văn Lung (quận 1) đã thu hút được lượng khách ổn định. Nhiều khách hàng cho hay họ bất ngờ khi biết đến sự hiện diện của một quán chuyên bán đồ uống ca cao, hơn nữa còn là ca cao sạch theo chuẩn quốc tế. Với mô hình “từ nông trại đến bàn ăn”, thức uống ở đây được chế biến theo chuỗi quy trình khép kín và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ lúc trồng trọt, thu hoạch hạt, chế biến thành bột ca cao và pha chế thành thức uống tại quán.
Ông Đặng Tường Khâm, chủ quán cho hay, ca cao chế biến trong quán được lấy từ vùng nguyên liệu ca cao đạt tiêu chuẩn UTZ (chương trình chứng nhận toàn cầu đưa ra các tiêu chuẩn sản xuất và kinh doanh nông sản có trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường) ở huyện Định Quán, Đồng Nai. Ông tâm niệm làm thức uống ca cao sạch không chỉ là cách để quảng bá cho thương hiệu ca cao Trọng Đức (công ty chuyên trồng và chế biến ca cao do anh làm chủ) mà còn để tạo ra một chuẩn mực mới cho người tiêu dùng về đồ uống sạch và chất lượng.
Sạch không chỉ là không bẩn
“Sạch tức là không bẩn”, đây là quan điểm khá phổ biến về thực phẩm từ trước đến nay của người tiêu dùng nhưng dường như một vế rất quan trọng đã bị bỏ qua trong câu nói này, đó là sạch liệu đã đủ tốt cho sức khỏe?
Bà Châu Lê, chủ tiệm sinh tố juicerie trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) có suy nghĩ khác. Bà đặt vấn đề thức uống có ga trên thị trường hiện nay cũng sạch và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng liệu nó có lợi ích cho sức khỏe người dùng hay không? Trăn trở với câu hỏi này, sau khi tốt nghiệp ngành sinh hóa tại trường Đại học Cornell (Mỹ), bà Châu Lê trở về nước và quyết định khởi nghiệp bằng việc mở cửa hàng sinh tố/nước ép. Theo bà, Việt Nam là một nước nông nghiệp, có đủ điều kiện canh tác nhiều loại rau, củ, quả mà từ đó có thể chế biến thành các loại thức uống tốt cho sức khỏe. Thương hiệu sinh tố juicerie đã ra đời từ suy nghĩ đó. Nhiều khách hàng đến đây tò mò khi nhìn vào thực đơn; bởi bên cạnh các món nước ép, sinh tố trái cây truyền thống, quán còn phục vụ cả những loại thức uống chế biến từ rau củ như rau bó xôi, rau cải xoăn, nghệ tươi…
Nhưng thực đơn lạ và mức giá khoảng 35.000 đồng/ly không phải là những điểm thú vị duy nhất của juicerie. Bà Châu Lê cho biết, khách hàng tin tưởng quán khi biết hầu hết nguồn nguyên liệu rau, củ, quả ở đây đều có chứng nhận VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam) hoặc được trồng theo mô hình Organic (quy trình sản xuất hữu cơ) của các nông trại trên Đà Lạt.
“Quán sinh tố, nước ép có rất nhiều ở Sài Gòn nhưng để tìm được một quán vừa có thể pha chế được nhiều thức uống có lợi cho sức khỏe, vừa có nguồn nguyên liệu an toàn không phải là dễ. Nhận thấy nhu cầu rất lớn của thị trường này ở Sài Gòn nên tôi mở juicerie”, bà chia sẻ. Hiện cửa hàng đang hợp tác với một nông trại trồng rau quả hữu cơ ở Lâm Đồng để đảm bảo nguồn nguyên liệu và giá thành ổn định. Dù có lợi thế về nguồn gốc nguyên liệu chế biến nhưng bà cho rằng để nhiều khách hàng biết đến, mức giá của quán cũng chỉ ở mức phải chăng.
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan và đang là mối lo ngại của nhiều người tiêu dùng, kinh doanh thức uống sạch đang thật sự trở thành một thị trường giàu tiềm năng. Tư duy chiến lược đột phá của những người kinh doanh ngành này đang mở ra cơ hội giúp người tiêu dùng trong nước đến gần hơn với những sản phẩm sạch, chất lượng và an toàn.