(SGTT) – Tạm bỏ qua những món lẩu đắt đỏ hay giá trị từ các thực phẩm cao cấp, nồi lẩu hôm nay chỉ đơn giản là các loại rau bình dị, đem nhúng trong nước dùng riêu cua thanh ngọt.
- Nồi lẩu cuối tuần có vị chua thanh từ trái chanh dây
- Thơm lừng nồi lẩu cuối tuần cùng Nakji jeongol
- Thơm lừng nồi lẩu cuối tuần bởi loại cây bắt nguồn từ Địa Trung Hải
Trong ẩm thực vùng miền, ngoài các món ăn định hình nên ẩm thực cho từng địa phương vẫn còn có những món ăn bình dị đến mức đâu đâu cũng thấy. Chẳng hạn như món lẩu tập tàng hôm nay có nguồn nguyên liệu tìm được gì nấu đó nhưng thành phẩm rất bắt vị.
Theo thông tin trên các trang web ẩm thực, tập tàng tức chỉ hỗn hợp, sự lẫn lộn nhiều thứ có giá trị không đáng kể. Danh từ này dần dần chỉ để nói các món rau kiểu tập tàng rồi đem nấu thành món canh tập tàng.
Thực tế, rau tập tàng có vị ngọt ngọt của rau dền, diệu, đọt dâu, thài lài; vị chua chua của sam; vị bùi bùi và nhẫn nhẫn của lá võng hay vị the đắng nhẹ của mè đất. Phổ biến hơn có đọt mồng tơi, khổ qua. Những thức rau bình dị này sơ chế cũng đơn giản khi bỏ gốc, rửa sạch qua nước lọc là đã hoàn thành 1/3 công đoạn chế biến lẩu tập tàng.
Về nước dùng, do đây là món ăn bình dị, phảng phất nét thôn quê nên riêu cua (gạch cua) sẽ đảm nhận vai trò gia vị xúc tác tạo độ thơm cho nước dùng. Thế nên, nước dùng món ăn này không cần phải dùng đến xương heo, xương gà, xương bò để hầm mà chỉ lấy mỗi riêu cua. Để món lẩu trở nên đặc sắc hơn, một số quán cho thêm thịt tôm để thực khách có thêm lựa chọn nhúng lẩu.
Không chỉ là rau hay canh tập tàng, lẩu tập tàng thưởng thức đúng điệu là phải có chén nước chấm ớt tỏi giã nhuyễn làm từ nước mắm mặn hay mắm cái. Đem rau nhúng lẩu, chấm nước mắm đến đâu bảo đảm thực khách không khỏi thích thú đến đó.
Dù nguyên liệu có phần đơn giản, tận dụng từ chính thức nào nấu nấy nhưng thành phẩm lẩu tập tàng lại rất thơm ngon. Nhiều thực khách dùng bữa món ăn này có chung một nhận xét, đó là “hương vị quê nhà, hương vị của tuổi thơ”.
Gia Hân tổng hợp