(SGTT) - Ngoài những thắc mắc về nhóm đối tượng nào nên trì hoãn tiêm vắc-xin Covid-19, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay: “Liệu sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nếu địa phương yêu cầu đi thực hiện xét nghiệm thì kết quả có bị ảnh hưởng như: xuất hiện dương tính giả không? Được biết, vắc-xin Covid-19 tạo ra kháng thể trong người”.
Giải đáp câu hỏi này trong chương trình “Thắc mắc mùa dịch” của Sài Gòn Tiếp Thị, Ths. BS Nguyễn Tiến Hưng, Giảng viên Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khẳng định, việc tiêm vắc-xin không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Vì sau khi tiêm khoảng từ 2-4 tuần trở đi, cơ thể mới bắt đầu sinh kháng thể trong máu. Điều này không ảnh hưởng đến kết quả của 2 phương pháp xét nghiệm Covid-19: RT-PCR và test nhanh kháng nguyên, hiện đang sử dụng phổ biến ở Việt Nam.
Phương pháp test nhanh kháng nguyên Covid-19 giúp tìm những tác nhân, vật chất của virus SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào cơ thể. “Khi virus xâm nhập vào cơ thể, đây là nguyên nhân tạo ra các phản ứng miễn dịch. Virus nhân lên, bắt đầu tạo ra những phản ứng và phương pháp test nhanh chủ yếu tìm kháng nguyên (nghĩa là: khi virus xâm nhập vào cơ thể sẽ nhân lên để cho ra kết quả dương tính hay âm tính)”, BS Hưng cho biết.
Vì vậy, “người đã thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 khi làm xét nghiệm kháng nguyên không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì kết quả vẫn là âm tính chứ không thể nào dương tính”, BS Hưng cho hay.
Được biết, hai loại xét nghiệm RT-PCR và test nhanh kháng nguyên là 2 phương pháp xét nghiệm tìm dấu vết của virus SARS-CoV-2 trong dịch phết mũi, họng. Kháng nguyên chỉ xuất hiện khi người đó nhiễm bệnh.
Trong quá trình tiếp xúc hằng ngày, mọi người nên chú ý thực hiện đúng nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế vì tiêm vắc-xin không chắc chắn 100% sẽ bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 (nhưng tỷ lệ nhiễm thấp hơn so với chưa tiêm). Trường hợp người đã được tiêm phòng Covid-19 trước đó nhưng khi thực hiện xét nghiệm RT-PCR hay test nhanh kháng nguyên có kết quả dương tính, nghĩa là vẫn bị nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, trong chương trình "Thắc mắc mùa dịch" BS Nguyễn Tiến Hưng còn hướng dẫn cách phân biệt giữa các triệu chứng Covid-19 và cảm cúm thông thường.
Minh Thảo
Video: Phùng My