Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Taylor Swift – ngôi sao trong làng… sở hữu trí tuệ!

(SGTT) - Vào tháng 12-2023, cô ca sĩ trẻ người Mỹ nổi tiếng thế giới Taylor Swift được tạp chí Time bình chọn là “nhân vật của năm”. Đây là nghệ sĩ giải trí đầu tiên trên thế giới nhận được danh hiệu này, vốn trước đây thường dành cho các chính trị gia, hay các nhà kỹ trị nổi tiếng thế giới. Cũng nhân dịp này, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO – World Intellectual Property Organisation) nhấn mạnh rằng Taylor Swift còn là một “siêu sao về quyền sở hữu trí tuệ”…

Nói cách khác, cô là một “tấm gương” cho các nghệ sĩ khác học hỏi để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của bản thân.

Cụ thể, Taylor Swift đã đăng ký nhãn hiệu “Swifties” (từ chỉ người hâm mộ Taylor Swift – cô có lượng người hâm mộ khổng lồ trên toàn thế giới). Cô cũng đăng ký hơn 300 nhãn hiệu, trong đó có khoảng 200 nhãn hiệu ở Mỹ, bảo hộ việc sử dụng tên thật (Taylor Alison Swift), tên biểu diễn (Taylor Swift), tên viết tắt (T.S.), thậm chí tên hai con mèo “Meredith” và “Olivia” của cô, tên chuyến lưu diễn “The 1989 World tour”, tên một số bài hát nổi tiếng “Shake it off”, “I’ll write your name” hay cả chữ ký của cô.

Đặc biệt, vụ tranh chấp giữa Taylor Swift với hãng ghi âm Big Machine Records dẫn đến việc cô sản xuất lại bản ghi âm mới để đảm bảo quyền lợi nghệ sĩ cho thấy Taylor Swift thực sự xứng đáng là “ngôi sao” trong… làng SHTT.

Vụ tranh chấp nói trên bắt đầu kể từ khi Taylor Swift hết hợp đồng với hãng Big Machine Records vào cuối năm 2018. Không chỉ là ca sĩ mà còn là nhạc sĩ tài năng, cô sở hữu quyền tác giả đối với lời bài hát, nhạc điệu, giai điệu các bài hát nằm trong sáu album đầu tay, từ “Taylor Swift” (năm 2006) đến “Reputation” (năm 2017) – những tác phẩm mang lại sự nổi tiếng cho Taylor Swift.

Thế nhưng, khi ký hợp đồng với hãng Big Machine Records vào năm 2005 thì hợp đồng này lại quy định rằng hãng ghi âm nói trên sở hữu quyền tác giả đối với các bản ghi âm chính “master recordings” của sáu album đầu tay này, chứ không phải là Taylor Swift. Vào cuối năm 2018, trước khi rời Big Machine Records, Taylor Swift đã cố gắng thương thuyết với Big Machine Records để mua lại bản quyền, nhưng cô không thành công. Big Machine Records bán lại mọi tài sản, bao gồm quyền tác giả đối với các bản ghi âm chính của sáu album cho nhà quản lý cũ của cô là Scooter Braun, chủ Công ty Ithaca Holdings. Quyền tác giả đối với các bản ghi âm chính sau đó bị bán lại cho một công ty đầu tư, mang tên Shamrock Capital với giá không dưới 300 triệu đô la Mỹ.

Vì vậy, Taylor Swift không thể sử dụng các bản ghi âm chính, nhượng quyền giấy phép hay có bất cứ sự kiểm soát nào đối với các tác phẩm này, và cũng không được hưởng lợi từ các vụ chuyển nhượng đắt giá nói trên. Để có thể sử dụng các bản ghi âm chính giọng hát của mình, Taylor Swift buộc phải mua lại quyền tác giả từ Shamrock Capital hoặc phải xin li xăng từ công ty này.

Tuy nhiên, vì là tác giả của nhịp điệu, giai điệu bài hát cũng như phần lời bài hát, Taylor Swift có quyền biểu diễn các bài hát này, cũng như tạo ra các phiên bản mới của các bài hát này, theo như hợp đồng của cô với Big Machine Records.

Xin nhắc lại rằng, khi một bài hát mới đến với khán giả, thì chúng ta thường chỉ nhìn nhận đơn giản rằng, bài hát đó thuộc về ca sĩ trình diễn bài hát. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, có thể có nhiều người là chủ sở hữu bài hát. Ví dụ như tác giả lời bài hát (có thể là tác giả bài thơ được phổ nhạc, hay đơn thuần là người viết lời cho bản nhạc khi hợp tác với nhạc sĩ) sở hữu quyền tác giả đối với phần lời (được coi là một tác phẩm văn học). Nhạc sĩ (nhạc sĩ sáng tạo ra bản nhạc và hòa âm (trong nhiều trường hợp cũng có thể đồng thời là người viết lời bài hát) thì sở hữu quyền tác giả với phần nhạc (được coi là tác phẩm âm nhạc). Ngoài ra, còn có nhà sản xuất là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình, hay ca sĩ trình diễn bài hát có quyền sở hữu với cuộc biểu diễn, với bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn…

Quyền tác giả là nền tảng vô cùng quan trọng trong ngành công nghiệp âm nhạc, được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều quốc gia, như Mỹ, Hàn Quốc… Quyền tác giả của mỗi bên liên quan, tác giả lời, nhạc, hay nhà sản xuất, ca sĩ trình diễn đều được quy định cụ thể trong luật về bản quyền. Những dàn xếp khác giữa các bên sẽ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng, dựa trên nguyên tắc tự do thỏa thuận. Ví dụ như viết lời và viết nhạc bài hát chỉ sở hữu quyền tác giả với phần nhạc và phần lời. Một khi bán quyền khai thác tác phẩm cho nhà sản xuất ghi âm, ghi hình bài hát, thì chỉ có nhà sản xuất mới có quyền sở hữu và khai thác bản ghi âm, ghi hình này (tạo bản sao, phân phối bản sao tới khán giả, phát sóng, nhượng li xăng khai khác). Nếu muốn tự sở hữu một bản ghi âm, ghi hình bài hát, thì cần dàn xếp bằng hợp đồng với nhà sản xuất, để cho phép tạo ra một bản mới của bài hát, để sản xuất bản ghi âm, ghi hình mới.

Quay lại vụ tranh chấp của Taylor Swift đối với các bản ghi âm chính của sáu album đầu tay của cô, kể từ khi những giới hạn hợp đồng với công ty cũ hết hiệu lực, cô ca sĩ tài năng này đã quyết định cho ghi âm lại sáu album nói trên, để trở thành chủ sở hữu thực sự của các bản ghi âm mới này. Đến giờ, cô đã tung ra ba trên sáu album, và bản ghi âm thứ tư sẽ sớm được ra mắt khán giả. Đối với các bản ghi âm mới này, Taylor Swift không chỉ sở hữu quyền tác giả với lời hát, bản nhạc, mà cô còn giữ quyền liên quan của nhà sản xuất đối với bản ghi âm, có thể hoàn toàn định đoạt việc sử dụng và khai thác các tác phẩm này.

Những năm vừa qua, cô ca sĩ trẻ này đã nhiều lần lên tiếng về việc bảo hộ quyền SHTT của các nhạc sĩ. Trên thực tế, các nhà sản xuất thường dễ “nắm phần chuôi” trong thương thảo hợp đồng với nghệ sĩ, và vì thế nhiều nghệ sĩ bị bóc lột khai thác một cách bất công, không tương xứng với công sức bỏ ra. Năm 2020, cô viết bài hát “My Tears Ricochet” trong đó có những câu như “Và khi bạn chẳng ngủ được ban đêm/Bạn nghe những giai điệu bị đánh cắp của tôi”.

Từ ví dụ Taylor Swift, các nghệ sĩ khác có thể thấy tầm quan trọng của quyền SHTT, cũng như của việc thương thảo kỹ lưỡng, bảo vệ lợi ích cá nhân nghệ sĩ khi ký hợp đồng với các hãng ghi âm. Taylor Swift nhờ vào thành công vượt bậc của cá nhân mà việc tranh chấp với Big Machine Records không thể chấm dứt sự nghiệp của cô. Điều này cũng một phần nhờ vào việc Taylor Swift đã phát triển rất hiệu quả thương hiệu cá nhân, đem đến cho cô một vị trí vững chắc trong làng giải trí, cũng như trên thương trường.

Lê Thiên Hương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối