Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Tản mạn chuyện phở nhân ngày 12-12

(SGTT) - Một lần khi đang dạo ở Hồ Gươm, có hai vị khách nước ngoài hỏi tôi nơi nào bán bánh mì Việt Nam. Nhìn xung quanh, phía đối diện là một cửa tiệm tên “Phố”, có tủ bánh mì nhỏ nhỏ nép phía sau. Tôi chỉ sang bên kia đường và đánh vần từng chữ cái tên bảng hiệu quán cho hai vị khách ấy. Họ ồ lên và bảo “Phở?”.

Ngớ người ra mất vài giây tôi mới hiểu rằng họ nhầm “Phố” thành “Phở”. Nhưng chỉ một chi tiết nhỏ như vậy cũng đủ để thấy sức lan tỏa của phở với du khách như thế nào, từ đó góp phần khẳng định vai trò đại sứ ẩm thực, đại sứ văn hóa du lịch cho Việt Nam của phở.

Ở miền Bắc phở lúc nào cũng là một tô đầy ắp, kèm lọ tương ớt, hủ tỏi ngâm dấm và đĩa quẩy. Một số quán dùng thêm chanh, một số quán nhất định chỉ dùng dấm vì sợ rằng vị chanh sẽ át mất hương nồng nàn vốn có của phở. Ảnh: Việt An

Năm 2017, lần đầu tiên báo Tuổi trẻ khởi xướng chọn ngày 12-12 là Ngày của phở. Từ đó đến nay, đây trở thành một hoạt động thường niên để giới thiệu, quảng bá đặc sản Việt lan tỏa khắp thế giới.

Phở Bắc nổi danh với nhiều loại khác nhau: tái, gân, nạm, gầu, lõi rùa (lõi rùa là phần lõi bên trong của bắp bò, nơi có nhiều gân; phần này vừa ngọt, vừa giòn).

Có lẽ không cần nói nhiều về món ăn này bởi nó đã quá phổ biến. Phở qua góc nhìn của nhà văn Vũ Bằng trong “Miếng ngon Hà Nội”, với “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam, tản mạn trong tùy bút của Nguyễn Tuân, hay gần đây là “Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ” của Lê Văn Nghĩa. Vượt qua biên giới địa lý, phở bay ra nước ngoài và hiện diện trong ngôn ngữ quốc tế. Từ năm 2011, từ điển Oxford đã bổ sung 3 từ mới thuần Việt, gồm “Phở” – pho /fə ː/, “Áo dài” – ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) và “Bánh mì” – “banh mi /ˈbɑːn miː/”.

Di chuyển từ Bắc vào Nam, phở đã có nhiều sự biến tấu. Vào đến miền Trung, ở đất Bình Định có thêm món phở khô. Tên gọi này xuất phát từ loại bánh phở đã được phơi khô, khi ăn trụng nước sôi cho mềm, tương tự như hủ tiếu nhưng sợi phở to và dày hơn. Từ miền Trung trở vào Nam cũng xuất hiện thêm rau ăn kèm như quế, xà lách, giá trụng.

Phở khô Bình Định có sợi phở cứng và dai hơn chứ không mềm như phở Bắc. Ảnh: Việt An

Lên Gia Lai, bạn sẽ có dịp thưởng thức phở hai tô. Một tô phở khô được trụng mềm và một tô nước dùng có đủ thịt tái, gân, nạm. Khi ăn, người ta thêm tương đen, hành phi, tóp mỡ, giá… trộn chung với phở để thêm đậm vị. Ăn hết tô phở khô thì chuyển sang chén nước, hoặc có thể cho phở vào nước ăn cùng nếu muốn.

Món phở hai tô, thương hiệu đặc trưng phố núi. Ảnh: Việt An

Ngay cả trên đất Bắc, phở cũng tự làm mới mình bằng nhiều cách thức khác nhau: phở chua Lạng Sơn, phở xào, phở chiên giòn, phở cuốn.

Phở cuốn cũng tương tự gỏi cuốn miền Nam, chỉ là thay bánh tráng bằng bánh phở, nhân bên trong là thịt bò xào tái, xà lách, rau thơm. Ảnh: Việt An

Cho dù sáng tạo theo kiểu nào thì phở luôn chinh phục được những thực khách dù là khó tính nhất. Chỉ cần thoảng nghe hương phở ở đầu ngõ là đã có thể tưởng tượng tô phở nghi ngút khói, thơm lừng ngay trước mặt. Đó thật sự là món ăn quốc hồn của người Việt, góp phần vinh danh văn hóa Việt với bạn bè gần xa.

Hôm nay là Ngày của phở, bạn đã đi ăn phở chưa?

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối