(SGTT) - Du lịch cộng đồng ở Việt Nam đang trên đà phát triển và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, du khách trên toàn thế giới càng mong muốn quay trở lại với những giá trị du lịch cốt lõi và tìm lại sự an toàn khi đi du lịch. Do đó mô hình du lịch cộng đồng tạo ra sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ được du khách quan tâm hơn nữa.
- Du lịch cộng đồng trong dân cư, không dễ như nhiều người lầm tưởng
- Tọa đàm bàn về du lịch cộng đồng ở Lai Châu, lợi thế và khó khăn
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 2 mô hình du lịch cộng đồng được nhắc đến nhiều thời gian gần đây là Cồn Sơn, CầnThơ) và Cồn Chim, Trà Vinh.
Nét đổi thay từ Cồn Sơn
Cồn Sơn với diện tích hơn 70 héc ta là một cù lao nằm giữa dòng sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 8km. Cồn Sơn có rất nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng với dân cư thân thiện, hiếu khách; cảnh quan sông nước và miệt vườn xanh tươi; có nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp phong phú: trồng cây ăn trái, nuôi cá bè, nuôi cá ao…
Điểm thu hút nhất của du lịch cộng đồng Cồn Sơn là mô hình du lịch cộng đồng mang đến sự trải nghiệm mới lạ trên mỗi hành trình khám phá. Hầu hết các hộ gia đình chung tay lại cùng làm du lịch, liên kết với nhau trên cơ sở tình làng nghĩa xóm và vẫn giữ nguyên các hoạt động sản xuất nông nghiệp thường ngày của mình.
Mỗi hộ gia đình chọn một dịch vụ đặc trưng riêng. Hộ gia đình có vườn trái cây thì mời dịch vụ tham quan vườn, hái trái cây. Hộ có bè cá thì hướng dẫn khách tham quan. Hộ nào có tay nghề thì hướng dẫn khách làm bánh, nấu ăn. Hộ có điều kiện hơn đầu tư homestay. Tất cả cộng đồng gắn bó, đoàn kết và tương tác rất nhịp nhàng phục vụ du khách.
Du khách khá ấn tượng với việc check-in trong những vườn trái cây và thong thả tản bộ trên những con đường làng, chụp hình tại cánh đồng sen, trải nghiệm làm bánh dân gian Nam bộ, tham quan, hái và ăn trái cây ngay tại vườn, thưởng thức bữa ăn đậm chất miền Tây Nam bộ và tự nấu nếu muốn…
Độc đáo nhất là các bác nông dân Cồn Sơn rất sáng tạo khi xây dựng ra hoạt động giải trí hấp dẫn đúng chất sông nước miền Tây như show cá lóc bay nổi tiếng; trải nghiệm đút cơm cho cá trê, cá ba sa; sưu tầm một số loài cá lạ của sông Mêkông cho khách tham quan…
Cồn Sơn là mô hình do cộng đồng dân cư trên cù lao phối hợp tự làm, tự hoàn thiện, có thể trở thành mô hình mẫu cho du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ phát triển du lịch, đời sống người dân nơi đây sung túc hơn nhiều. Từ nơi nổi tiếng là “cồn 5 không”: không điện, không nước, không đường, không trường, không wifi giờ Cồn Sơn trở thành “5 có”: có điện, có nước, có wifi, có đường và có khách Tây, chỉ tiếc là vẫn chưa có trường học.
Tuy nhiên Cồn Sơn xây dựng tự phát nên vẫn còn một số tiêu chuẩn cần phải khắc phục như vấn đề an toàn khi đi tàu thuyền, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng bếp ga cá nhân cũ phục vụ khách, vấn đề xây dựng homestay tiện nghi hơn, vấn đề hóa đơn tài chính…
Và hơn hết, điểm đến Cồn Sơn cần được sự quan tâm ủng hộ của các cấp chính quyền để phát triển bền vững hơn và cần được tăng cường quảng bá sâu rộng tạo sức hút thêm với du khách.
Du lịch thuận thiên ở Cồn Chim
Trong khi đó, Cồn Chim được xây dựng theo chủ trương phát triển du lịch của tỉnh Trà Vinh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh đã cùng các chuyên gia, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch khảo sát đánh giá và tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng, hướng dẫn người dân xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.
Tỉnh này cũng thực hiện chính sách hỗ trợ các tổ chức, gia đình, cá nhân đầu tư phát triển du lịch lưu trú, ẩm thực, mua sắm, phương tiện vận chuyển khách du lịch nên bà con có nhiều cơ hội tham gia mô hình du lịch cộng đồng.
Cồn Chim có diện tích tự nhiên 60 héc ta, nằm giữa sông Cổ Chiên, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 34 héc ta và có 220 người dân sinh sống. Cồn Chim còn giữ được nhiều nét văn hóa của vùng quê Nam bộ với cảnh quan môi trường thân thiện, không khí trong lành, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sạch.
Mô hình du lịch cộng đồng ở đây là người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”, thuận thiên. Vùng đất này có hai mùa, dựa vào vị mặn – ngọt của nước sông, người dân theo đó cũng thay đổi luân phiên giữa cây lúa và con tôm. Lúa là lúa hữu cơ, không lạm dụng phân thuốc. Còn tôm cũng là tôm sạch, không nuôi công nghiệp.
Mô hình du lịch và sản xuất thuận thiên, bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa đầy sức hút mộc mạc, dân dã, đậm đà hồn quê. Đến đây du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, trải nghiệm các hoạt động câu cua, dỡ lờ, lợp bắt cá, tôm; xay bột, làm bánh hoặc chơi các trò chơi dân gian như chọi lon, bắn bi, kéo mo cau, banh đũa, đi chợ quê, bán các sản vật như rau, trứng, cá, bánh mứt…; thưởng thức các món ăn dân dã địa phương và trên hết là được tận hưởng cuộc sống trong lành, xanh sạch.
Du lịch cộng đồng Cồn Chim theo xu hướng “du lịch chậm mà duyên” giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và hưởng thụ của du khách. Không chỉ có cảnh yên bình của vùng quê với những cánh đồng lúa bạt ngàn, những hàng dừa xanh mướt mà các hộ dân còn trang trí lối đi, trước nhà, hàng rào cây hoa lá, cả thùng rác cũng là các sản phẩm tự nhiên như xe đẩy hư, mo cau… Các món ăn, đồ uống dân dã nhưng đều được trang trí tỉ mỉ, tinh tế mà vẫn không mất đi hồn quê.
Ra đời sau nhưng lại được sự hỗ trợ của các chuyên gia nên Cồn Chim chỉn chu các dịch vụ hơn các mô hình khác, bổ sung những điều mà Cồn Sơn chưa làm được.
Tuy nhiên, điểm yếu của du lịch cộng đồng ở Cồn Chim là mô hình này chỉ mới được đưa vào hoạt động từ tháng 9-2019 nên chưa có nhiều dịch vụ, dân số ít nên các hoạt động nông nghiệp chưa sôi nổi tạo sức hút cho du khách. Nên chăng Cồn Chim cần tạo thêm nhiều hoạt động hay liên kết với các vùng lân cận để mở rộng trải nghiệm cho du khách.
Dù còn một số hạn chế nhưng cả hai mô hình du lịch cộng đồng của đồng bằng sông Cửu Long đều gây được sức ảnh hưởng lớn trong khu vực. Cả hai mô hình du lịch cộng đồng ấy thật sự là nơi chứa đựng văn hóa miệt vườn Nam bộ, mỗi nơi mỗi vẻ duyên dáng và thú vị, chắc chắn sẽ được du khách đón nhận nồng nhiệt.
Phan Yến Ly
Du lịch cộng đồng ở Lai Châu: Lợi thế và khó khăn
Ngày 26-8-2021, Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn sẽ tổ chức chương trình Chat với doanh nhân du lịch xoay quanh chủ đề Du lịch cộng đồng ở Lai Châu. Chương trình được phát livestream trực tiếp trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị vào lúc 9:30 Thứ Năm, ngày 26-8.
Chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage của Đài Truyền hình Hậu Giang.
Trong chương trình lần này, chị Phan Yến Ly, chuyên gia xây dựng và thiết kế sản phẩm du lịch sẽ làm người dẫn chuyện cùng hai khách mời đến từ Lai Châu là chị Nguyễn Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mai và Du lịch Lai Châu, và chị Hảng Thị Sú, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ sẽ là khách mời.