Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Sơ cứu vết thương phần mềm thế nào?

BS. Ngô Tuấn Anh (*)

Trong sinh hoạt, chúng ta khó tránh khỏi những vết thương phần mềm do tai nạn hoặc do bất cẩn, nhất là ở trẻ nhỏ. Trên thực tế với các vết thương nhẹ, chúng ta có thể xử lý tại nhà, nhưng nhiều người do chưa nắm được các kỹ thuật sơ cứu cơ bản nên đôi khi vô tình khiến vết thương nặng hơn và gây các biến chứng.

Vết thương phần mềm hay gặp là các vết thương bị cắt đứt hay dập rách da và các tổ chức dưới da hoặc các tổ chức khác của cơ thể. Chúng ta có thể gặp vết thương kín (vết thương bên trong) là vết thương không có máu chảy ra như vết thương bầm tím, tụ máu dưới da… hoặc gặp các vết thương hở (vết thương bên ngoài) có máu chảy ra ngoài như vết thương đâm xuyên, trích rạch, sây sát trên da.

Sai lầm và cách khắc phục

134144647

Với vết thương hở, dập nát hay chảy máu, thì rửa vết thương rất quan trọng. Nhiều người chỉ lau vết thương cho sạch bụi bẩn và để vết thương tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không tốt khi xử lý vết thương ban đầu, dễ gây nhiễm trùng. Bất kỳ vết thương ở vị trí nào, dù sạch hay không thì đều có nguy cơ nhiễm trùng, vì vậy làm sạch vết thương là hết sức cần thiết. Có thể dùng nước sạch, hoặc tốt nhất dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc các loại nước rửa vết thương khác (như betadin loãng) để lau rửa nhẹ nhàng, lấy sạch chất bẩn nếu có.

Với vết thương lần đầu được rửa, nhất là vết thương bẩn thì rửa bằng ô xy già rất tốt, giúp cầm máu, sát trùng và đưa những dị vật ra khỏi vết thương sâu. Tuy nhiên, trong các lần rửa vết thương sau đó không nên lạm dụng vì sẽ khiến phỏng vết thương, làm chậm lên tổ chức hạt và làm chậm liền vết thương.

Đôi khi để cầm máu, chúng ta lại băng vết thương quá chặt. Điều này sẽ khiến tuần hoàn máu đến vết thương bị hạn chế sẽ góp phần làm chậm lành vết thương, thậm chí nếu băng chặt quá sẽ làm hoại tử tổ chức. Đối với các vết thương nhỏ, thì có thể chỉ cần rửa, sát trùng và để mở, nhưng khi vết thương ở vị trí dễ nhiễm bẩn hay cọ xát với quần áo thì nên băng lại với băng gạc vô trùng và chỉ cần băng nhẹ, không quá chặt và thay băng hàng ngày.

Đắp thuốc Nam hay lá cây là hiện tượng khá phổ biến trong dân gian. Người dân thường dùng các loại thuốc lá đắp vào các vết thương hở sau đó băng kín nhằm cầm máu và hy vọng vết thương nhanh lành. Tuy nhiên, sau đó có rất nhiều người đến bệnh viện khi có biến chứng hoại tử, nhiễm trùng, thậm chí bị hoại thư sinh hơi. Việc đắp thuốc Nam, hay lá cây dễ làm vết thương nhiễm thêm vi trùng từ các lá đó, nhất là được băng kín, càng tạo môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển và làm nhiễm trùng vết thương.

wound

Cách chăm sóc vết thương ban đầu

Đối với các vết thương nhỏ hoặc đơn giản (chỉ tổn thương bề mặt của da, tổ chức dưới da, không có tổn thương xương hay tạng bên trong) thì quy tắc chung xử lý vết thương ban đầu như sau:

Rửa vết thương bằng nước chín hoặc nước máy (nếu biết chắc chắn rằng nước này đảm bảo vệ sinh), tốt nhất rửa bằng nước muối sinh lý. Khi rửa vết thương phải lưu ý rửa tay kỹ bằng xà phòng trước khi tiến hành. Nếu phải dùng các dụng cụ như kẹp, nhíp để gắp những hạt sạn, sỏi… ra khỏi vết thương thì các dụng cụ nên được đun sôi khoảng năm phút trước khi dùng.

Sau khi rửa vết thương, cần sát trùng lại vết thương bằng các dung dịch sát trùng như betadin, ô xy già, thuốc tím loãng… Sau khi sát trùng vết thương và xung quanh vết thương, nên dùng gạc vô trùng đặt lên vết thương và băng lại. Các vết thương rách da dài hoặc vết thương rộng, sâu thì sau khi xử lý ban đầu nên được chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa để xử lý như khâu vết thương, giúp vết thương chóng liền, cầm máu và tránh sẹo xấu về sau.

Đối với vết thương lớn, sau khi rửa, sát trùng, băng bó vết thương nên chuyển ngay đến cơ sở y tế. Chú ý chỉ lấy dị vật ra khỏi vết thương nếu có thể lấy ra dễ dàng, không được thăm dò vết thương. Mọi cố gắng để thăm dò hay lấy dị vật (các vật sắc nhọn, dao, kéo…) ra khỏi vết thương là không cần thiết và sẽ làm chậm tiến trình cấp cứu người bệnh, đôi khi còn khiến vết thương nguy hiểm hơn. Có thể cố định vết thương vào phần không bị tổn thương của cơ thể như treo tay bị thương vào ngực, cố định chân tổn thương vào chân lành…

Một số trường hợp vết thương nặng, nguy hiểm như vết thương sâu ở thành bụng có thể gây chảy máu và làm tổn thương các cơ quan bên trong, có trường hợp ruột có thể lòi ra ngoài. Với vết thương này, cần nhanh chóng đặt một miếng gạc chùm lên vết thương rồi băng ép vết thương lại bằng băng cuộn hoặc băng dính sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế. Trong trường hợp ruột bị lòi ra ngoài, có thể dùng một cái bát sạch úp lên vùng tổn thương (có kèm theo ruột bị lòi ra ngoài) sau đó băng cuộn lại và chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa.

Hoặc các vết thương ngực có thể gây tổn thương phổi, gây tràn máu, tràn khí màng phổi, dễ dẫn đến suy hô hấp nếu không biết cách sơ cứu và điều trị kịp thời. Cần nhanh chóng làm kín vết thương bằng miếng gạc, sau đó băng kín lại và chuyển đến cơ sở chuyên khoa gần nhất. Đây là cấp cứu rất khẩn cấp đòi hỏi khẩn trương nhanh chóng. Với trường hợp vẫn còn dị vật, thì tuyệt đối không được rút dị vật ra mà nhanh chóng băng kín vết thương bằng cách ép sát mép vết thương sát với dị vật. Có thể đặt gạc hoặc miếng vải xung quanh dị vật sau đó đặt một vành khăn và băng kín lại trước khi chuyển đến cơ sở y tế.

Hoặc các vết thương ở đầu ngoài gây chảy máu có thể gây tổn thương sọ não dẫn đến rối loạn ý thức như nửa tỉnh nửa mê hoặc hôn mê. Vì vậy cần nhanh chóng sơ cứu, đặt gạc lên vết thương và băng lại, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế.

(*) Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Quân đội 108, Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada

0
(SGTT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các...

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Hai nút giao trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ...

0
(SGTT) - Hai nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng thuộc cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 tạm dừng hoạt động chỉ...

Không được từ chối đăng kiểm xe đã đặt lịch hẹn...

0
(SGTT) – Cục Đăng kiểm yêu cầu trung tâm đăng kiểm không được từ chối tiếp nhận kiểm định xe đã đặt lịch thành...

Kết nối