Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Sau bão Molave, miền Trung “oằn mình” với lũ, sạt lở

Sau khi cơn bão Molave đi qua để lại hậu quả nghiêm trọng cho các tỉnh miền Trung, giờ là lúc “khúc ruột” đối phó với mưa lớn, lũ lụt và sạt lở.

Quảng Nam: Thủy điện xả lũ

Các loại phương tiện đang được huy động để mở đường, tiếp cận các điểm sạt lở tại huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cứu người bị vùi lấp. Ảnh: baoquangnam.vn

Vào 3:00 ngày 29-10, Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) chuẩn bị quân số cùng máy đào, máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng… cơ động lên hiện trường tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích tại hai vụ sạt lở nghiêm trọng tại huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, tối 28-10, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hai vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại xã Trà Leng và Trà Vân (Nam Trà My) làm 53 người dân mất tích. thông tin mới nhất lúc 23 giờ 28-10 đã tìm thấy 7 thi thể. Bên cạnh tìm kiếm các nạn nhân, tỉnh Quảng Nam cũng đang lên kế hoạch ứng phó ngập lụt nghiêm trọng sau bão do thủy điện xã lũ.

Được biết, hiện tại, thủy điện Đăk Mi 4 đang xả xuống hạ du là 5.100m3/s. Với trường hợp thủy điện tiếp tục duy trì mức xả như hiện tại về hạ lưu trong 6-12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 10,3m, trên báo động 3 là 1,3m.

Trường hợp thủy điện Đăk Mi 4 xả xuống hạ lưu như dự kiến 11.400m3/s thì trong 6-12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 11,2m, trên báo động 3 là 2,2m (vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43m).

Việc xả lũ sẽ có nguy cơ rất cao gây ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, thành phố Hội An (Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là cấp 4.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam vào tối 28-10, toàn tỉnh Quảng Nam, bão số 9 gây hư hại hàng loạt công trình, nhà dân với thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng.

“Rốn bão” Quảng Ngãi, Bình Định: Chạy lũ

Lũ lên nhanh, khiến nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Ngãi bị ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: baoquangngai.vn

Theo thống kê thiệt hại ban đầu, tỉnh Quảng Ngãi, nơi bão Molave vào trực tiếp, có hơn 1.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Hơn 200 công trình, trụ sở cơ quan nhà nước bị thiệt hại. Trong đó, có không ít công trình là các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh bị hư hại nặng sau bão.

Bão và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Quảng Ngãi. Nhiều nơi, lượng mưa đo được trong 24 giờ qua lên đến 600mm. Hiện tượng này đã khiến cho nước từ thượng nguồn đổ về các sông một lượng lớn chỉ trong một thời gian ngắn.

Đến chiều 28-10, lũ ở tất cả các sông trong tỉnh đã vượt mức báo động 3 và dự báo tiếp tục đạt đỉnh trong những giờ tới. Lũ lớn đang bao vây hàng nghìn hộ dân sống ven sông. Để đảm bảo tính mạng cho người dân, các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân ở vùng trũng đến nơi an toàn.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết hiện nay, hồ thủy điện Đakđrinh xả điều tiết với lưu lượng 1.680m3/giây; Hồ Nước Trong xả 1.100m3/giây. Vì vậy, trong 12-24 giờ tiếp theo mực nước trên các sông còn có khả năng lên cao hơn. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Dự báo nước lũ ở các sông sẽ tiếp tục lên nhanh trong vài giờ tới. Theo thống kê, trong đêm 28-10, có hơn 12.000 người sống ở ven sông Trà Câu và sông Vệ thuộc các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ được di dời đến nơi an toàn trước khi lũ đạt đỉnh.

Trong khi đó, hiện tại, nước lũ đang đổ về gây ngập hàng loạt các địa phương và hàng ngàn hộ dân tại vùng miền núi huyện An Lão và huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về bất ngờ, hơn 920 ngôi nhà đã bị ngập (xã Ân Hảo Tây 420 nhà, xã Ân Hảo Đông 385 nhà, xã Ân Tín 80 nhà, xã Ân Mỹ 35 nhà).

Ngoài ra, huyện Hoài Ân còn chịu thiệt hại do kênh mương, đập dâng, đập bổi bị sạt lở; lúa, hoa màu bị cuốn trôi, rừng keo bị ngã đổ. Tình hình ngập lũ càng khó khăn khi nước sông An Lão đang dâng cao và đã vượt mức báo động 3 lên đến 0,7m và khả năng tiếp tục dâng cao. Bên cạnh đó, hàng loạt các sông chính của tỉnh Bình Định đều có mực nước vượt báo động 1 đến vượt báo động 3.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ hôm nay, 29-10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh và Quảng Bình lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên mức báo động 3. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Nhân Tâm

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối