Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Quảng Nam muốn phát triển nhiều điểm đến ngoài Hội An

Bên cạnh điểm đến Hội An nổi tiếng lâu nay, Quảng Nam lên kế hoạch khai phá tiềm năng và liên kết dịch vụ du lịch tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, bao gồm thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh cũng như thị xã Điện Bàn để đa dạng hóa điểm đến và tránh áp lực lên phố cổ.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa công bố Kế hoạch liên kết phát triển du lịch giữa 3 địa phương, bao gồm thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh đến năm 2025.

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án lớn để phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch ven sông, sản phẩm du lịch đêm, các khu vui chơi giải trí, đặc biệt phát triển các mô hình du lịch xanh.

Làng chài Tam Thanh. Ảnh: Minh Hải

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ khai thác các điểm đến du lịch của 3 địa phương trên như Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Địa đạo Kỳ Anh, Tháp Chiên Đàn…

Ngoài ra, ba địa phương có nhiều cơ hội kết hợp du lịch sinh thái, du lịch làng quê, làng nghề truyền thống, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng như Hồ Phú Ninh, Bãi sậy sông Đầm, Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, làng chiếu cói Thạch Tân, Làng du lịch cộng đồng xã đảo Tam Hải…

Các doanh nghiệp lữ hành được hỗ trợ để xây dựng và triển khai các chương trình du lịch đến 3 địa phương như các tuyến du lịch gắn với tham quan các khu di tích lịch sử; các chương trình du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch đường sông; các chương trình văn hóa, trải nghiệm ẩm thực, làng nghề truyền thống…; đưa ra chính sách giá kích cầu cho vùng liên kết.

Các sự kiện cũng sẽ được tổ chức như festival du lịch biển Tam Kỳ, lễ hội Tam Kỳ – mùa hoa sưa, tuần du lịch trải nghiệm địa đạo Kỳ Anh – bãi sậy sông Đầm, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch miền biển, chương trình Phú Ninh – điểm hẹn…

Trước đó, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức khai trương làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú – Gò Nổi (xã Điện Phong). Cẩm Phú là ngôi làng mang đậm nét đặc trưng của vùng đất Gò Nổi. Nhiều địa chỉ, di tích ở khu vực này rất thích hợp để phát triển du lịch xanh như đình làng Cẩm Lậu, miếu thờ Thần Nông, khu sinh thái Bàu Lở, bến đò Bến Phẩm, chợ Phú Bông…

Điện Bàn cũng xác định sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong bảo vệ, tôn tạo, tổ chức khai thác và làm nổi bật đặc thù các điểm du lịch, như tháp Bằng An; dinh trấn Thanh Chiêm – nơi khởi nguồn của chữ Quốc ngữ; khôi phục và duy trì các làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều, chiếu chẻ Triêm Tây, bánh tráng Phú Chiêm, thủ công mỹ nghệ Đông Khương.

Đặc biệt, Điện Bàn sẽ phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với giá trị làng và nông nghiệp mang đậm chất văn hóa nhằm nâng cao tính hấp dẫn và cạnh tranh, thu hút du khách không chỉ một lần đặt chân tới. Có thể kể đến tour du lịch làng quê điển hình kết nối dòng khách tham quan Hội An và khách tàu biển; tour du lịch sông Thu Bồn kết nối điểm dừng làng du lịch cộng đồng Triêm Tây…

Nhân Tâm
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối