Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Những dấu hiệu phát hiện người đang bệnh trầm cảm

(SGTTO) – Ngày nay giới trẻ, đặc biệt là những người nổi tiếng có ý định tự tử và tự tử ngày càng gia tăng. Đây là một trong những biểu hiện của bệnh trầm cảm nặng, làm dấy lên lo lắng trong cộng đồng, đặc biệt sau sự kiện hai ngôi sao trẻ của Hàn Quốc là Hara và Sulli đã tự tử cách nhau chỉ sáu tuần. Vậy, đâu là cách nhận biết người có dấu hiệu muốn tự tử và điều trị ở đâu hiệu quả.

Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM về vấn đề này:

SGTT: Thưa bác sĩ, làm thế nào để phát hiện một người đang trầm cảm và có ý định tự tử?

– Bác sĩ Phạm Văn Trụ: Trầm cảm (depression) là là tình trạng buồn, mất hứng thú, nghị lực trong cuộc sống, mất ngủ, ăn không ngon, tự đánh giá thấp bản thân, nghĩ đến cái chết, nặng hơn nữa là có mưu toan tự tử và hành vi tự tử.

Bệnh trầm cảm được chia làm ba mức độ: Trầm cảm nhẹ, trầm cảm vừa và trầm cảm nặng. Trong đó trầm cảm nặng là giai đoạn nguy hiểm, nhất là có ý định tự sát hoặc hành động tự sát, cần được thăm khám chuyên khoa và phát hiện sớm ý tưởng tự sát.

Người bệnh trầm cảm có những biểu hiện đặc trưng về tâm lý như buồn chán, ít nói, tuyệt vọng, mất ngủ, không quan tâm đến các vấn đề xung quanh, cảm thấy suy sụp, dễ cáu gắt, có biểu hiện thay đổi khác lạ trong sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, rất cần có người thân tín tâm sự, thổ lộ và quan sát hành vi của người trầm cảm.

Đặc biệt, nguy cơ cao ở những người mà bản thân hoặc người cùng huyết thống từng tự sát, trầm cảm, nghiện rượu, cũng như ở những người sống cô lập với xã hội.

Khi mắc bệnh này, người bệnh thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, uể oải, ngại nói chuyện, kèm theo biểu hiện đau đầu rất phổ biến.

Rất nhiều người mắc bệnh trầm cảm mất ngủ trầm trọng. Họ dậy rất sớm vào buổi sáng và khó có cảm giác buồn ngủ vào buổi tối, nhưng ngược lại, có một số ít người lại ngủ nhiều hơn bình thường. Các chuyên gia nước ngoài cảnh báo, ý tưởng và hành vi tự sát sẽ tăng cao ở bệnh nhân trầm cảm mất ngủ trắng năm đêm liền.

Một số bệnh nhân sẽ có biểu hiện chán ăn và sụt cân, bên cạnh đó có một số ít người lại ăn nhiều hơn.

Những dấu hiệu về thể chất của bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến trạng thái tâm thần mà còn làm nặng thêm bệnh cơ thể (nếu có).

Do đó, việc phát hiện và thăm khám chuyên khoa sớm, điều trị sớm góp phần rất tích cực, nâng cao hiệu quả phục hồi cho người bệnh.

Vậy, trầm cảm thường bắt nguồn từ đâu, thưa bác sĩ?

– Thực tế, trầm cảm thường bắt đầu từ tình trạng căng thẳng (stress) trong cuộc sống hằng ngày không được trị liệu kịp thời, hoặc không trị liệu được mà để stress kéo dài sẽ dẫn đến các rối loạn lo âu và trầm cảm.

Bệnh nhân không có sự hỗ trợ của các mối quan hệ xung quanh rất khó thoát ra khỏi trầm cảm. Để tránh khỏi nguy cơ trầm cảm nặng thêm, bệnh nhân và người thân tín cần cùng nhau trao đổi về những đau khổ tinh thần và những đồng cảm cùng hướng về tâm trạng bình thường, vượt qua đau khổ, từng bước vạch ra những yếu tố tích cực đã giải quyết được trước kia.

Giảm bớt lo lắng sẽ giúp bệnh nhân nhận ra các biểu hiện trầm cảm của mình. Nếu không thăm khám chuyên khoa sớm, các triệu chứng lo âu ngày càng nhiều như bồn chồn, bứt rứt, không thể tập trung đầu óc, ngủ chập chờn, giật mình, ăn uống thất thường…

Những người bệnh trầm cảm tuyệt nhiên không tự dùng thuốc chuyên khoa, kể cả một số thuốc hỗ trợ vì nhiều kết quả nghiên cứu còn gây tranh cãi.

Khi mắc bệnh trầm cảm, người bệnh sẽ đi đến những cơ sở y tế nào để điều trị hiệu quả và an toàn?

Khi phát hiện người nhà mắc bệnh trầm cảm, gia đình và người bệnh cần đi đến những cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được tư vấn và điều trị như:

  1. Bệnh viện Tâm thần TPHCM: 766 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, TPHCM.
  2. Khoa Tâm thần Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TPHCM.

Và các phòng khám chuyên khoa tâm thần quận/huyện.

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trên thế giới có gần 300 triệu người mắc trầm cảm. Trong đó Nhật Bản có khoảng 3% dân số, con số này tại Mỹ là 17%. Riêng tại Việt Nam, WHO ước tính có khoảng 3,6 triệu người mắc căn bệnh này, chiếm 4% dân số (số liệu 2015), trong đó có khoảng 5.000 người chết vì tự tử do người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác.

Tổn thất kinh tế sẽ chỉ xếp sau bệnh tim mạch: TS.BS. Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết trầm cảm là bệnh gây hậu quả tàn phế đứng hàng đầu trong các nhóm bệnh. Về tổn thất kinh tế do bệnh gây ra, trầm cảm hiện đứng thứ tư trong các loại bệnh. Dự đoán đến năm 2020, trầm cảm sẽ là bệnh xếp thứ hai chỉ sau các bệnh tim mạch. Nếu chỉ tính trong khoảng tuổi từ 14 đến 44, tổn thất kinh tế gây ra do trầm cảm hiện đã xếp hàng thứ hai trong các loại bệnh.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thắc mắc mùa dịch: Nguy cơ tái phát bệnh trầm cảm...

0
(SGTT) – Covid-19 buộc mọi người phải thay đổi thói quen sinh hoạt, vui chơi, ăn uống… Chúng ta cần phải có thời gian...

Dễ trầm cảm do quá chú tâm tìm kiếm thông tin...

0
(SGTT) - Hiện nay, những thông tin về Covid-19 luôn được nhiều người quan tâm và đón theo dõi. Tuy nhiên, các nhà nghiên...

Bỗng dưng… trầm cảm

0
(SGTT) - Trầm cảm có thể lấy đi của bạn năng lượng, trí nhớ, sự tập trung, ham muốn tình dục, các hoạt động...

Doanh nhân thoát khỏi trầm cảm nhờ thể thao

0
(SGTTO) - Có thời điểm, anh Lê Thanh Nhàn – nhà sáng lập thương hiệu Lecon Seafoods - bị trầm cảm, thậm chí nghĩ...

Kết nối