(SGTT)- Tháng 2-2019, Kiều Trang cùng hai người bạn chọn Myanmar là điểm đến đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á. Bagan và Yangon là hai thành phố để lại cho cả nhóm nhiều thương nhớ bởi lối kiến trúc cổ kính và lòng hiếu khách của người dân.

Từ Hà Nội, đặt chân xuống sân bay Yangon sau hai tiếng ngồi máy bay, nhóm ba người được chào đón “Mingalabar” từ những người đàn ông “mặc váy”. Đấy là cách nhóm cô hài hước gọi chiếc xà rông truyền thống của người Myanmar, Longyi dành cho nam, Yin Phone gồm áo và váy dành cho nữ. Cả nhóm di chuyển đến bến xe Aung Mingabar để tìm đồ lót dạ. Từ Yangon, cả nhóm đón xe buýt lúc 22:00 tối cùng ngày đến thành phố du lịch Bagan. Thời gian di chuyển giữa hai nơi là 8 tiếng.

Vùng đất của những dấu chân trần trên đất đỏ

Bagan được chia thành 3 khu chính là Old Bagan (Bagan cũ), New Bagan (Bagan mới)và thị trấn Nyaung-U. New Bagan là khu vực mà chính phủ Myanmar di dời người dân ở Old Bagan để có thể bảo tồn những ngọn tháp cổ. Thị trấn Nyaung-U là nơi có những khu chợ sầm uất. Khu Bagan cũ và mới tập trung rất nhiều đền tháp, được chia làm hai loại chủ yếu là “Stupa” và “Chedi”. “Stupa” là những chùa tháp không có cửa để vào, đỉnh chóp nhọn vút lên không. “Chedi” thấp thoáng phong cách lăng tẩm ở miền quê Ấn Độ. Stupa tập trung nhiều ở Bagan cũ, còn Chedi được nhìn thấy nhiều ở Bagan mới.

Thành phố Bagan hiện nay nằm ở trung tâm Myanmar, ở bờ phía đông sông Ayeyarwady thuộc vùng Mandalay. Bagan có diện tích khoảng 42km² với hàng trăm đền chùa, tu viện. Những đền chùa này đượxây dựng trong khoảng từ giữa thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 13, trong thời kỳ chuyển tiếp từ Phật giáo Đại thừa sang Phật giáo Tiểu Thừa. Những đền chùa được xây dựng trong thời đại hoàng kim này đánh dấu sự khởi đầu của truyền thống Phật giáo mới ở Myanmar.

Trong cảm nhận của Trang và các bạn, người dân Bagan thân thiện, dễ mến và chất phát Họ mang lại cho cả nhóm cảm giác ấm áp và thân thuộc như ở Việt Nam. Những vệt Thanaka in trên khuôn mặt của họ như một nét văn hóa đặc trưng. Từ đàn ông đến phụ nữ, trẻ em ai cũng thoa loại bột màu vàng nhạt được mài từ vỏ cây Thanaka lên mặt như một loại kem chống nắng thay cho mỹ phẩm cao cấp ở xứ này.

Ở Myanmar bạn có thể nhìn thấy người dân dù đàn ông, phụ nữ, hay trẻ nhỏ đều thích trang điểm bằng bột Thanaka. Ảnh: Kiều Trang

Nếu đến Myanmar vào buổi trưa, bạn sẽ thấy như đang lạc vào một vương quốc “dát vàng” bởi những ngôi đền chùa trang nghiêm có bề dày lịch sử với màu vàng đặc trưng. Hình ảnh những đứa trẻ nô đùa, sư thầy phóng đôi mắt xa xăm về phía dòng sông Gwebin Chaung khi chiều tà buông xuống càng làm cho người ta buông bỏ sân si, lòng thanh thoát nhẹ nhàng hơn giữa khung cảnh thanh bình, đẹp nao lòng.

Đường đi ở Bagan gập ghềnh, đầy bụi bặm đất đỏ, không ngạc nhiên khi du khách tìm thấy các dấu chân trần của người dân bản địa hay của nhà sư khất thực. Quán xá, hàng rong hai bên đường gần gũi như đường làng Việt Nam. Xa xa là xe ngựa hay cánh đồng cỏ khô. Tất cả như kết hợp để tạo ra một khung cảnh đồng quê mang vẻ đẹp dung dị mà Trang và các bạn sau này còn nhắc mãi.

Nếu đã đến Bagan và rời đi, chắc chắn du khách sẽ có một tâm hồn rất thanh tịnh. Ảnh: Kiều Trang

Bagan bỏ lại sau lưng tất cả những bộn bề của cuộc sống xô bồ, tấp nập, những công trình kiến trúc lộng lẫy, những tòa nhà chọc trời.

Bagan chẳng vội vàng hay hối hả, mà ngược lại nhịp sống nơi đây cứ đều đều chậm rãi. Không muốn bỏ lỡ một ngày mới, Trang bắt đầu ngày mới từ 4:00 giờ sáng, lái chiếc xe máy điện đến bên ngọn đồi trong khu Bagan cũ để cảm nhận cái se lạnh buổi sớm tinh mai, chờ mặt trời tỉnh giấc, ló dạng sau những ngôi đền.

Myanmar là một trong những địa điểm thả khinh khí cầu lý tưởng. Ảnh: Kiều Trang

Thành phố cổ trở nên ấn tượng hơn trong bình minh và hoàng hôn. Trong khung cảnh lãng mạn đó, các cặp đôi tay trong tay tận hưởng khoảnh khắc những chiếc khinh khí cầu đủ màu sắc lửng lơ phủ rợp một góc trời.

Nhiều ngôi đền hàng ngàn năm tuổi vẫn ở đó, tô điểm cho Bagan thêm nét cổ kính khó lẫn với các quốc gia Đông Nam Á khác. Không chỉ có thế, du khách còn chìm đắm vào thế giới của mùi hoa cỏ dại, âm thanh phát ra từ những đôi chân trần, tiếng gà gáy, còi xe, vó ngựa, tiếng nói cười của bọn trẻ và cả tiếng đọc kinh cầu nguyện. Vào những ngôi đền ở đây bạn phải cởi bỏ giày dép, đó là phép tắc đồng thời cũng thể hiện lòng tôn kính các vị sư.

Cuối ngày, cả nhóm ngắm hoàng hôn từ phía những ngôi đền bên cạnh dòng sông Ayeyawaddy. Không ngờ Myanmar lại là nơi thanh bình mộc mạc đến vậy, Trang nói với các bạn.

Yangon và 3 giờ đồng hồ trên tàu

Yangon có chút nhộn nhịp bởi những dòng người di chuyển vội vã vào mỗi sáng trên đường. Những chuyến xe buýt chật ních người. Thành phố này khiến du khách ngạc nhiên vì chẳng thấy chiếc xe máy nào.

Yangon gắn liền với những cuộc hành hương của Phật tử. Hầu hết du khách đến đây là những người thích tìm hiểu Phật giáo. Dưới cái nắng gắt, Yangon càng rực rỡ bởi những ngồi đền, chùa vàng óng, kiến trúc stupa. Đến chùa Vàng Shwedagon, bạn sẽ trải qua những kiểm tra an ninh như ở sân bay đầy thú vị. Ngôi chùa lưu giữ bốn báu vật Phật giáo gồm 8 sợi tóc của Đức Phật, gậy của Kakusandha, lọc nước của Konagamana, áo của Kassapa.

Cả nhóm như lạc vào những con phố nhỏ với những món ăn đường phố, những khu nhà cổ với nhiều con phố bán mặt hàng đặc trưng như 36 phố phường Hà Nội. Tiếp đó, cả nhóm thăm khu chợ Bogyke Aung San, nhà thờ Saint Mary, nhà thờ Holy Trinity hay hồ Synagogue.

Ở Myanmar bạn sẽ bắt gặp các vị sư ở khắp nơi chứ không chỉ có mặt ở những nơi tu tập. Ảnh: Kiều Trang

Yangon trở nên chậm rãi khi bạn có ba tiếng trên chuyến tàu vòng quanh thành phố. Đây thực sự là một trải nghiệm vô cùng thú vị và có lẽ là ấn tượng nhất với tôi trong suốt chuyến đi, Trang nói.

Tàu từ từ lăn bánh, đủ chậm để bạn khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân. Tàu dừng lại mỗi trạm, mỗi lúc càng đông người. Khung cảnh quen thuộc của chuyến tàu dần hiện ra khi thời tiết oi bức cùng sự xuất hiện của những người bán hàng đi tự do từ toa này sang toa khác. Ngay cả tại trung tâm Yangon, nét hoài cổ và lịch sử dường như chiếm ưu thế hơn các tòa nhà hiện đại.

Nét “Hà Nội phố” ở Myanmar. Ảnh: Kiều Trang

Thời gian lý tưởng để du khách đến Myanmar là từ tháng 11 đến tháng 2 vì khoảng thời gian này có lễ hội khinh khí cầu ở Bagan. Thời điểm khác là bốn ngày từ 12-4 đến ngày 16-4 hàng năm để cùng người dân đón Tết. Cứ bốn năm một lần, người Myanmar sẽ đón tết năm ngày thay cho bốn ngày như hàng năm.

Di chuyển tại Bagan: khách du lịch ở đây không được di chuyển bằng xe máy nên bạn  phải thuê xe máy điện E-bike với giá 6.000Kyat (khoảng 85.000 đồng/ngày), đi xe ngựa hoặc tuktuk. Ngoài ra, bạn có thể thuê xe đạp điện. Xe được nạp đầy điện đi trong một ngày, thời gian bạn thuê được từ 4:00 giờ sáng và trả xe cuối ngày khoảng 9:00 đến 10:00 giờ tối để nhà xe nạp điện cho ngày hôm sau.

Xe ngựa thô sơ là phương tiện được hầu hết các du khách đến Bagan yêu thích. Ảnh: Kiều Trang

Di chuyển tại Yangon: phương tiện di chuyển chủ yếu là Grab taxi hoặc đi bộ. Xe lửa đi quanh thành phố ba giờ đồng hồ chỉ với 200Kyat (khoảng 3.500 đồng).

Nếu bạn sử dụng xe jjexpress, loại xe này sẽ mang lại sự thuận tiện cho bạn vì khá hiện đại có ổ cắm điện, chăn mỏng và nước kèm theo. Xe sẽ dừng sau vài tiếng đồng hồ, trên xe có ghế để bạn ngã lưng thoải mái.

Ẩm thực: So với Bagan, Yangon có nhiều địa điểm ẩm thực phong phú hơn. Du khách sẽ bắt gặp một vài món ăn đường phố quen thuộc như bánh rán, các loại hoa quả dầm khá giống Việt Nam nhưng có chút cay cay.

Thanh Thu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây