Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Nhớ mùi hương mướp vùng quê ngoại

(SGTT) - Quê ngoại tôi ở ven sông Cu Đê thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Nơi đây, người dân trồng nhiều loại rau, màu tươi tốt như bầu, bí và nhất là mướp hương. Bà ngoại tôi nói rằng, dây mướp dễ trồng, cho sai trái, dễ nấu những món ăn dân dã, thơm ngon.
Giàn mướp xanh mát mắt. Ảnh: Tiên Sa

Ở đây, nhà nào cũng trồng mướp, nhất là giống mướp hương, người thì cho mướp leo giàn, người thì trồng ven bờ rào hay vạt đất bên ao. Thường sau những cơn mưa giông, dọc theo bờ rào, triền ta luy, bà ngoại tôi dùng cây nhọn thọc lỗ, tra vào mỗi hốc 2 hạt mướp hương.

Một tháng sau, những ngọn mướp mập mạp, kèm theo những cọng (tay) vươn ra để níu, bám… Tiếp đến, 2 tháng sau, các ngọn mướp đã bò tràn lan khắp bãi và ra hoa, kết trái. Hoa mướp màu vàng chanh, lung linh, ẩn hiện trong khóm lá xanh rì như cùng khoe màu với nhiều cánh bướm rừng sặc sỡ. Nhưng thú vị hơn, phảng phất trong không gian, mùi nếp hương, một loại mướp trái vừa, nhưng ăn rất thơm ngon. Ngọn mướp, trái mướp, nụ hoa  mướp đều nấu thành các món ăn ngon miệng.

Thi thoảng tôi về thăm ngoại, trong bữa cơm trưa, cô tôi hái nụ hoa mướp để chế biến thành các món như hoa mướp xào tôm, thịt ba chỉ, thịt bò, tép khô… Nhưng, món nụ hoa mướp luộc chấm với nước cá hay nước mắm tỏi, chanh ăn kèm cơm cũng rất ngon. Ở thành phố, muốn ăn món này cũng khó, vì hoa mướp không thấy bán. Tại nông thôn, người trồng mướp chỉ hái để ăn, tiếp khách hoặc đem ra phố, biếu người thân.

Hoa mướp. Ảnh: Tiên Sa

Ông ngoại tôi cho hay, mướp là loại trái quen thuộc đối với người dân Việt Nam, mướp không chỉ là món ăn ngon mà còn là một vị thuốc chữa bệnh bởi tất cả các bộ phận của mướp đều sử dụng làm vị thuốc, rẻ, hiệu quả mà không có tác dụng phụ.

Mỗi lần tôi về thăm ngoại, tôi thích nhất là ra vườn hái vài bông hoa mướp làm mồi câu lũ ếch ở triền ao. Ham mồi, ếch ta tưởng là nàng bướm nào bay lạc, nhảy đớp mồi, chỉ cần câu dăm con là đủ… Trong lúc tôi câu ếch thì bà tôi mang rổ đi hái hoa mướp, trái mướp, còn ông ngoại tôi thì mang số ếch tôi câu được ra bờ ao làm thịt. Chỉ độ nửa giờ sau, cả nhà đã có bữa cơm rau ngon lành với các món mướp xào ếch, mướp nấu canh tép khô, món hoa mướp xào tỏi.

Nụ hoa mướp xào tỏi. Ảnh: Tiên Sa

Để làm hoa mướp xào tỏi, bà tôi hái các nụ hoa mướp chưa nở, sau khi rửa sạch, để ráo, dầu phộng thứ thiệt, phi với tỏi cho thơm, bỏ nụ hoa mướp vào xào và nêm nếm. Mùi thơm của dầu phộng phi tỏi, mùi mướp hương hòa quyện lấy cái ngọt, cái bùi bùi của nụ hoa, đưa vào miệng, ngon đến nổi không dám nhai, ăn bao nhiêu cơm cũng còn thấy đói, miếng cơm cháy cuối cùng trong nồi nấu từ gạo quê, sốt dẻo, cũng được chia ra ăn.

Tôi còn nhớ có năm tôi về ngoài, lúc nằm học bài dưới giàn mướp được làm bằng các ngọn tre gai do bà tôi làm, mướp bò kín giàn rất mát. Song tôi thích nhất là những trái mướp dài, thòng xuống giàn, đung đưa trước ngọn gió nồm mát mẻ, trông rất là sinh động.

Và, cứ mỗi lần qua giàn mướp nhà ai “chở” đầy hoa vàng trong nắng sớm, tôi chợt nhớ về mùi thơm của món nụ mướp xào với tỏi do bà tôi chế biến thơm lừng, lan tỏa trên mái bếp rạ khi chiều về nắng lao xao lướt trên giàn mướp đung đưa. Dư vị “hương mướp quê ngoại” mãi đeo đẳng trong ký ức của tôi.

Tiên Sa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối