Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Ngắm nhìn con đường di sản từ trên cao

(SGTT) – Ngắm nhìn “Con đường di sản miền Trung” từ trên cao, hòa vào thiên nhiên tươi đẹp là một trong những cách thưởng lãm, trải nghiệm sản phẩm văn hóa-du lịch nổi tiếng này.

Cầu Vàng trên Bà Nà Hills, thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thái Bá Quý.

Ông Paul Stoll nhớ lại vào đầu những năm 2000, khi ông là Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, ông đã đề xuất thực hiện một con đường di sản, vừa giúp bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên vừa giúp kết nối phát triển du lịch địa phương.

Năm 2004, con đường di sản miền Trung chính thức ra đời, bao gồm các di sản văn hóa thế giới như Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, quần thể di tích Cố đô Huế bên cạnh các di sản thiên nhiên thế giới như quần thể hang động của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Vào thời gian đó, để đi hết con đường này, theo ông Paul Stoll cũng như đại diện các doanh nghiệp là một thách thức không nhỏ do giao thông trắc trở. Dần dà, con đường Trường Sơn được xây dựng và lối vào các di sản cũng thuận lợi hơn. Vì vậy, du khách đi trên con đường này có thể tham quan một số địa điểm khác như nghĩa trang Trường Sơn, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu du lịch Bà Nà hay hang Sơn Đoòng… để có những trải nghiệm phong phú từ giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tới nghỉ dưỡng, khám phá.

Đặc biệt, từ năm ngoái, một ý tưởng khá táo bạo được ngành du lịch Huế đề xuất, đó là “Con đường di sản miền Trung trên không”. Khi nhìn từ trên cao, mọi người sẽ có cảm nhận bao quát hơn các di sản bằng mắt thật thay vì chỉ khám phá chi tiết ở dưới đất và nhìn tổng thể qua ảnh vệ tinh. Khách du lịch sẽ thích thú hơn. Người làm du lịch sẽ có cảm hứng để biết nên bảo tồn như thế nào.

“Đây là một sản phẩm du lịch mới mà Hội đồng tư vấn du lịch Thừa Thiên-Huế cùng với Tập đoàn Thiên Minh cam kết triển khai trong năm 2019, cùng với một số sáng kiến khác nhằm đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên-Huế phát triển du lịch mang dấu ấn riêng của vùng Huế”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, nói. Ông cho biết thêm, cuối tháng 4 vừa qua là thời điểm đánh dấu sự hình thành của “Con đường di sản miền Trung trên không”.

Cụ thể, bằng thủy phi cơ, du khách ngắm cảnh các lăng tẩm triều Nguyễn và quần thể di tích cố đô Huế cùng với Phá Tam Giang dài đến 80km, lớn nhất vùng Đông Nam Á. “Khám phá nét đẹp của thành phố cố đô miền Trung – nơi có năm di sản thế giới được UNESCO công nhận – với tầm nhìn trên cao chắc chắn sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị”, ông Phúc chia sẻ.

Di sản văn hóa thế giới và cảnh đẹp thiên nhiên của Huế nhìn từ trên thủy phi cơ. Ảnh: Nguyễn Văn Phúc.

Bên cạnh đó, đường bay Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam bằng thủy phi cơ của hãng hàng không Hải Âu (thuộc tập đoàn Thiên Minh) đánh dấu lần đầu tiên ba địa phương du lịch nổi tiếng này được kết nối bằng đường hàng không. Từ Đà Nẵng, du khách được bay qua các thắng cảnh nổi tiếng như Cầu Rồng trên sông Hàn hay Cầu Vàng nổi tiếng ở Bà Nà Hills, lượn qua bờ biển dài đến với phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm trước khi bay đến Kinh thành Huế xưa.

Quần thể Phong Nha-Kẻ Bàng tại Quảng Bình. Ảnh: Nhân Tâm

Không dừng lại ở đó, sau khi ngắm di sản văn hóa thế giới tại Huế từ trên cao, du khách tiếp tục được bay ra Quảng Bình để ngắm di sản thiên nhiên thế giới quần thể động Phong Nha-Kẻ Bàng. Tham gia Lễ hội hang động Quảng Bình vào tháng 6-2019 là ý tưởng đầy thú vị.

Có thể nói tuyến bay ngắm cảnh từ Huế đi Đà Nẵng với thời gian khoảng 40 phút và từ Đà Nẵng đi Đồng Hới dự kiến khoảng 60 phút, sẽ là hình thức vận chuyển kết hợp trải nghiệm ngắm nhìn toàn cảnh “Con đường di sản miền Trung” trên cao từ Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Hội An và các danh thắng tuyệt đẹp của miền Trung.

“Con đường di sản miền Trung trên không” được kỳ vọng sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo và đẳng cấp cho các du khách khi đến miền Trung, mang lại cho du khách những trải nghiệm khác biệt khi được ngắm nhìn toàn cảnh các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở khu vực này, góp phần gìn giữ “kho báu” của vùng đất miền Trung.

Chuyến bay Đồng Hới – Đà Nẵng sẽ cất, hạ cánh tại Cảng hàng không Đồng Hới và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Giá thuê trọn gói trong tuần theo yêu cầu là 3.300 đô la Mỹ mỗi chuyến. Các chuyến bay thường lệ, bán lẻ theo ghế mở vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, với tần suất 2 chuyến một ngày, giá 300 đô la Mỹ/người/60 phút.Chuyến bay Huế – Đà Nẵng sẽ cất hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Giá vé lẻ là 156 đô la Mỹ/người/45 phút. Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn bay ngắm cảnh riêng Huế hoặc Đà Nẵng, với giá khoảng 87 đô la Mỹ.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Huế sẽ có cơ chế đặc thù để xây dựng thành...

0
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội cho phép Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm một số cơ...

Du lịch văn hóa Việt Nam sẽ có thương hiệu và...

0
(SGTTO) - Phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 20% trong tổng số khoảng 40 tỉ đô la doanh thu...

Kết nối