N.H. -
Những ngày đầu năm mới, cáp treo trên đỉnh Phan-xi-păng (Fanxipan) – nóc nhà Đông Dương – được khánh thành. Và chỉ cần ngồi một chỗ, một cậu nhóc 3 tuổi hay một cụ ông 83 tuổi vẫn có thể lên đỉnh chụp hình để khoe với mọi người. Chưa bao giờ công nghệ giúp loài người thực hiện được ước mơ của mình dễ thế. Với nhiều người, hình ảnh đám đông chen nhau trên đỉnh để chụp hình là một hình ảnh chẳng thú vị gì. Thậm chí có người còn từ bỏ ý định leo lên nóc nhà Đông Dương này.
Khác với trước đây, việc leo nên nóc nhà Đông Dương là một trong những mục tiêu mà nhiều người đặt ra và muốn làm một lần trong đời. Đáp ứng nhu cầu muốn lên đỉnh ấy nhiều công ty lập ra những tour chinh phục Fanxipan; có những nhóm bạn tụ tập để cùng leo núi. Dĩ nhiên, để lên đỉnh Fanxipan, phải mất hai đến ba ngày leo. Và trước khi leo tối thiểu 10 ngày, người leo phải tập thể dục để cơ thể có thể thích nghi với việc leo núi và mang vật nặng.
Leo lên đỉnh Fanxipan cũng là một cách để con người thử sức bền của bản thân, thể hiện ý chí của chính mình khi cơ thể bỗng nhiên chây ì, muốn buông xuôi mọi thứ. Vì thế, việc lên đến đỉnh Fanxipan tạo nên một cảm giác chiến thắng rất khó tả mà người chưa leo núi sẽ khó hình dung được.
Tôi cho rằng nếu thực sự ai còn muốn chinh phục đỉnh núi này, hay những đỉnh núi khác thì hãy cứ leo. Không nên nghĩ rằng vì có cáp treo rồi thì việc leo lên đỉnh núi sẽ không còn ý nghĩa. Việc leo núi là để thử thách bản thân, không phải là để thể hiện mình trên các trang mạng xã hội, nếu nghĩ được như vậy, sẽ chẳng ai còn quan tâm đến cái cáp treo mới khai trương kia.
Núi Bà Đen ở Tây Ninh, núi Bà Rá ở Bình Phước vẫn có cáp treo, để phục vụ những ai không thích leo núi nhưng muốn chiêm ngưỡng cảnh vật từ trên cao. Tuy vậy vẫn có nhiều người muốn chinh phục hai ngọn núi này để nhìn toàn cảnh Đông Nam bộ.
Trở lại chuyện lên đỉnh Fanxipan, tôi sẽ vẫn leo cho dù nay đã có cáp treo. Tôi muốn leo vì muốn cảm nhận những cung bậc cảm xúc trong ba ngày vác trên mình một ba lô nặng 15 kg, để cảm nhận mẹ thiên nhiên đẹp như thế nào. Tôi tin, những cảm giác hay những bức ảnh tôi chụp trong suốt hành trình lên đỉnh ấy sẽ là những kỷ niệm đẹp khó phai trong đời.
Tôi đã từng đi cáp treo lên núi Bà Rá cũng như leo bộ lên ngọn núi này. Tôi thấy rằng cảm giác ngồi cáp treo để lên đỉnh rất bình thường, khác hẳn với cảm giác phải lê từng bước nặng nhọc để leo lên và cảm giác khoan khoái khi đến đỉnh núi.
“Hạnh phúc không phải ở cuối con đường mà chính là trên hành trình ta đi” – có ai đó nói vậy. Vì thế, tôi sẽ lên một kế hoạch chinh phục nóc nhà Đông Dương, mặc kệ cái cáp treo đang hoạt động ngoài kia.