Anh Đài –
Những cột phân làn giao thông hiện nay được dùng nhiều để thay thế các dải phân cách bằng bê tông, bằng thép, để tránh gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ người đi đường bị ngã xe do tông vào các cột phân làn.
Một chiếc cột phân làn đã bị gãy đổ do người đi đường tông phải tại TPHCM.
Để hướng dẫn cho người tham gia giao thông đi đúng làn đường, tại các tuyến đường lớn ở TPHCM, đơn vị tổ chức phân làn đều đặt các cột phân làn bằng nhựa thay thế cột phân làn kim loại trước đây. Nhưng theo ghi nhận, tại các tuyến đường có cột phân làn bằng nhựa thì hầu như chúng đều bị gãy, cong móp, xiêu vẹo do các phương tiện đâm vào.
Tối ngày 28-10, trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) nhiều xe máy bị ngã khi tông vào cột phân làn do lưu lượng xe cộ đông, kết hợp trời mưa nên nhiều người phía sau không thấy được cột phân làn, khi gần áp sát thì không kịp xử lý và va chạm ngã xuống đường.
Trước đó, ngày 11-9 rất nhiều xe máy bị ngã xe do tông phải các hàng cột phân làn trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình. Do vừa đổ dốc khỏi cầu vượt Lăng Cha Cả thì người đi đường gặp ngay ba hàng cột phân làn bằng nhựa cao khoảng 1 m rất khó nhìn thấy. Một người dân ở đây cho biết: “Mỗi ngày không dưới 10 vụ tai nạn do va phải cột phân làn, nếu trời mưa thì con số còn nhiều hơn”. Trước tình trạng đó, ngày 14-9, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) đã tháo cột phân làn này để tránh gây thêm tại nạn.
Một bất cập khác của cột phân làn nữa là được đặt ở những nơi có lượng xe cộ qua lại đông, khi xảy ra tình trạng kẹt xe, người điều khiển xe máy không thể linh hoạt chuyển làn được, trong khi đó làn ô tô lại thông thoáng. Khi đó, một số người chạy cán lên các cột phân làn này, dẫn đến tình trạng cột phân làn ở nhiều tuyến đường bị gãy, xiêu vẹo…
Tôi cho rằng việc phân làn là cần thiết để xe cộ đi đúng phần đường. Tuy vậy việc lắp đặt nên chọn những điểm cần phân làn. Nếu không, việc phân làn chỉ làm tăng tai nạn giao thông.