Thứ Hai, Tháng Năm 6, 2024

Món “nhà quê” lên bàn ăn của khách sạn năm sao

(SGTTO) – Nhiều năm trước, ít ai nghĩ có thể tìm được những món như bánh hỏi thịt nướng, cháo lòng, trái vả trộn tôm thịt hay bánh tráng Trảng Bàng ở khách sạn hạng sang nhưng nay thì những món dân dã ấy đã đường hoàng hiện diện trên bàn ăn của các khách sạn này.

Trái vả trộn tôm thịt. Ảnh: Internet.

Lặn lội tìm đặc sản

Vừa qua, khách sạn năm sao Grand trên đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM trình làng 4 món đặc sản địa phương gồm phở 2 tô Kon Tum, bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh), bún cá lăng đọt mây – lá nhíp và bắp bê nướng cuốn rau rừng Tây Ninh.

Ngày đầu tiên ra mắt, số thực khách thử món mới chưa nhiều nhưng với kinh nghiệm gần hai năm đưa đặc sản địa phương vào phục vụ ở khách sạn, những người đứng đầu Grand tin rằng, không lâu nữa, các món này sẽ trở thành “món ruột” của những thực khách mê ẩm thực Việt.

“Hồi mới đưa một số ngon như bún, miến, hủ tiếu, xôi vò từ các vùng miền vào thực đơn sáng và trưa, khách cũng hơi bỡ ngỡ nhưng nay nhiều người đến khách sạn chỉ để ăn những món này,” bà Vũ Thị Thanh Hiền, Phó tổng giám đốc khách sạn nói và cho biết 90% trong số đó là khách trong nước, phần nhiều là những người từ những nơi khác về sinh sống tại TPHCM, muốn tìm lại vị ngon của những món ăn ở quê nhà.

Để tìm được những món gọi là đặc sản và nấu được món ăn đúng vị, những người thuộc bộ phận bếp của khách sạn phải “tầm sư học đạo” từ các đầu bếp địa phương. Với nhiều món, nguyên liệu chế biến cũng phải mua từ địa phương đó cho món ăn giữ nguyên hương vị.

Ông Võ Anh, Bếp trưởng của Grand kể, để nấu món súp lươn Nghệ An, ông phải đến học nghề ở quán cháo lươn bà Lan, một trong vài quán nổi tiếng về món này tại thành phố Vinh (Nghệ An). Nguyên liệu nấu súp lươn, đặc biệt là loại lươn nhỏ ở Nghệ An – loại đặc biệt, để nuôi được con lươn nặng chừng 200g phải mất khoảng hai năm cũng phải mua từ nguồn này mới bảo đảm chất lượng cho món ăn.

Súp lươn. Ảnh: Internet.

“Rất khó khăn để chủ quán chịu truyền nghề. Tuy đã nhờ một người có mối quan hệ thân tình với chủ quán làm cầu nối, thuyết phục rất lâu và cam kết mua nguyên liệu hoàn toàn từ nguồn này nhưng cũng phải ngồi chơi đến mấy ngày thì chủ quán mới chịu truyền nghề,” ông nói.

Tuy bỏ ra nhiều công sức nhưng đầu bếp này cho là rất xứng đáng vì súp lươn hiện là món được nhiều người, đặc biệt là người Nghệ An ở TPHCM ưa thích. Nhiều người nhận xét, ăn món này ở Grand không những tìm được đúng vị món quê mà còn có thêm thời gian trò chuyện mà không lo món ăn nguội, mất ngon vì súp lươn được chứa trong tô đá có tác dụng giữ nhiệt lâu.

Với những món ăn vừa được đưa vào phục vụ trong chương trình mới cũng vậy, các loại rau như đọt mây, lá nhíp, bánh tráng phơi sương hay sợi phở khô cũng được khách sạn mua từ “quê hương” của những nguyên liệu đó để bảo đảm chất lượng.

Kỳ vọng lớn cho ẩm thực địa phương

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, nguồn tin từ nhiều khách sạn, resort cho biết, sau nhiều năm quá quen thuộc với những món Việt như gỏi cuốn, chả giò, phở, nhiều thực khách, trong đó có khách nước ngoài muốn thử những món mới, đặc biệt là các món ăn địa phương để khám phá văn hóa ẩm thực của người Việt.

Đáp ứng nhu cầu đó, một số khách sạn đã “chơi lớn”, mang cả những món tưởng chừng như chỉ có thể có ở những quán ăn bình dân vào phục vụ khách cao cấp. Chẳng hạn, đến khách sạn Rex ở trung tâm TPHCM, thực khách có thể gọi những món như bánh khoái xứ Huế, cá Trê chiên mắm ăn với xoài bằm, đọt choại xào tỏi; trái vả trộn tôm thịt…  Furama Resort Đà Nẵng thì không chỉ có hàng loạt món đặc sản Đà Nẵng cùng những địa phương ở miền Trung mà còn “dám” đem cả mắm tôm thịt luộc, cà pháo vào phục vụ khách nước ngoài và được nhiều người hưởng ứng.

Thịt luộc mắm tôm. Ảnh: Internet.

“Với món Việt, món mà khách nước ngoài hay gọi hiện vẫn là gỏi cuốn, chả giò nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục giới thiệu nhiều món mới cho khách làm quen. Sắp tới sẽ là một món khá hay của Hải Phòng, đó là bánh mì que,” nguồn tin từ Khách sạn Rex nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ trước đến nay, khi bàn đến việc giới thiệu ẩm thực Việt, nhiều người thường chỉ nghĩ về khía cạnh giới thiệu món ngon của người dân trong nước đến du khách nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam có nền ẩm thực rất phong phú, mỗi vùng miền với điều kiện thổ nhưỡng, văn hóa khác nhau lại có những món ngon rất khác biệt. Cho nên, việc làm cho người dân biết món ngon của các nơi khác, cho thực khách ở các đô thị lớn thưởng thức những món ngon dân dã ở các địa phương cũng là việc cần làm để quảng bá ẩm thực.

“Chỉ riêng món bún thì Đồng bằng sông Cửu Long đã có hàng chục loại, mỗi tỉnh lại nấu mỗi khác. Điều khác biệt đó sẽ đem lại sự thú vị cho thực khách. Nếu biết khai thác và đem ẩm thực địa phương tiếp cận gần hơn thực khách thì các khách sạn sẽ có một phân khúc khách hàng mới,” ông nói.

Minh Duy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hè này, trốn phố về… ‘Quận Vui’ The Grand Ho Tram...

0
Mùa vui gặp Quận Vui! Đón chào dịp lễ lớn và kỳ nghỉ hè đầy sôi động với nhiều hoạt động mới mẻ, thú...

“Quận Vui” The Grand Ho Tram bùng nổ với chuỗi trải...

0
Trước thềm năm rồng, The Grand Ho Tram đã sẵn sàng cho chuỗi hoạt động giải trí đa dạng dành cho đủ mọi lứa...

Hấp dẫn chuỗi sự kiện “Xông Đất” Quận Vui đầu năm...

0
Với loạt sự kiện quy mô lớn, ‘Quận Vui’ The Grand Ho Tram hứa hẹn mở ra đa dạng các hình thức giải trí...

The Bluffs Grand Ho Tram đạt giải sân golf tốt nhất...

0
The Bluffs Grand Ho Tram liên tục nhận được sự đánh giá cao của quốc tế nhờ cơ sở vật chất sân golf đẳng...

Hệ sinh thái tăng sức hấp dẫn cho du lịch MICE...

0
Khả năng phối hợp giữa cung hội nghị quốc tế và các cơ sở lưu trú là một trong những điểm nhấn, giúp tăng...

Khám phá Thủ đô khi lưu trú tại Meliá Hanoi

0
Hà Nội vẫn luôn là một điểm đến thân thiện và hấp dẫn không chỉ với du khách nước ngoài mà cả với du...

Kết nối