Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Lúa chết, người khát

TRUNG CHÁNH – 

Một số nhà chuyên môn đánh giá hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nghiêm trọng nhất trong khoảng 100 năm trở lại đây. Tình trạng này đã làm thiệt hại nặng đến hoạt động sản xuất lúa và gây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Hạn, mặn cực đoan

IMG1570

Hạn, mặn đã làm chết hàng trăm ngàn héc ta lúa và gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Trong ảnh là một ruộng lúa bị khô hạn ở vùng ĐBSCL.

Tại hội nghị “Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL” ở thành phố Cần Thơ hôm 17-2, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nói rằng khô hạn xảy ra nghiêm trọng hơn so với mọi năm và có thể nói là nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Còn xâm nhập mặn cũng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của El-Nino cũng như trữ lượng nước trong Biển Hồ (Tonle Sap) thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm nên dự báo hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay sẽ diễn biến nghiêm trọng.

Trên thực tế, từ đầu mùa khô, nồng độ mặn 4 gam/lít xuất hiện trong tháng 1 có phạm vi ảnh hưởng 40-60 km tính từ cửa sông, tức mặn đã lấn sâu hơn cùng kỳ năm ngoái đến 10 km. “Tình hình xâm nhập mặn cũng đang trong mức báo động ở một số tỉnh như Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh… Riêng Bến Tre đã công bố tình trạng thiên tai xâm nhập mặn”, ông Cường cho biết.

Theo dự báo, khả năng xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở ĐBSCL sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, từ cuối tháng 2-2016, trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn 4 gam/lít có thể xâm nhập sâu đến khoảng 50-70 km, thậm chí trên 70 km tính từ cửa sông, tăng khoảng 10 km so với mức ghi nhận được hồi đầu tháng 1 và lấn sâu hơn mùa khô năm 2014-2015 đến 20 km.

Một vị đại diện của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL trong mùa khô 2015-2016 thấp hơn trung bình nhiều năm 20-50%. Trong khi đó mực nước từ biển Đông và biển Tây có xu hướng dâng cao hơn, cho nên mặn sẽ đến sớm, sâu trên hệ thống các sông, rạch vùng ven biển ĐBSCL.

Cụ thể, theo vị này, độ mặn ghi nhận được tại khu vực sông Vàm Cỏ trong tháng 1 cao hơn cùng kỳ năm ngoái 5,2-6 gam/lít và đầu tháng 2 cao hơn là 6,2-7,7 gam/lít. Tại khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền độ mặn đến đầu tháng 2 cao hơn từ 1,7 đến 9,1 gam/lít; tại các cửa sông thuộc sông Hậu cao hơn từ 1,9 đến 11,7 gam/lít; khu vực biển Tây tại sông Cái Lớn cao hơn từ 0,2 đến 7,8 gam/lít…

Với những địa phương trước đây chưa từng xuất hiện mặn, như tỉnh Vĩnh Long, huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang, thì năm nay nước mặn cũng đã xuất hiện.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết hai đợt triều cường vào ngày 17-12 Âm lịch và 29-12 đến mùng 1 Tết Âm lịch vừa qua đã đẩy nước mặn xâm nhập rất sâu vào khu vực nội đồng của địa phương.

Theo ông Đồng, nước mặn từ biển Đông đã lấn qua khỏi địa phận tỉnh Sóc Trăng, xâm nhập đến huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang. “Đây là lần đầu tiên nước mặn xâm nhập vào tới hai địa phương này, tuy nồng độ mặn vẫn chưa cao lắm”, ông cho biết.

Thiệt hại nặng nề

Trước diễn biến phức tạp của hạn hán và xâm nhập mặn, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tính đến ngày 20-1, địa phương có 18.000 ha lúa sản xuất trên đất nuôi tôm bị thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn, chiếm 56% diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm của tỉnh. Trong đó, phần diện tích có tỷ lệ bị thiệt hại đến 70% chiếm 13.400 ha và phần còn lại có tỷ lệ thiệt hại 30-40%. “Riêng đối với lúa đông xuân, chúng tôi cũng bị thiệt hại 10.400 ha, bằng 28,5% tổng diện tích xuống giống của địa phương, trong đó, có 1.200 ha bị thiệt hại nặng với tỷ lệ 70%”, ông Hải nói.

Tại Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết khô hạn và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại 34.000 ha đất sản xuất lúa tại các huyện An Minh, An Biên, làm ảnh hưởng đến đời sống của hơn 14.000 hộ nông dân nơi đây.

Trong khi đó, theo ông Trần Công Chánh, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, tính đến nay, địa phương có khoảng 400 ha đất sản xuất lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. “Tuy nhiên, nếu không có biện pháp ứng phó với hạn, mặn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thì địa phương chúng tôi có khả năng sẽ có 50% diện tích sản xuất lúa bị thiệt hại”, ông Chánh nói.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến nay, toàn vùng ĐBSCL có ít nhất khoảng 166.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn và xâm nhập mặn. Trong đó, riêng lúa đông xuân 2015-2016 của nông dân ở tám tỉnh ven biển ĐBSCL, gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang bị thiệt hại nặng lên đến 104.000 ha, chiếm 11% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 6,7% diện tích xuống giống của ĐBSCL.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nếu không có biện pháp ứng phó, thì khu vực các tỉnh ven biển sẽ có đến khoảng 339.000 ha lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn và mặn, chiếm 35,5% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm đến 21,9% diện tích xuống giống lúa đông xuân 2015-2016 của ĐBSCL.

Không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, hạn và mặn cũng gây ra tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân hết sức nghiêm trọng.

Theo ông Mai Anh Nhịn, trong tháng 7 năm ngoái, toàn bộ thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) đã xảy ra trình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt đúng một tháng. “Trước diễn biến phức tạp như vậy, ngay trong thời gian còn mưa, chúng tôi đã giao cho các sở ngành liên quan hỗ trợ và khuyến cáo người dân mua thêm bồn chứa để trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt”, ông cho biết.

Trong khi đó, ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết tại huyện Tân Phú Đông đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân và địa phương đã có kế hoạch cho mở các vòi nước công cộng cũng như vận chuyển nước ngọt bằng sà lan từ nơi khác về để phục vụ nhu cầu sử dụng nước của người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút...

0
(SGTT) – Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến...

Trưa nay ăn gì: Giòn sần sật món đậu que xào...

0
(SGTT) – Đậu que giòn sần sật xào cùng thịt tôm ngọt thanh mang đến bữa cơm trưa thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho...

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada

0
(SGTT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các...

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Kết nối