Thứ Sáu, Tháng Chín 13, 2024

Làng cổ Hanok Bukchon, nét tĩnh lặng giữa Seoul náo nhiệt

(SGTT) – Tìm về những nét hoài cổ để khám phá văn hóa xưa luôn là một trong những điểm thú vị của các hành trình du lịch. Có lẽ vì thế mà những ngôi làng cổ luôn có sức hút riêng đối với du khách. Đến Seoul, bạn không nên bỏ qua một trong các ngôi làng cổ nổi tiếng của xứ sở kim chi, làng cổ Hanok Bukchon.

Hanok Bukchon là một ngôi làng cổ nằm giữa cung điện Gyeongbok, cung điện Changdeok và miếu thờ Thần đạo Jongmyo. Làng cổ Bukchon là nơi ở của các gia đình quý tộc, giàu có cũng như giới quan lại sinh sống ở thời kỳ Joseon.

Bức tường nhà Hanok truyền thống.

Kiến trúc Hanok đặc trưng

Hanok là một kiểu nhà truyền thống ở Hàn Quốc, được xây dựng lần đầu vào thế kỷ 14, dưới triều đại Joseon. Điểm hấp dẫn của nhà Hanok là từ địa điểm xây nhà, kiến trúc đến thiết kế nội thất… đều thể hiện sự gắn kết với thiên nhiên mà không kém phần tinh tế, tỉ mỉ.

Như nhiều quốc gia phương Đông khác, người Hàn Quốc thường lựa chọn địa điểm đặt ngôi nhà theo kiểu “tựa sơn hướng thủy”; sau lưng có núi hoặc đồi để che chắn gió lạnh, trước mặt có sông, suối chảy qua để dễ dàng tiếp cận với nguồn nước và giúp điều hòa nhiệt độ.

Mỗi vị trí, vùng miền khác nhau sẽ có đặc trưng về khí hậu khác nhau, do đó kiến trúc Hanok cũng có sự điều chỉnh tùy thời tiết mỗi vùng. Ở phía nam, Hanok thường xây theo hướng mở, hình chữ L. Ngược lên miền bắc, Hanok được thiết kế theo hình vuông và có khoảng sân ở giữa để giữ ấm.

Quán cà phê với kiến trúc truyền thống.

Không chỉ thế, nhà Hanok rất gần gũi với tự nhiên, vật liệu xây dựng chủ yếu là đất, gỗ và đá. Đây đều là vật liệu được khai thác từ tự nhiên, có thể tái sử dụng. Mái nhà được lợp bằng rơm khô hoặc ngói Giwa với nhiều màu sắc, thường là xanh hoặc xám đậm. Bề mặt cửa sổ và cửa chính đều dán giấy Hanji, một loại giấy mờ được làm từ cây dâu tằm, có sơn phủ dầu để chống thấm nước, đồng thời cũng giúp cách nhiệt khi có ánh nắng chiếu vào.

Với phong cách thân thiện với thiên nhiên, nội thất trong các căn nhà Hanok cũng thiên về gam màu trung tính, cơ bản như trắng, vàng nhạt, xanh lơ, bạc, xám, nâu… nên rất dễ phối màu với các chất liệu nội thất khác trong nhà.

Hệ thống điều hòa nhiệt độ tự nhiên

Điểm đặc biệt ấn tượng của nhà Hanok là cách thiết kế linh hoạt, giúp điều hòa nhiệt độ trong phòng cho phù hợp với thời tiết nhờ vào hệ thống Maru và Ondol. Maru là các tấm lót sàn, được đặt cách mặt đất một khoảng nhất định, tạo khoảng không gian để không khí lưu thông, giúp cho nhà Hanok thoáng mát vào mùa hè.

Đến mùa đông, họ sử dụng hệ thống sưởi ấm Ondol, hiểu nôm na là “đá nung”. Đây là hệ thống kênh dẫn bên dưới sàn đá của một căn phòng được nối với lò sưởi trong nhà bếp. Vào mùa đông khi lò sưởi hoạt động, hơi nóng sẽ đi qua ống khói dưới từng phòng để truyền nhiệt đến các viên đá gắn trên sàn, hơi nóng tỏa ra khắp sàn nhà và cuối cùng thoát ra ngoài bằng ống khói. Do đó, khi ở trong một ngôi nhà Hanok, bạn sẽ luôn cảm thấy thoải mái khi thời tiết bên ngoài đang nóng hay lạnh.

Chính vì những thiết kế gần gũi, ôn hòa, tôn trọng thiên nhiên mà Hanok đã trở thành một nét đặc sắc trong kiến trúc truyền thống ở Hàn Quốc.

Đến Bukchon xinh đẹp

Giữa Seoul sôi động, ngôi làng 600 năm tuổi Bukchon hấp dẫn du khách bởi bầu không khí tĩnh lặng, cổ xưa và rất trong lành. Tôi đến đây khá sớm, khoảng 8:00 sáng nên suốt chặng đường đi hầu như chỉ thấy các căn nhà đóng cửa, đường xá sạch đẹp trong hơi lạnh của buổi đầu đông.

Quán cà phê với kiến trúc truyền thống.

Những ngôi nhà Hanok truyền thống nằm trong ngõ nhỏ quanh co, có hàng dây leo chằng chịt và dãy cây ngân hạnh đổ lá vàng óng. Đây quả thật là nơi cực kỳ thú vị để cảm nhận nét tĩnh lặng của quá khứ ngay bên cạnh sự sầm uất của phố hội.

Chỉ cần lang thang trải nghiệm trên các con phố ở làng Hanok Bukchon, bạn có thể sẽ mất cả ngày bởi nhiều góc máy đẹp mê hoặc. Các xưởng nghề thủ công truyền thống, phòng trà, bảo tàng thu nhỏ… nép mình trong những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, nơi mà du khách có thể khám phá văn hóa lâu đời của Hàn Quốc.

Bản đồ du lịch được gắn trên tường nhà.

Không chỉ có lối kiến trúc Hanok độc đáo và những con phố nhỏ lãng mạn, các trung tâm văn hóa, nhà hàng, quán cà phê, tiệm bánh… cũng mang vẻ đẹp rất riêng đầy thu hút. Một số ngôi nhà có gắn bản đồ du lịch trên tường nên du khách hoàn toàn có thể định vị mình đang đứng ở đâu giữa làng.

Đến Bukchon, du khách còn có thể thưởng thức hoàng hôn trên đỉnh Gahoe-dong, từ đây có thể ngắm nhìn thành phố Seoul hiện đại ở phía xa.

Lưu trú tại nhà truyền thống Hanok – Hanokstay

Một điểm đặc biệt nữa ở Bukchon là dịch vụ lưu trú tại chính các nhà Hanok. Đây là những ngôi nhà của tư nhân được xây dựng theo kiểu Hanok, có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, thậm chí còn được bảo vệ bằng Luật Bảo vệ tài sản văn hóa và Luật Bảo tồn công trình truyền thống của Hàn Quốc.

Những món quà lưu niệm mang đậm văn hóa Hàn Quốc như trang phục Hanbok, trống Jangu.

Du khách có thể trải nghiệm thực tế nét độc đáo đông ấm – hè mát, hòa nhập với thiên nhiên của nhà Hanok. Ngoài ra, loại hình Hanokstay còn thiết kế nhiều sản phẩm để du khách được hòa nhập vào văn hóa bản địa.

Những hình thức đơn giản như chế biến các món ăn Hàn Quốc như kim chi, kimbap, bibimpap; thử trang phục Hanbok truyền thống; đến các loại hình khó hơn như làm mặt nạ, quạt giấy, vẽ tranh dân gian, thưởng thức trà đạo…

Đa phần ở đây là các con phố nhỏ.

Hiện nay, loại hình du lịch cộng đồng để trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng mỗi vùng miền đang rất phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, việc khai thác nhà truyền thống của tư nhân vào lưu trú trong du lịch vần còn rất hạn chế; như các ngôi nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), phố cổ Hội An (Quảng Nam) chủ yếu dùng để kinh doanh nhà hàng, quán cà phê và tham quan. Những nơi khai thác nhà truyền thống chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Gác lại các nguyên nhân, phải thừa nhận rằng nếu không khai thác được những căn nhà truyền thống, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm và quảng bá văn hóa truyền thống của nước nhà.

Còn bạn, bạn đã sẵn sàng trải nghiệm những nét thi vị ở làng cổ Hanok Bukchon chưa?

Việt An

Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Quá tải du khách tại làng cổ nổi tiếng ở Seoul

0
(SGTT) - Chính phủ Hàn Quốc đã công bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo vệ làng cổ Bukchon Hanok...

Đảo Jeju xem xét áp dụng thuế du lịch

0
Jeju - hòn đảo du lịch nổi tiếng Hàn Quốc đang lên kế hoạch áp thuế du lịch sinh thái đối với du khách...

Hàn Quốc tiếp tục miễn visa cho khách Việt Nam đến...

0
Khách du lịch đi theo nhóm trên 5 người, đến từ Việt Nam, Philippines và Indonesia sẽ được tiếp tục miễn thị thực nhập...

Hàn Quốc sẽ miễn phí thị thực điện tử theo đoàn...

0
Chính phủ Hàn Quốc vừa thông báo sẽ mở rộng danh sách các quốc gia được miễn phí thị thực điện tử theo đoàn...

Ngắm Seoul thanh bình những ngày Thu

0
(SGTT) – Vào Thu, thành phố Seoul - thủ đô của Hàn Quốc khoác lên mình vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc lá vàng,...

Đến Hàn Quốc, ghé thăm làng dân gian Yangdong vào Thu

0
(SGTT) - Làng dân gian Yangdong thuộc thành phố Gyeongju, cố đô của Hàn Quốc. Ngôi làng cổ này được UNESCO công nhận là...

Kết nối