Những chuyển biến xã hội làm thay đổi hoạt động du lịch. Khái niệm mới về không gian du lịch ra đời đã đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia và doanh nghiệp trong việc làm sao để thu hút du khách và phát triển ngành du lịch phục vụ cho nền kinh tế nói chung.
- Khởi động ‘tuyến du lịch vàng’ giữa Việt Nam và Trung Quốc
- Sắp tổ chức ngày hội du lịch TPHCM, hàng loạt tour giảm giá chờ du khách
Đang sải bước chậm rãi trên lề đường Maxwell hướng về khu phố Tàu một chiều cuối năm 2022 Âm lịch, tôi chợt thấy trước tòa nhà Cục Quy hoạch đô thị Singapore (URA) có hai du khách nước ngoài đang thích thú chụp ảnh cùng một cây đàn piano.
Tôi mỉm cười chào bằng tiếng Anh và tiện thể hỏi họ có cần tôi cầm máy chụp cảnh có cả hai người không. Sau khi tôi chụp xong, đến lượt nam du khách da đen nói tôi đưa điện thoại để anh chụp cho một vài bức ảnh tương tự.
Tôi bước đến ngồi trước piano và phát hiện đây là một cây đàn thật; thùng đàn bằng gỗ được trang trí bằng hình ảnh những dòng kẻ nốt nhạc và một số nhạc cụ với màu sắc sặc sỡ. Tôi đặt hai tay lên bàn phím gõ vài nốt nhạc rồi tạo dáng chụp ảnh thì anh du khách thốt lên: “Ồ, anh biết chơi đàn hả?”. Anh nói sẽ chuyển sang chế độ video trên iPhone để quay clip sống động hơn.
Tôi nói mình chỉ biết đàn chút chút thôi nhưng cũng đánh nhanh vài giai điệu vì không muốn làm mất thời gian của anh. Tôi được biết họ là người Đức và đã đến Singapore nhiều lần.
Tòa nhà URA là một trong những điểm tham quan thu hút không những du khách nước ngoài mà còn cả người dân đảo Sư tử. Trang web của URA gọi khu vực này là Singapore City Gallery, nơi giới thiệu sự chuyển đổi mạnh mẽ của đảo quốc này trong năm mươi năm qua để trở thành một trong những thành phố đáng sống nhất ở châu Á.
Các gian triển lãm khác nhau chủ yếu xoáy vào câu chuyện phát triển của Singapore với những hình ảnh và hiện vật có tính tương tác và sống động trình bày chi tiết các giải pháp sáng tạo để giải quyết những thách thức trong quy hoạch của một đảo quốc bé nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên.
Theo công bố chính thức Tổng cục Du lịch Singapore (STB), trong năm 2022 vừa qua Singapore đã đón 6,3 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu ước tính lên đến 14 tỉ đô la Singapore (SGD). STB dự kiến con số này sẽ đạt 12-14 triệu trong năm 2023 với sự phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch vào năm 2024 và doanh thu cũng sẽ tăng khoảng 18-21 tỉ SGD.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho kết quả khả quan cùng kỳ vọng lạc quan này nhưng với góc nhìn chủ quan của tôi, du khách nước ngoài muốn đến Singapore và luôn mong muốn quay lại vì nơi đây có những không gian đáp ứng những nhu cầu đa dạng và riêng biệt của từng cá nhân cụ thể.
Và ngay bản thân tôi, dù không còn nhu cầu tham quan nơi mình đã sinh sống và làm việc từ hơn hai mươi năm qua hay chẳng còn mấy quan tâm khi tình cờ quay lại một nơi chốn nào đó nữa nhưng giờ đây lại đắm chìm vào những trải nghiệm thú vị với chiều kích và không gian mới…
Thuật ngữ mới: không gian du lịch
Trải nghiệm ngày cuối năm nói trên cũng giúp tôi tiếp cận một thuật ngữ mới là “không gian du lịch” từ một bài khảo luận của giáo sư người Ba Lan Marek Więckowski hiện đang làm việc Viện Địa lý và Tổ chức Không gian thuộc Học viện Khoa học Ba Lan.
Trong bài viết này, tác giả giới thiệu về khái niệm không gian du lịch vào thời điểm dòng người gia tăng hay thậm chí là sự dịch chuyển từ không gian của một “địa điểm” sang không gian của một “dòng chảy”.
Tác giả cũng dẫn lại định nghĩa của một số nhà nghiên cứu khác theo đó du lịch có tác động quan trọng đến sự phát triển của không gian mà con người đang sinh sống và không gian du lịch có thể được xác định ở bất cứ nơi nào nó xuất hiện và chính con người tạo ra không gian với các ý nghĩa và các yếu tố đặc thù của nó.
Nhưng để hiểu không gian du lịch, chúng ta cũng phải hiểu về khái niệm “không gian xã hội” là tập hợp các yếu tố được lấy từ nhiều không gian khác như địa hình, sinh học, kinh tế, nhân khẩu học, văn hóa và chủng tộc hay bao gồm các cảm xúc và ý tưởng tưởng tượng của các cá nhân về biểu tượng không gian bao quanh chúng và các mối quan hệ mà nó gợi lên. Nói ngắn gọn, không gian du lịch trước hết là một bộ phận của không gian địa lý và không gian kinh tế xã hội nơi diễn ra các hiện tượng du lịch.
Giáo sư Więckowski cho biết mặc dù không giải thích “hiện tượng du lịch” thực sự là gì và cách hiểu về khái niệm này ngày càng trở nên trực quan nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng không gian du lịch là một không gian con của không gian địa lý chung, tức là được tạo thành từ các thành phần tự nhiên và xã hội.
Một khái niệm bao quát, gồm tất cả các biểu hiện của du lịch xảy ra trong một khu vực nhất định, không gian du lịch có thể được xác định trên cơ sở đặc điểm du lịch và có thể hiểu là khu vực tạo ra, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tùy thuộc vào cách sử dụng, nó có thể được chia thành không gian đích (tiếp nhận), không gian chuyển tiếp, không gian theo mùa, không gian hàng năm và không gian chuyên biệt hoặc đa chức năng.
Một số nhà nghiên cứu cũng sử dụng tiêu chí chức năng tức là mỗi khu vực nơi các chức năng du lịch phát triển hoặc tồn tại các biểu hiện khác của du lịch là không gian du lịch.
Như vậy, theo Giáo sư Marek Więckowski, với chiều kích không gian rõ ràng và giống như nhiều ngành nghề kinh tế khác, du lịch có xu hướng chọn những vị trí tốt nhất, tập trung mạnh mẽ và rất đa dạng về phương thức hoạt động.
Như trong bất kỳ lĩnh vực nào, du lịch cũng sử dụng các yếu tố như môi trường tự nhiên, đầu tư, di sản lịch sử, góp phần chuyển đổi các yếu tố hiện có và tạo ra những yếu tố mới. Du lịch được hình thành bởi một số khía cạnh, bao gồm các quyết định của du khách về địa điểm, điểm đến, thời gian lưu trú và các lựa chọn tự nguyện.
Những nhận định này của tác giả cũng tương đồng với những đúc kết của hầu hết các chuyên gia, nhà nghiên cứu hay bất cứ doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong ngành du lịch như trình bày trong hình 1.
Tuy nhiên, những yếu tố trên đang tiếp tục thay đổi. Du khách ngày nay không còn thụ động nữa mà ngày càng muốn được phục vụ và thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, động cơ và sở thích cụ thể trong các trải nghiệm và thời gian giải trí.
Như vậy, những lĩnh vực kém tiềm năng, không đổi mới thì mất khách, còn nơi nào phát triển năng động, bắt kịp xu hướng thì thu hút du khách. Hiện nay, do tác động của xã hội và kinh tế thay đổi, một mô hình du lịch tích cực và cá nhân hóa có khuynh hướng chiếm ưu thế trong các xã hội hậu công nghiệp.
Bốn chiều kích của không gian du lịch
Theo nhiều nhà nghiên cứu, mô hình của kỷ nguyên hậu công nghiệp đã, đang và sẽ hướng tới ý nghĩa, sự mới lạ và bản sắc. Mô hình theo bốn chữ A đầu trong tiếng Anh là Attractions – Điểm tham quan, Accommodation – Tiện nghi, Accoomodation – Nơi lưu trú và Access – Khả năng tiếp cận đã chiếm ưu thế. Trong khi đó, mô hình du lịch 3S (Sun – Mặt trời, Sea – Biển và Sand – Cát) đã suy giảm và thay thế bằng mô hình 3E (Entertainment – Giải trí, Excitement – Phấn khích và Education – Giáo dục).
Những thay đổi này không đột ngột và không xảy ra ở cùng một mức độ trong tất cả các quốc gia hoặc trong toàn bộ xã hội trong một quốc gia. Tuy nhiên, chúng để lại hậu quả đối với các khu vực tiếp nhận khách du lịch.
Điều quan trọng nhất trong du lịch truyền thống là các yếu tố tự nhiên và văn hóa (cũng như cơ sở hạ tầng du lịch) thì hiện nay, các yếu tố không mang tính đặc trưng của du lịch truyền thống đang ngày càng được coi trọng. Nói đơn giản, chúng có thể được xác định bởi khía cạnh phi vật chất như tham dự một sự kiện, tham gia đời sống cộng đồng, thích thú với bầu không khí của một địa điểm.
Sau khi phân tích và thảo luận các định nghĩa khác nhau của các nhà nghiên cứu, Giáo sư Więckowski đúc kết khái niệm về không gian du lịch với bốn yếu tố, gồm không gian vật lý, không gian cho người sử dụng, không gian nhận thức và không gian chức năng.
Tuy nhiên, Giáo sư Więckowski cũng lưu ý điều quan trọng khi xác định không gian du lịch là sự tách biệt của nó với không gian phi du lịch – nơi mà du khách không quan tâm do không thể tiếp cận được. Tuy nhiên, bản thân hoạt động du lịch dường như chưa phải là điều kiện đủ để không gian du lịch được phân định.
Hiện nay, ngay cả khi diễn ra lẻ tẻ, hoạt động du lịch vẫn tồn tại với các mức độ và cường độ khác nhau gần như ở khắp mọi nơi. Sẽ rất khó để tìm được một địa điểm du lịch được hiểu là một địa điểm hoặc khu vực mà chưa có du khách nào đặt chân tới.
Do đó, điều quan trọng là phải xác định xem một hoạt động nhất định có liên quan đến du lịch hay có một số hoạt động khác hay không, tính chất và tính thời vụ của nó là gì. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu một khu vực có thể được coi là không gian du lịch vào những thời điểm không có du khách du lịch ở đó như trái mùa chẳng hạn.
Du khách góp phần định hình không gian du lịch
Giáo sư Marek Więckowski cho rằng du lịch sẽ phát triển ở những nơi có điểm hấp dẫn và nơi khách du lịch có thể đến hoặc có thể muốn đến. Các khu vực diễn ra hoạt động du lịch và các cơ sở du lịch được phát triển đều có chức năng du lịch.
Hoạt động của không gian du lịch không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của nó và lời đề nghị hay chào mời được chuẩn bị sẵn mà còn dựa vào chính du khách – những người sử dụng không gian theo cách riêng của bản thân với nhu cầu và khả năng sử dụng thời gian nhàn rỗi.
Những chuyển biến xã hội làm thay đổi không gian du lịch và còn rất nhiều câu hỏi ngày càng khó trả lời. Làm thế nào người ta có thể xác định các không gian đa chức năng độc đáo trong hoạt động du lịch? Sự hiện diện của du khách với tư cách là người sử dụng chính của không gian du lịch có phải là yếu tố đủ để phân biệt không gian đó với các loại khác như không gian phi du lịch? Sự có mặt của du khách trong không gian du lịch nên được xác định như thế nào với các yếu tố như thời gian lưu trú tạm thời hoặc theo mùa?
Theo giáo sư Więckowski, những thay đổi tiếp theo trong cách thế giới vận hành sẽ tạo ra những nhu cầu mới về xác định không gian du lịch. Ngày nay con người chúng ta xử lý không gian tưởng tượng chồng lên không gian vật lý, thậm chí đến mức xóa bỏ nó. Không gian du lịch sẽ không chỉ là một loại không gian trong đó du khách cảm thấy mình đang hiện hữu ở trong hai hoặc ba các địa điểm thực tế cùng một lúc mà còn bao gồm gồm trí tưởng tượng ảo và lướt web.
Không gian du lịch không chỉ là một phần của bề mặt trái đất có chức năng du lịch mà còn là một mạng lưới phức tạp của các yếu tố như sự hiện diện của du khách, cơ sở hạ tầng họ sử dụng, địa điểm viếng đến thăm, cách thức “đánh dấu” những địa điểm đó và dịch vụ du lịch của nhà cung cấp dịch vụ, chủ sở hữu, người quản lý và người sáng tạo mà còn là một mạng lưới những ý tưởng, sự tưởng tượng và trải nghiệm.
Còn với cảm nhận của riêng tôi, thách thức của các quốc gia và doanh nghiệp trong việc thu hút du khách và phát triển ngành du lịch phục vụ cho nền kinh tế nói chung sẽ là làm sao nắm bắt, mở rộng, sáng tạo và khai thác không gian du lịch trong một thế giới vận động linh hoạt, thay đổi cũng những khái niệm ngày càng khó nắm bắt và khó định nghĩa này.
Lê Hữu Huy
Theo KTSG Online