Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Khoai lang đi Trung Quốc khó ‘đột phá’ trong năm 2023

Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với khoai lang Việt Nam đang rất lớn. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra cho thấy, xuất khẩu khoai lang khó tạo “đột phá”, ít nhất từ đây cho tới cuối năm.

Ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Thanh Ngọc bên ruộng khoai lang đã xuống giống được hơn 1 tháng. Ảnh: Trung Chánh

28 tấn khoai lang từ vùng chuyên canh lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND địa phương này và doanh nghiệp xuất khẩu là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Song Toàn Phát xuất bán chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là tín hiệu được cho rằng sẽ mở ra cơ hội mới cho loại nông sản này của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Thị trường “tỉ dân” có nhu cầu cao về khoai lang

Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết vùng chuyên canh khoai lang của địa phương là huyện Bình Tân có diện tích trồng lớn nhất ĐBSCL, đạt hơn 10.000 héc ta, với sản lượng trung bình trên 300.000 tấn mỗi năm.

Theo ông Liệt, việc xuất khẩu chính ngạch giúp nông dân trồng khoai lang của địa phương đang từng bước thay đổi phương thức sản xuất, từ canh tác truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; ghi chép sổ tay nhật ký đồng ruộng; canh tác đảm bảo thời gian cách ly; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn nhằm đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Qua đó, giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Theo ông, việc thực hiện Nghị định thư quy định về kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là một trong những điều kiện để sản phẩm này của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. “Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng khoai lang của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ”, ông nói.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá khoai lang là loại nông sản có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Trung Quốc nên từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao đơn vị này đàm phán mở cửa.

“Sau nhiều lần đàm phán, đến giữa tháng 11 năm ngoái, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra online đối với 3 mã số vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói khoai lang của Việt Nam”, ông cho biết. Đến ngày 9-11 năm ngoái, Trung Quốc đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, tức mặt hàng này của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Trao đổi với KTSG Online, ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã khoai lang Thanh Ngọc (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), đơn vị đã cung cấp khoai lang để xuất khẩu chuyến hàng chính ngạch đầu tiên vào Trung Quốc, cho biết nhu cầu của khách hàng hiện khá lớn khi mỗi ngày có khoảng 7-15 khách gọi điện hỏi mua khoai lang.

Theo ông Luận, đơn hàng đầu tiên được ông cung cấp cho đơn vị xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc có giá 25.000 đồng/kg, tức đạt mức giá 1,5 triệu đồng/tạ. Trong khi đó, giá mua tại ruộng (mua xô) hiện tại khoảng 800.000 đồng/tạ đối với khoai lang tím Nhật.

Ông Luận tính toán, hiện chi phí đầu tư mỗi công (1.000 m2) khoai lang khoảng 30 triệu đồng (bao gồm cả tiền thuê đất). Như vậy, với năng suất  đạt khoảng 3 tấn/công, sau khi cân đối giữa giá bán với chi phí đầu tư, nông dân trồng khoai lang (ruộng có mã số vùng trồng- PV) đạt mức lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/công. “Còn đối với những ruộng khoai chưa có mã số vùng trồng, tiêu thụ nội địa có giá bán thấp hơn, khoảng 700.000 đồng/tạ nên lợi nhuận cũng thấp hơn”, ông nói.

Có nhiều cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ, nhưng ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng, do đây mới là chuyến hàng chính ngạch đầu tiên, cho nên, để khoai lang của Vĩnh Long tiếp tục được liên kết tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc, cũng như các thị trường khác, thì vẫn còn nhiều việc phải làm. “Tôi đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cũng như tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện”, ông gợi ý.

Vùng chuyên canh khoai lang của huyện Bình Tân đã bị “da beo” do nông dân chuyển sang cây ăn trái, rau màu. Ảnh: Trung Chánh

Khó “đột phá” trong năm 2023

Thị trường có nhu cầu cao, nông dân cũng đang có lãi khá, nhưng rất khó có khả năng để xuất khẩu khoai lang có sự đột phá, ít nhất từ nay đến cuối năm 2023. “Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu khoai lang chắc chắn sẽ không có đột phát nào vì không có khoai để xuất bán”, ông Luận nhận định.

Theo ông, ở thời điểm hiện tại, sau khi lô khoai lang đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, vẫn có rất ít nông dân mở mới diện tích trồng. “Bởi, nếu có trồng mới thì thị trường mua bán giống đã sôi động rồi, còn đằng này cũng gần như “đóng băng””, ông nói.

Ông Luận dẫn báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho thấy, trước đây diện tích sản xuất khoai lang của địa phương có thể đạt đến 12.700 héc ta, nhưng diện tích hiện tại chưa đến 1.000 héc ta, thậm chí trường hợp “thuận lợi”, tức giá bán tăng cao thì diện tích có khả năng “quay trở lại” khoai lang của Bình Tân cũng chỉ khoảng 7.000-7.500 héc ta. “Sau khoảng 4 năm thua lỗ (từ năm 2019), bây giờ nông dân bỏ khoai chuyển sang trồng trồng mít, sầu riêng hết rồi”, ông nói.

Ông Nguyễn Tấn Tính, ngụ ấp Thành Khương, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, một hộ dân trồng khoai lang, cũng cho rằng, do nhiều năm thua lỗ nên nông dân đã từ bỏ cây khoai lang để chuyển sang sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái. “Đầu tư bỏ vốn ra khoảng 30 triệu đồng/công, trong khi bán chỉ 4-5 triệu đồng, tức chỉ đủ tiền thu hoạch nên bắt buộc người dân phải chuyển hướng kinh tế khác”, ông giải thích và cho rằng, hiện đã có một số hộ quay trở lại cây khoai, nhưng diện tích còn rất ít.

Theo ghi nhận thực tế của KTSG Online, hiện vùng chuyên canh khoai lang ở các xã Tân Thành, Thành Lợi, Thành Trung đã bị “da beo” do người dân chuyển sang các loại cây trồng khác sau nhiều năm gánh chịu thua lỗ, như sản xuất lúa, trồng đậu bắp, rau ăn lá, sầu riêng, mít…

Thông tin cung cấp đến KTSG Online của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho thấy, diện tích khoai lang đã xuống giống của địa phương hiện chỉ đạt khoảng gần 658 héc ta, trong đó, có 405 héc ta diện tích sản xuất giống khoai tím Nhật; diện tích đã thu hoạch đạt 49 héc ta, trong đó chỉ có 5 héc ta diện tích khoai lang tím Nhật.

Về việc cấp mã số vùng trồng, hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân đã nộp 30 hồ sơ xin cấp mã số, trong đó, có 27 hồ sơ đã được thông qua với diện tích 583,96 héc ta. Trong khi đó, tính chung cả nước, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện có 70 mã số vùng trồng và 13 mã số cơ sở đóng gói đã được Tổng cục hải quan Trung Quốc phê duyệt cấp phép.

Rõ ràng, dù thị trường đang có nhiều tín hiệu tốt, nhưng với diện tích quay lại cây khoai lang như hiện nay thì từ nay đến cuối năm rất khó để có đột phát nào về xuất khẩu loại nông sản này như kỳ vọng của một số nhà chuyên môn.

Trung Chánh

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối