Việc cung ứng hàng hóa trên thị trường hiện nay thường tập trung khái niệm hàng thiết yếu vào các mặt hàng như thực phẩm, y tế… để đảm bảo an sinh cho người dân trong giai đoạn giãn cách. Tuy nhiên việc liên tục kéo dài giãn cách khiến cho các sản phẩm không thiết yếu như điện máy, đồ gia dụng phục vụ công việc, sinh hoạt và học tập trở nên cấp thiết.
- Từ 30-8, shipper được hoạt động trong “vùng đỏ” tại TPHCM
- Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Năm học mới đã cận kề, chị Hải Yến (Gò Vấp) đang tất tả tìm mua dụng cụ học tập và chuẩn bị các thiết bị điện tử cần thiết để con bắt đầu học online. Tuy nhiên trong bối cảnh giãn cách xã hội được siết chặt như hiện nay việc chuẩn bị các dụng cụ này đang rất khó khăn. Dù đã chuẩn bị đặt hàng từ trước nhưng các nhà sách cũng chỉ xác nhận xử lý đơn hàng chứ chưa có ngày giao hàng cụ thể.
Trong khi đó, các cửa hàng, siêu thị điện máy gần như không hoạt động khiến cho việc mua điện thoại thông minh hay máy tính là không thể trong thời điểm này. Đây là những công việc được lập kế hoạch từ trước nhưng việc thực hiện rất khó khăn thì những sự cố hư hỏng bất ngờ với các thiết bị gia dụng trong nhà lại càng gây thêm rắc rối. Có thể thấy sau một thời gian giãn cách thì các mặt hàng bị hạn chế kinh doanh vì không thiết yếu lại ngày một trở nên cần thiết.
Khó với ranh giới sản phẩm thiết yếu
Chị Hải Yến có con trai chuẩn bị bước vào lớp 1 cho rằng nhà trường đã thông báo ngày 6-9 tới đây sẽ bắt đầu tổ chức học online cho học sinh. Tuy nhiên vì tình hình giãn cách gần 3 tháng qua chị vẫn chưa thể chuẩn bị đầy đủ dụng cụ và phương tiện để cho con vào năm học mới.
“Hiện nay nhà có một máy tính cũ được sinh viên trong xóm trọ cho để bé học online nay bị hư hỏng và cần phải sửa để sử dụng. Tuy nhiên hiện nay hầu như không cửa hàng nào có thể hỗ trợ sửa chữa, ngay cả việc tìm mua máy mới cũng không được vì nơi bán không thể giao hàng. Nếu không thể xoay xở trong thời gian tới có thể sẽ hạn chế công việc trên điện thoại cá nhân và ưu tiên cho con học”, chị Yến cho hay.
Việc học online đã được dự tính từ trước nhưng bối cảnh hiện tại đã khiến rất nhiều gia đình có con nhỏ rơi vào tình thế bị động. Tuy nhiên đó chỉ là một khía cạnh trong câu chuyện phân định hàng thiết yếu hiện tại. Bởi không vì chuyện học hành thì cũng có nhiều gia đình gặp vấn đề rắc rối liên quan đến các sản phẩm không được ưu tiên kinh doanh trong thời gian này.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, người dân TPHCM chuyển sang làm việc và sinh hoạt tại nhà toàn thời gian. Điều này khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị như điều hòa, quạt, máy tính, laptop, tivi… tăng đáng kể. Vì vậy rủi ro hư hỏng các thiết bị gia dụng là điều có thể xảy ra.
Như trường hợp của chị Phương Loan (TP Thủ Đức) cho biết hệ thống máy lạnh nhà chị bị hư, nhà có con nhỏ nên buổi đêm rất khó để ngủ vì thời tiết mùa này tương đối nóng. Sản phẩm không thể bảo hành trong thời điểm này, trong khi đó kỹ thuật của chung cư hỗ trợ cũng không giải quyết được dứt điểm vì thiếu dụng cụ.
“Vấn đề của tôi không quá lớn vì vẫn có phương án khác thay thế, tuy nhiên từ sự cố này tôi thử đặt vấn đề nếu như tủ lạnh của nhà mình gặp vấn đề thì sao? Trong giai đoạn giãn cách hiện nay việc dự trữ thực phẩm cho 1 – 2 tuần là điều gần như bắt buộc bởi rất khó để đi chợ. Tủ lạnh là sản phẩm điện máy (danh mục không ưu tiên) nhưng bảo quản những phẩm cực kỳ thiết yếu. Nếu trường hợp rủi ro bất ngờ thì rất khó để xử lý và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống”, chị Loan bày tỏ.
Vào tuần trước, câu chuyện một shipper không thể giao gas cho khách hàng vì không có giấy đi đường là một vì dụ rõ nhất cho những sự cố có thể gặp phải trong giai đoạn giãn cách xã hội. Hiện nay, việc giao gas đã được nới lỏng dựa trên thực tế khi mà người dân có nhu cầu đổi gas tăng lên. Tuy nhiên sự việc cũng cho thấy ranh giới giữa quy đinh hàng thiết yếu và không thiết yếu trong bối cảnh hiện nay đang rất mong manh và ngày một chuyển hóa khi phải ở nhà quá lâu.
Doanh nghiệp bán hàng cũng khó hỗ trợ
Trước tình hình cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến khó lường, từ 23-8 đến hết 6-9, TPHCM thực hiện Chỉ thị 11 về tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Theo đó, từ 0:00 ngày 25-8, người dân trong 17 nhóm tại Công văn 2800 của UBND TPHCM được phép di chuyển phải có giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp. Trong 17 nhóm này không có các trường hợp nhân viên giao hàng và bảo trì các thiết bị điện tử, điện lạnh, điện gia dụng.
Tuy nhiên trong thời gian dịch bệnh bùng phát, các sản phẩm công nghệ, thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính cá nhân trở thành công cụ quan trong sinh hoạt, liên lạc và làm việc. Các sản phẩm này chủ yếu phục vụ các nhu cầu như học trực tuyến, làm việc tại nhà hay cập nhật tin tức.
Theo đại diện hệ thống bán lẻ Điện Máy Xanh, hiện nay các hoạt động bán hàng và giao hàng tại TPHCM đều đang phải tạm ngừng. Ngoài ra, dịch vụ bảo hành sản phẩm mua từ các cửa hàng trên hệ thống cũng buộc phải dừng hoạt động.
Mặc dù các thiết bị điện lạnh như tủ lạnh, máy lạnh, quạt… đều là những đồ dùng quan trọng trong sinh hoạt của người dân thành phố trong giai đoạn này, thậm chí nhu cầu sử dụng cao hơn thời điểm thông thường, nhưng hệ thống vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Đối với những khách hàng đã đặt hàng trước thời điểm giãn cách nhưng chưa thể giao hàng, tùy theo nguyện vọng, người mua hàng có thể liên hệ với hệ thống để được hoàn tiền hoặc đợi giao hàng khi hết giãn cách xã hội. Còn bảo hành, sửa chữa cho khách hàng cũ là tương đối khó trong bối cảnh này”, đại diện Điện Máy Xanh nói
Đồng quan điểm, đại diện Điên máy Chợ Lớn cho biết nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử đang rất nhiều trong giai đoạn này bởi các yêu cầu bắt buộc trong công việc hay nhu cầu sinh hoạt. Nhiều doanh nghiệp cũng thấy cơ hội tăng doanh thu trôi qua trước mắt hay cơ hội chăm sóc, mở rộng khách hàng cũng bị bỏ qua.
Nếu như trước tháng 7 doanh nghiệp vẫn có thể triển khai bán online để bù đắp cho cửa hàng truyền thống. Nhưng việc siết chặt Chỉ thị 16 từ tháng 7 dẫn đến việc bán hàng online cũng khó thực hiện nên doanh nghiệp gần như bị bị động ảnh hưởng lớn đến đến khách hàng và tình hình kinh doanh tháng 7-8 của doanh nghiệp.
Trong báo cáo về ngành hàng mới đây, Công ty chứng khoán VDSC cho biết niềm tin tiêu dùng và thu nhập bị ảnh hưởng sẽ khiến sự phục hồi này diễn ra không đồng đều giữa các nhóm hàng tiêu dùng. Những doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu có thể sẽ phải tung rất nhiều đợt khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng. Hy vọng sức nén của chiếc lò xo sẽ bật lên sau khi dịch bệnh được kiểm soát bởi nhu cầu chi tiêu bị dồn nén trong suốt thời gian giãn cách sẽ bung.
V.Dũng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online