Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Khó giải bài toán đưa bác sĩ về phường

BÌNH AN – 

Ngành y tế đã thực hiện nhiều đề án đưa bác sĩ tuyến trên về cơ sở y tế tuyến dưới để chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn. Tuy nhiên, sau khi bác sĩ tuyến trên rút đi thì trạm y tế vẫn quay về trạng thái như cũ. Bệnh viện tuyến trên vẫn tiếp tục quá tải.

Trạm y tế thiếu nhiều mặt

bs-ve-phuongBác sĩ đang khám cho bệnh nhi theo chế độ BHYT ở trạm y tế phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết từ nay đến năm 2018 sẽ đưa khoảng 1.000 bác sĩ ở các bệnh viện quận, huyện về các trạm y tế phường, xã. Các cơ sở này ban đầu sẽ khám, điều trị những bệnh loại nhẹ, thông thường, sau đó từng bước tiến tới khám, điều trị bệnh lý chuyên khoa. Đến năm 2020 ngành y tế thành phố sẽ cố gắng đưa 2.000 bác sĩ về tuyến dưới.

Nhưng theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, việc đưa bác sĩ về tuyến dưới rồi rút đi chưa thực sự tạo ra sự thay đổi đáng kể ở các trạm y tế phường.

Bà Huyền cho biết, năm 2014 TPHCM đã áp dụng chương trình thí điểm đưa bác sĩ Bệnh viện quận Bình Thạnh xuống khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) ở ba phường. Kết quả, mấy tháng đầu, bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện quận xuống trạm y tế phường khoảng 30-40 người/tháng, nhưng những tháng sau con số này chỉ còn 5-6 người.

Cơ quan BHXH TPHCM cho biết, cơ quan này đã thẩm định 121 trạm y tế của 23 quận, huyện đủ điều kiện khám theo BHYT. Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng đã cấp khoảng hơn 20.000 thẻ BHYT cho người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân đến khám vẫn rất ít, chủ yếu ở một số trạm y tế vùng ngoại thành do đặc thù xa bệnh viện.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, đến cuối năm 2015, thành phố có tổng cộng 319 trạm y tế, cơ sở hạ tầng đều xuống cấp, chật hẹp, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Mặc dù có đến 319 trạm y tế nhưng chỉ có 130 máy siêu âm, 286 máy đo điện tâm đồ, 97 máy xét nghiệm và 6 máy chụp X-quang. Trong khi đó, có 45 trạm y tế chưa có bác sĩ cơ hữu, các trạm còn lại chỉ có một bác sĩ là trưởng trạm.

Sở Y tế cho biết, mỗi năm ngành y tế thành phố vẫn phân bổ khoảng 30 tỉ đồng vốn sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế, chưa kể chính quyền các quận, huyện cũng có nguồn vốn đầu tư cho trạm y tế. Thế nhưng, nguồn ngân sách này vẫn chưa đủ, ngoài ra phần lớn trạm y tế còn thiếu cả nhân lực chuyên môn, cơ chế đãi ngộ hạn hẹp nên chưa tạo được sức hút cho trạm y tế.

Khó khả thi

Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp, cho rằng việc đưa bác sĩ quận, huyện xuống trạm y tế phường, xã là khó khả thi về lâu dài.

Ông Hòa cho rằng, một cơ sở y tế muốn phát triển phải đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, có bảo hiểm y tế. Trong khi đó, hiện nay trạm y tế chỉ mới có máy đo huyết áp, ống nghe, điện tim, sơ cấp cứu, thuốc thì không đủ cho các loại bệnh khác nhau.

“Việc cải tổ phải đi từ vấn đề căn cơ nhất, chứ không phải đưa bác sĩ xuống là xong. Nhà nước phải xem mô hình đó sẽ làm được gì và có bền vững không. Nếu chỉ dừng ở việc lâu lâu tăng cường bác sĩ về trạm y tế rồi rút đi thì không giải quyết được gì”, ông Hòa nói.

Điều quan trọng hơn là từ trước đến nay Trung tâm Y tế dự phòng không có chức năng khám chữa bệnh, nhưng trạm y tế lại trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng. Vì vậy, khi triển khai khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế thì phải thông qua bệnh viện quận để ký hợp đồng với BHXH thành phố, khiến cho quy trình kéo dài, gây ảnh hưởng đến người dân.

Việc “chuyển giao công nghệ” của bác sĩ tuyến trên cho tuyến dưới chỉ thực hiện được khi có nguồn nhân lực tiếp nhận, nhưng hiện nay nhiều trạm y tế không có bác sĩ thì việc chuyển giao rất khó thực hiện.

Theo Sở Y tế TPHCM, việc khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở tuyến y tế phường xã là chủ trương giúp giảm tải cho các bệnh viện quận, huyện và tuyến trên. Mặt khác, hoạt động của tuyến cơ sở này sẽ gắn kết với mô hình bác sĩ gia đình giúp người dân không cần phải đi xa và chờ đợi lâu để được khám bệnh. Mục tiêu là vậy nhưng thực tế cho thấy các trạm y tế hiện chưa tạo được niềm tin về chất lượng khám chữa bệnh đối với người dân.

Người dân hiện nay chủ yếu vẫn đến bệnh viện lớn, nơi có trang thiết bị hiện đại, nhiều bác sĩ. Để thay đổi cách nhìn của người dân về trạm y tế, theo các bác sĩ, cần đầu tư nhiều hơn cho trạm y tế chứ không dừng lại ở các hoạt động chuyển giao chuyên môn. Việc đầu tư cho trạm y tế bao gồm việc tuyển thêm bác sĩ cho trạm, bổ sung trang thiết bị cần thiết, bên cạnh đó là thông tin đến người dân về những thuận lợi khi khám ở trạm y tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối