(SGTT)- Trong khi TPHCM đang lên kế hoạch giảm ùn tắc giao thông bằng cách hạn chế số lượng xe máy, những người như anh Hùng, chị Phượng đã làm quen với việc đạp xe đến công sở từ hơn 2 năm nay.
Trong nỗ lực muốn tận dụng tối đa thời gian vốn có mỗi ngày, anh Lương Quang Hùng, 54 tuổi, chuyên gia của một tập đoàn đa quốc gia đã bắt đầu đạp xe đi làm kể từ ngày 8-3-2020. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh.
Trước đây, khi văn phòng còn ở quận 7, đều đặn, mỗi ngày anh thức dậy tầm 5:30 cho chặng đạp 17km đến văn phòng công ty. Tuy nhiên, nhận thấy sức khỏe vô cùng quan trọng, 17km là “không đủ đô” với người đàn ông này nên anh quyết định đạp theo một lộ trình khác từ nhà ở Thủ Đức xuyên qua Bình Thạnh, quận 1, quận 4 đến đại lộ Nguyễn Văn Linh ở quận 7 rồi quận 8 và Bình Chánh về phía Long An rồi mới quay ngược đến văn phòng với cung đường 40km.
Theo đó, anh vệ sinh và thay quần áo, ăn sáng và làm việc sớm hơn đồng nghiệp. Giờ làm việc tại công ty anh khá linh động, bắt đầu từ 7 đến 9:00 sáng nên khá thuận lợi cho thói quen mới mà anh đang thiết lập. Do bắt đầu làm việc sớm mỗi ngày nên anh cũng về nhà sớm hơn mọi người để tránh giờ cao điểm vốn luôn xảy ra kẹt xe và không khí bị ô nhiễm bởi khói xe và bụi đường.
Hiện tại văn phòng công ty chuyển sang khu Sala, Thủ Thiêm chỉ còn khoảng 10km. Đấy là một tòa nhà văn phòng cao cấp, việc mặc trang phục đạp xe vào tòa nhà của anh và các đồng nghiệp đạp xe đạp khác bị bảo vệ ngăn trở. Tuy vậy, đó không phải trở ngại của người đàn ông 54 tuổi này.
Để đối phó với trở ngại này, anh chọn giải pháp thức dậy chạy bộ khoảng 5-10km lúc 4:30 cho đến khi mồ hôi ướt đẫm, sau đó về nhà tắm rửa rồi mới đạp xe đi làm. Ở văn phòng, anh chỉ cần vào nhà vệ sinh, dùng khăn ướt lau sạch mồ hôi rồi thay áo quần công sở để làm việc mà không sợ gây mùi. Anh Hùng chia sẻ, không có gì có thể ngăn cản được anh ấy ngừng đạp bởi nếu muốn, bạn sẽ tìm cách, còn nếu không muốn bạn sẽ tìm lý do.
Đối với những người làm việc văn phòng, thể thao nói chung và đạp xe đi làm nói riêng giúp anh bắt đầu một ngày làm việc mới tràn đầy năng lượng. Anh khẳng định bằng việc đạp xe hoặc chơi thể thao, bạn có thể duy trì sự tỉnh táo đầu óc trong vòng 8 – 10 giờ làm việc liên tục. Anh tự kiểm chứng việc này bằng việc dùng xe máy đến công ty trong vòng 2 tuần và dừng việc vận động như chạy bộ hoặc xe đạp. Nửa tuần đầu tiên anh không nhận thấy vấn đề gì nghiêm trọng nhưng quãng thời gian sau đó luôn xuất hiện các cảm giác trì trệ, đầu óc như bị treo vào lúc 15:00 trở đi.
Theo anh, việc duy trì các hoạt động thể thao hoặc thói quen đạp xe mỗi ngày sẽ là cách phòng tránh tình trạng bị trầm cảm cho dân văn phòng rất hiệu quả. Đó là do khi tập thể dục, cơ thể sẽ sản sinh nội tiết tố (hormon) endorphin. Những endorphin này tương tác với các thụ thể trong não giúp làm giảm cảm giác đau, tác dụng tương tự như thuốc giảm đau và thuốc an thần. Ngoài ra, nó cũng giúp kích hoạt cảm giác tích cực trong cơ thể, tương tự như morphin. Đó là lý giải tại sao sau khi tập thể dục, cơ thể có cảm giác hưng phấn và tràn đầy năng lượng.
Là một người rất bận rộn, anh Hùng luôn tìm cách làm thế nào để có thể làm được nhiều việc nhất có thể với quãng thời gian ít nhất (more from less). Và việc đạp xe đi làm giúp anh Hùng thực hiện được điều đó khi có thể tiết kiệm được 2/3 thời gian thông qua kết hợp cả 3 hoạt động cùng một lúc: đi làm, chơi thể thao và tập trung điều hòa nhịp thở theo nguyên tắc khí công. Với anh, đây là một hình thức “yoga động”, giúp anh giảm bớt những áp lực trong công việc và cuộc sống.
Nhờ tìm ra cho mình những giải pháp mang đến lối sống lành mạnh, cho đến tận bây giờ anh không phải sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và hầu như không bị đau ốm. Anh luôn thôi thúc mình phải kiên trì với lối sống lành mạnh để bản thân khỏe hơn về thể chất, minh mẫn hơn về tinh thần và tốt hơn về hiệu quả công việc. Anh luôn tâm đắc câu nói của Benjamin Franklin: “chỉ khi người giàu ốm, họ mới hiểu sự bất lực của giàu sang”.
Cũng tương tự anh Quang Hùng, chị Trần Thị Minh Phượng, sinh năm 1982, Phó trưởng Phòng phòng giao dịch Tôn Đức Thắng chi nhánh TP HCM, quận 1, của ngân hàng Vietcombank, trở thành một ‘hiện tượng’ của công ty khi hơn 1.000 nhân viên Vietcombank chọn xe máy để đi làm thì chị trung thành với chiếc xe đạp.
Từ tháng 12-2019, mỗi ngày chị tranh thủ đạp xe tầm 12km từ cầu Nguyễn Văn Cừ, quận 5 qua đại lộ Võ Văn Kiệt để đến ngân hàng. Đấy là những buổi sáng thong thả. Nếu bận rộn, chị đạp từ nhà vòng qua quận 7 rồi đến ngân hàng ở quận 1 với chặng đạp tầm 7km hoặc có khi đạp vòng sang cầu Thủ Thiêm, quận 2 để đến chỗ làm. Người phụ nữ này còn rất năng động khi tham gia tour xe đạp vào cuối tuần hoặc ngày lễ.
Gia đình và đồng nghiệp ai nấy đều ủng hộ việc đạp xe đi làm của chị. Nói về điều này, chị Phượng cho biết rất mong muốn có một ‘đồng đạp’ cùng chỗ làm mà hiện tại chưa có ai.
“Nếu ai cũng đạp xe đến công sở như tôi thì thành phố sẽ hạn chế bớt ô nhiễm khói thải từ các xe máy. Tôi biết điều này rất khó cho số đông nhưng nếu bạn muốn có một ngày làm việc đầy năng lượng thì hãy nghĩ đến lối sống lành mạnh này. Mỗi ngày đạp xe đi làm bạn sẽ nhận ra cuộc sống còn nhiều cái hay cái đẹp mà mình vẫn chưa khám phá hết”, chị nói.
Thanh Thu