(SGTT) – Rụng tóc là tình trạng sinh lý bình thường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trung bình mỗi người mỗi ngày sẽ rụng từ 50 đến 100 sợi tóc và sẽ nhanh chóng được thay thế bằng những sợi tóc mới.
Tuy nhiên, nếu tần suất và lượng tóc rụng vượt mức trung bình hoặc lượng tóc con mọc mới ít hơn so với lượng tóc rụng, đây là dấu hiệu của rụng tóc bệnh lý.
- Sai lầm nhiều người mắc phải: trời nóng ẩm nên không cần dưỡng ẩm cho da
- Yoga: “tư thế đứng bằng vai” giúp giảm rụng tóc và ngừa lão hóa
Tóc rụng nhiều không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây lo lắng về mặt tâm lý mà còn là biểu hiện của một số bệnh lý, thiếu hụt vitamin… Vì vậy, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục càng sớm càng tốt là điều rất quan trọng.
Theo TS. BS. Ngô Minh Vinh, Phó Trưởng bộ môn Da Liễu, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), tình trạng rụng tóc có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như ảnh hưởng của tâm lý như căng thẳng, stress kéo dài, lo âu…; chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, thiếu vitamin và khoáng chất như biotin (vitamin B7), sắt, kẽm… để tổng hợp và phát triển nang tóc, thiếu hụt những chất này đồng nghĩa với việc tóc sẽ rụng nhiều, mỏng, yếu, xác xơ và thiếu sức sống.
Bác sĩ Vinh cũng cho biết, việc cơ thể phải trải qua các sang chấn sau phẫu thuật, sau sinh nở hoặc sau khi trải qua quá trình điều trị các căn bệnh như sốt xuất huyết, Covid-19… cũng là nguyên nhân khiến việc rụng tóc trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, thói quen buộc tóc quá chặt, gãi đầu mạnh, sấy tóc ở nhiệt độ quá cao, tóc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất nhuộm tóc, uốn, duỗi cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc không theo tự nhiên ở nhiều người, đặc biệt là các chị em phụ nữ.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gây rụng tóc nhiều có thể do mùa hoặc biến đổi của thời tiết. Theo các chuyên gia, rụng tóc theo mùa hay rụng tóc vào thời điểm giao mùa có thể là kết quả của điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Vào mùa Đông, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bị hạn chế, cơ thể không tổng hợp đủ vitamin D nên mùa đông được xem là nguyên nhân gây rụng tóc, đặc biệt ở nữ giới.
Còn khi mùa hè đến, vì phải tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều nên da đầu đổ quá nhiều mồ hôi, gây ra tình trạng viêm tuyến nhờn làm xuất hiện các đốm trên da đầu, dẫn tới ngứa, trầy da và rụng tóc, tình trạng này xuất hiện nhiều ở nam giới. Đây là hiện tượng phản xạ tự nhiên của cơ thể và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, mọi người không cần quá lo lắng.
Để hạn chế tình trạng rụng tóc, bác sĩ Vinh cho biết, vấn đề quan trọng đầu tiên chính là ổn định tâm lý, bởi nguyên nhân rụng tóc xuất phát từ việc bệnh nhân bị căng thẳng, lo lắng. Vì vậy nếu bệnh nhân còn mắc các vấn đề tâm lý thì khả năng rụng tóc sẽ nhiều hơn và vô tình trở thành một vòng lẩn quẩn. Song song với việc chuẩn bị một sức khỏe tinh thần thật tốt, mọi người nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin trong thực phẩm như rau xanh, trái cây; chất đạm cũng là một chất quan trọng.
Việc gội đầu bằng dầu gội hay dùng dưỡng tóc dạng xịt với mục đích tăng khả năng mọc tóc trở lại thường không đem lại hiêu quả rõ rệt, nhất là đối với người bị rụng tóc do ảnh hưởng của hậu Covid-19.
Phương Anh