Thứ Sáu, Tháng Năm 3, 2024

Khi công nghệ vừa thúc đẩy vừa thách thức sáng tạo!

(SGTT) – Ở thời điểm hiện tại, dường như các quốc gia đều nhận ra rằng, càng muộn xây dựng luật “đóng khung” trí tuệ nhân tạo (AI), thì sẽ càng tụt hậu nhanh so với AI.

Những ngày cuối năm 2023 được đánh dấu bởi một số vụ kiện khá đình đám trong lĩnh vực AI.

Cụ thể là ở Mỹ, hai tác giả nổi tiếng thể loại truyện phi hư cấu Nicholas Basbanes và Nicholas Gage đã khởi kiện tập thể (class action) Công ty Microsoft và OpenAI, chủ nhân của chatbot AI là ChatGPT. Theo hai nhà văn này, các công ty nói trên đã “ăn cắp” những nội dung được bảo hộ bản quyền, để tạo dựng nên hệ thống AI trị giá hàng tỉ đô la.

Vài ngày sau, tờ báo của Mỹ, The New York Times, cũng hành động tương tự, khởi kiện Microsoft và OpenAI ra tòa án ở Manhattan, New York. Đây là lần đầu tiên một công ty truyền thông tầm cỡ khởi kiện việc AI vi phạm quyền tác giả, cụ thể là hàng triệu bài báo do The New York Times đăng tải đã bị sử dụng để “huấn luyện” chatbot AI. Không chỉ thế, chatbot này còn trở thành đối thủ cạnh tranh với The New York Times như một nguồn cung cấp thông tin uy tín.

Trong đơn kiện, tờ báo này khẳng định rằng đã tìm cách đối thoại đàm phán với Microsoft và OpenAI để tìm kiếm một giải pháp “thân thiện”, thế nhưng yêu cầu ký kết một hợp đồng thương mại của The New York Times không được phía Microsoft và OpenAI chấp thuận.

Đơn kiện của The New York Times cũng nhấn mạnh rằng Hiến pháp Mỹ và Luật Bản quyền Mỹ đã công nhận quyền sở hữu của tác giả đối với tác phẩm sáng tạo. Khi hàng triệu nội dung của tờ báo này bị sao chép, tổng hợp, tóm tắt để phần mềm AI có thể sử dụng và bắt chước phong cách viết của The New York Times, thì quyền tác giả đã bị vi phạm nghiêm trọng. Hiện giờ Microsoft chưa chính thức lên tiếng trước những phiền toái pháp lý này, nhưng không khó có thể thấy rằng những vụ kiện tương tự sẽ tiếp tục diễn ra.

Với sự phát triển của công nghệ AI, lĩnh vực thông tin truyền thông và sáng tạo nghệ thuật đang có những biến đổi sâu rộng. AI tạo ra vô số những thách thức mới, thậm chí có thể đe dọa tương lai của vô số các công ty hay nghệ sĩ trong lĩnh vực này. Khi nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy sự tác động đáng kể của tiến bộ công nghệ tới việc bảo vệ quyền tác giả.

Đầu tiên xin nhắc lại rằng luật bản quyền đầu tiên trên thế giới được thông qua vào năm 1710, ở Anh (Luật Nữ hoàng Anne – Act of Queen Anne). Để hiểu được tại sao luật về bản quyền ra đời, cần hiểu được bối cảnh trước và sau sự ra đời của bộ luật này. Trước năm 1710, luật về bản quyền không tồn tại vì ở thời điểm đó, sao chép nội dung là một công việc tốn nhiều thời gian và công sức. Cũng vì thế, sách và tài liệu không được phổ biến rộng rãi, giới hạn ở giới tu hành và nhà quyền quý.

Sự ra đời của kỹ thuật in ấn nhờ Johannes Gutenberg vào năm 1450 ở Đức đã làm thay đổi hoàn toàn sự truyền bá thông tin và nội dung tại châu Âu. Các nhà in mọc lên, tạo các bản sao tác phẩm một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Có thể nói, Luật Nữ hoàng Anne ra đời để giải quyết xung đột lợi ích kinh tế giữa các nhà in và lợi ích của tác giả là “cái cớ” để giải quyết xung đột này.

Tất nhiên, sau đó khái niệm quyền tác giả thực sự được phát triển ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là ở Pháp (Luật 1777), nơi nó được coi là quyền “thiêng liêng” trong thời Cách mạng Pháp. Ở nhiều quốc gia khác, khái niệm quyền tác giả chỉ được biết đến từ đầu thế kỷ 19, thậm chí muộn hơn, vào thế kỷ 20. Luật pháp Việt Nam chính thức công nhận quyền tác giả vào năm 2005, với việc Quốc hội thông qua Luật Sở hữu trí tuệ – điều kiện không thể thiếu để Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

Sau sự ra đời của kỹ thuật in thì sự ra đời của kỹ thuật số tiếp tục làm đảo lộn ngành công nghệ xuất bản và thế giới nghệ thuật. Thời đại kỹ thuật số (Digital age) đánh dấu sự chuyển đổi từ ngành công nghiệp truyền thống mà cách mạng công nghiệp đã mang lại thông qua công nghiệp hóa, tới nền kinh tế dựa trên công nghệ số hóa. Công nghệ số cho phép sao chép tác phẩm không giới hạn, trong khoảng thời gian vô cùng ngắn, và tạo điều kiện cho tất cả mọi người tiếp cận tới tác phẩm, không có giới hạn địa lý.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo việc bảo vệ hiệu quả quyền tác giả, các quốc gia đều phải sửa đổi luật về bản quyền để theo kịp những thay đổi mà công nghệ đem lại. Những khái niệm mới trong luật ra đời, như “biện pháp kỹ thuật bảo vệ luật bản quyền” (technological protection measures), hay như siêu liên kết (hyperlink), phát sóng trực tiếp (livestream)… Không khó để có thể nhận ra rằng sự phát triển công nghệ có thể là mối đe dọa lớn nhất tới việc bảo hộ quyền tác giả.

Tuy nhiên, làm thay đổi mạnh mẽ nhất lĩnh vực sáng tạo, thì đó chính là… AI. Từ cuối thế kỷ 20 trở đi, AI phát triển và giờ đang dần thay đổi hoàn toàn thế giới của chúng ta. Ngay cả ngành sáng tạo nghệ thuật, ngành được coi là thuộc tính của con người, giờ cũng đang bị AI… lấn sân con người. Chúng ta không còn ngạc nhiên khi chứng kiến AI sáng tác nhạc, vẽ tranh, viết tiểu thuyết hay làm thơ, đối thoại với khối lượng thông tin khổng lồ.

Thậm chí, chính ChatGPT đã trả lời rằng “các chương trình máy tính đang mang lại những khả năng vô giới hạn để khám phá các loại hình biểu cảm nghệ thuật mới”. Nếu như những thay đổi do AI đem lại hứa hẹn một kỷ nguyên mới trong tiến bộ nhân loại, thì vô số nguy cơ cũng đặt ra, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo, và tất nhiên, trong lĩnh vực luật bản quyền.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể dự báo một cách chắc chắn kết quả các vụ kiện nói trên đối với Microsoft và OpenAI, vì chủ đề AI vẫn là một “lỗ hổng” pháp lý. Khi luật pháp không theo kịp sự phát triển của công nghệ, thì sẽ tồn tại một môi trường pháp lý thiếu rõ ràng, kém ổn định, cản trở sự phát triển của hoạt động sáng tạo, cũng như sự phát triển của các công ty công nghệ.

Gần đây, một dự thảo luật ở Mỹ đã được đưa ra, mang tên Luật về mô hình nền tảng minh bạch AI (AI Foundation Model Transparency Act), với mục đích minh bạch hóa các mô hình vận hành của AI, và nâng cao kiến thức chung trong xã hội đối với việc bảo vệ quyền cá nhân, dữ liệu cá nhân trước những nguy cơ mà AI đặt ra.

Ở châu Âu, Ủy ban châu Âu cũng đang tích cực để thông qua Luật liên quan tới AI, nhằm mục đích bảo vệ hiệu quả quyền cá nhân, đồng thời khuyến khích sự phát triển công nghệ AI một cách an toàn. Ở thời điểm hiện tại, dường như các quốc gia đều nhận ra rằng, càng muộn xây dựng luật “đóng khung” AI, thì sẽ càng tụt hậu nhanh so với AI.

Lê Thiên Hương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Bàn tay’ AI trong sự phát triển của ngành y

0
(SGTT) - AI đang ngày càng khẳng định tiềm năng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và cải...

Tiềm năng của AI trong lĩnh vực y tế

0
(SGTT) - AI đang ngày càng khẳng định tiềm năng to lớn trong việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế...

Buông dự án xe điện, Apple dồn lực cho AI tạo...

0
(SGTT) - Hãng Apple, nhà sản xuất iPhone, từ bỏ dự án xe điện để dồn nguồn lực phát triển trí tuệ nhân tạo...

AI mở rộng cánh cửa thị trường cho sản phẩm số

0
(SGTT) - Các doanh nghiệp toàn cầu đã nhận ra sức mạnh của AI trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm...

Nhiều doanh nghiệp Việt bắt đầu ‘đặt cửa’ vào AI

0
(SGTT) - Công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiến nhanh, tạo ra môi trường kinh doanh mới. Không chỉ ở thị...

TPHCM có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái AI để...

0
(SGTT) - TPHCM có kế hoạch xây dựng và hình thành được hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) và đặt mục tiêu...

Kết nối