Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Khám phá vẻ đẹp hoang sơ làng Chuồn hút hồn của xứ Huế

(SGTT) – Làng Chuồn thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang chỉ cách thành phố Huế chừng 7km theo đường mới mở. Vùng đất này còn được biết đến với hệ đầm phá nước lợ Tam Giang lớn nhất Đông Nam Á.  

“Ai to gan – về làng Chuồn”, câu ca nói về làng Chuồn khiến người mới nghe lần đầu sẽ tưởng ngôi làng này nằm ở khu vực hẻo hút, người dân lại khó tính. Thế nhưng, khi đặt chân đến đây, nhiều người sẽ rất ngỡ ngàng với vẻ đẹp riêng biệt của thiên nhiên ban tặng mà người dân ở vùng đất này lại rất lịch thiệp và thân thiện.

Di tích lịch sử đình An Truyền

Làng Chuồn có tên theo văn tự là làng An Truyền – một trong những làng có tiếng tăm về bề dày văn hóa của Thừa Thiên Huế với di sản nổi bật là đình An Truyền, được công nhận là Di tích kiến trúc cấp Quốc gia vào năm 1994. Nơi đây rộng đến 420m2, có 80 cột. Hai ngôi nhà tiền, hậu được nối mái nhau với 7 gian.

Đình làng Chuồn là một tiêu mẫu kiến trúc độc đáo của đình làng thời nhà Nguyễn. Đình Chuồn không bị đạn bom làm hư hại, một số đồ trang trí, thờ tự còn khá nguyên vẹn như liễn đối, hoành phi, sập gụ, tủ thờ, trang thờ, lư hương…

Có nhà trù (nhà dùng để đồ đạc, bếp núc phục vụ lễ cúng tế ở đình), có sân đình rộng lớn (1.500m2), có hai lớp tường thành nội – ngoại kiên cố, có trụ cổng uy nghi, tổng thể đình làng Chuồn là di sản hiếm có về cấu trúc đình, về thiết chế văn hóa làng xã cổ xưa được xây dựng và còn lại ở vùng duyên hải miền Trung.

Theo lão làng Hồ Văn Lạp, ngôi đình di sản này được dân làng làm lại thời nhà Nguyễn. Khi dân người làng Chuồn sau hàng trăm năm định cư tại đây đã khá giả lên.

Đinh làng Chuồn nhìn từ cổng vào với phần tiền đình che chắn phần hậu tẩm vốn là phần có diện tích thờ tự rộng lớn, cả tiền đình và hậu tẩm rộng 420m2.
Một phần hậu tẩm của đình Chuồn, nơi đặt bàn thờ các chư thần, các vị tiền hiền, hậu hiền của làng, tất cả đều được các vị vua nhà Nguyễn ban sắc phong.

Ai to gan về làng Chuồn – câu nói không biết có từ thời nào nhưng cư dân làng Chuồn được người nơi khác cho là ngang tàng, khí khái và thậm chí là hung hãn khiến người các nơi đều nể sợ. Có lẽ vì người làng Chuồn thấy người làng mình giỏi giang, nhiều danh gia vọng tộc, có người là quan đại thần ở triều nên có phần ỷ thế, tự hào…”, cụ Đoàn Bợt, vị chánh tế của làng Chuồn lý giải.

Nhiều người có tuổi tác ở đây đều biết cuộc nổi dậy lật đổ vua Tự Đức mà dân gian quen gọi là “loạn chày vôi” (hay: giặc chày vôi) do ba anh em ruột người làng Chuồn là Đoàn Trưng, Đoàn Trực,  Đoàn Ái khởi phát hồi năm 1866. Khi thất bại, cả ba người đều bị xử tử. “Người bên ngoài kiêng nể người làng Chuồn có lẽ một phần cũng vì họ thấy cái gan dạ của người làng Chuồn qua cuộc nổi dậy của ba anh em nhà họ Đoàn…”, cụ Đoàn Bợt lý giải thêm.

Đặc sản làng Chuồn

Làng Chuồn không chỉ là địa danh du lịch cổ nổi tiếng ở Huế, mang vẻ đẹp hoang sơ hữu tình như tranh mà còn được biết đến với nhiều đặc sản như bánh tét, rượu, các loại hải sản và đặc biệt nhất là bánh khoái cá kình làng Chuồn.

Đồng ruộng trũng thấp, đượm phù sa của làng Chuồn là vùng đất thích hợp với những  giống nếp ngon, do đó còn câu ca còn truyền “Gạo ngon An Cựu, nếp thơm làng Chuồn”.

Bánh tét làng Chuồn nức tiếng gần xa, được làm bán quanh năm nhất là vào những dịp Tết.
Dù nghề làm bánh bao mới được người làng Chuồn bắt đầu từ 30 năm nay, nhưng đây là nghề đem lại cơm áo cho hàng trăm gia đình.
Một góc đầm Chuồn ngay sát nhà dân, là mang lại nguồn thu nhập cho một số gia đình từ việc khai thác du lịch sinh thái đầm phá.

Từ bao đời nay, làng Chuồn đã là nơi cung ứng các loại bánh nếp ngon như bánh chưng, bánh tét cho phố Huế và cả ở ngoài tỉnh. Nhờ có nguồn nước ngọt, gạo ngon, kỹ thuật làm men và nấu cất riêng có nên rượu làng Chuồn được xem là mỹ tửu, cùng với nếp Chuồn từng là những món tiến vua.

Nghề làm bánh bao là nghề mới nhưng khá thịnh. Công việc này là kế sinh nhai của một số người, nay cũng được coi là nghề căn bản của làng. Nhờ đầm Chuồn nằm trong hệ đầm phá lớn Tam Giang – Cầu Hai, người dân làng Chuồn đánh bắt được những loại cá ngon của vùng đầm quê nhà.

Vào buổi xế chiều, làng Chuồn hoạt động nhộn nhịp hơn. Đầm rộng với sóng nước mênh mông, bếp nhà lan khói tạo nên khung cảnh quê yên bình, mộc mạc.

                                                                                Huỳnh Văn Mỹ   

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề