Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Khám phá nhà mồ của người Ra Glai, Ninh Thuận

(SGTT) – Việc xây dựng nhà mồ và tục bỏ mả của người Ra Glai (Ninh Thuận) là cả một câu chuyện chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của người dân nơi đây.
Một ngôi nhà mồ mái lợp tôn, qua lễ bỏ mả đã lâu nên kagô không còn, nấm mộ đất bị hoang phế, đồ đạc được chia đã hư nát.

“Dựng nhà” cho người vừa khuất

Bên những đồi núi nhấp nhô xen kẽ buôn làng cùng những rẫy nương cỗi cằn phơi mình dưới nắng đốt gần như quanh năm – quang cảnh đặc trưng của vùng cư dân Ra Glai (Raglai, Raglay) thỉnh thoảng ta bắt gặp một vài túp lều con hoặc còn lành lặn hay đã nát mục với dăm ba vật dụng treo bên cột hoặc nằm trền nền đất, ấy chính là những nhà mồ (phần mộ của người đã mất) của người Ra Glai trong vùng…

Sống sao thác vậy, câu thành ngữ cửa miệng của người Kinh cũng là cách nghĩ của người Ra Glai, tộc người sinh sống phần lớn ở miền núi tỉnh Ninh Thuận, khi họ dựng nhà mồ (vanehk atơu) cho người thân vừa mới mất của mình. Để có chỗ cho họ “mát thân” khi mới vừa từ giã cõi đời. Từ xa xưa người Ra Glai đã có tục làm nhà mồ cho người vừa khuất.

Người Ra Glai từ lâu chỉ dùng một số loại vỏ cây bền chắc, dẻo dai để gấp lại làm áo quan chôn người chết chứ không khoét đục hay cưa đẻo cây gỗ để đóng quan tài. Cũng giản đơn như thế, nhà mồ ban đầu chỉ là một túp lều nhỏ, rộng không quá sáu mét vuông, với không quá mươi cây cột nhỏ được chôn chân dưới đất, mái lợp bằng cỏ tranh hay lá buông lấy ở các khu rừng kề cận.

Một ngôi nhà mồ vừa mới qua lễ bỏ mả, kagô vẫn còn nguyên vẹn, một số vật dụng được chia tại mộ vẫn còn.

Nhà mồ thường được dựng ngay trong lễ mở cửa mả (rawak hlud), vào trong khoảng thời gian từ ngày thứ ba đến ngày thứ chín kể từ ngày chôn, khi bà con xa gần cùng tụ về đầy đủ để đến cúng và thăm mộ. Nhà mồ ban đầu chỉ là nơi che chở cho thân xác người khuất, còn linh hồn của họ vẫn còn náu nương nơi mái nhà cũ. Bởi vậy, người Ra Glai tuy không lập bàn thờ trong nhà nhưng họ vẫn quẩy đơm người khuất tại nhà từ sau lễ mở cửa mả cho đến ngày làm lễ bỏ mả.

Vu cra, jăo cra – cơm treo, canh treo – hai chiếc gióng treo được buộc từ mái nhà xuống chỗ ưng y để đặt một bát cơm và một bát canh cúng mỗi ngày một lần chính là cách cúng đơm người vừa mất. Cho rằng người vừa khuất vẫn còn sống dựa vào phần cơm treo canh treo được cúng ở nhà mỗi ngày, người Ra Glai không mang của chia đặt ở mộ trong thời kỳ này.

Bỏ mả rồi sẽ không được viếng thăm!

Lễ bỏ mả (đam vidhi atơu) là nghi lễ cúng tế cuối cùng của người thân dành cho người vừa khuất để rồi từ đó chấm dứt hẳn sự lui tới viếng thăm mộ phần cũng như việc cúng cơm treo, canh treo ở nhà. Đây cũng là lễ cúng trọng thể nhất của gia đình có sự tham dự đông đủ của bà con thân tộc, làng xóm. Lễ bỏ mả được người Ra Glai cử hành đúng ba năm (giống như người Kinh) sau ngày người thân của họ mất đi.

Điều quan trọng nhất được làm ngay trước lễ bỏ mả chính là “xây dựng” lại nhà mồ. Mái nhà được làm lần cuối cùng cho người khuất này sẽ được làm lại khá tươm tất. Các cột chính – phụ đều được làm đẹp bằng cách dán giấy màu (hay sơn), mỗi cây với nhiều màu, nền mộ cũng như nấm mộ đều được dắp lại (vun đắp thêm – PV). Đặc biệt hơn, trên nóc nhà mới được trang trí một “kagô” được khắc đẻo bằng gỗ trông như một con thuyền cách điệu có hình rồng hoặc chóp tháp bên trên.

Một nhà mồ với mái tôn, phần mộ được xây bằng xi măng, có bia mộ, “phần của” dành cho người khuất vẫn được đặt ở nhà mồ.

Lễ bỏ mả có hai đám cúng lớn, nhỏ kéo dài hai ngày đêm. Tùy theo năng lực của gia đình, những nhà khá giả thường sắm đủ cả heo, trâu cùng cơm nước, rượu chè khá tốn kém. Diễn ra trong ngày đầu, ở “đám nhỏ” gia chủ mang heo lễ đến nhà mồ (vừa mới được làm lại) vào lúc một – hai giờ sáng để cúng tế và rước vong hồn người khuất về rạp được làm ngay ở sân nhà của gia chủ. Buổi chiều, sau khi rước vong về, “đám lớn” được bắt đầu với việc gia chủ khấn báo với vong là sẽ giết heo/trâu để lấy thịt cúng cho vong.

Bà con, làng xóm mang lễ vật đến đóng góp để giúp gia chủ lo cho buổi lễ được chu đáo. Lễ cúng được tiến hành với việc lần lượt đặt bày các lễ vật lên bàn theo lời xướng cúng cùng múa làm hiệu của ba vị chủ lễ (tượng trưng cho ba phần: đầu, mình và chân) với phần nhạc đệm là tiếng mã la (chiêng nhỏ).

Sau cúng tuần đầu, mọi người cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ suốt đêm để rồi ngày hôm sau lại cúng tiếp ba tuần sáng – trưa – chiều rồi cùng rước vong ra mộ như là cuộc tiễn đưa lần cuối, vĩnh viễn giã từ người khuất.

Đây cũng là lúc gia đình chia của cho người khuất. Họ mang bỏ tại mộ những vật dụng thường dùng trong cuộc sống của người thân khi còn sống như nồi niêu, chén dĩa, gùi giỏ, ché đựng rượu, cung ná… Sau lễ bỏ mộ, mọi quan hệ giữa gia đình với người khuất coi như chấm dứt không được viếng thăm, tu sửa. Theo thời gian, mái nhà mồ đẹp đẽ kia sẽ dần bị hư mục, sụp đổ, cả nấm mồ cũng sẽ bị cỏ cây phủ lấp và mất dần cho đến khi không lưu lại dấu vết gì trên mặt đất.

Trước đây, khi người dân còn sống ở những sườn núi cao, chỗ được chọn làm huyệt mộ thường là kề bên rẫy cao, bên một tảng đá hay một lùm cây lớn, có khi kề bên khe nước. Từ khi rời núi cao đến sống ở vùng thấp, tại các khu tái định cư, chỗ được chọn làm huyệt mộ, nhà mồ… thường là nơi xa làng, cũng có thể gần nương rẫy nhưng thường là chỗ cao ráo. Mộ bao giờ cũng xây đầu về hướng Tây. Tuy vậy cũng có vài nơi cư dân lại cho quay đầu về Đông “để khi thức dậy là có thể hướng ngay lên rừng”.

Nhiều người Ra Glai sống ở vùng thị trấn cũng đã có ảnh hưởng của văn hóa người xuôi. Họ biến cải về táng tục (tục lệ mai tang – PV) cũng như về việc dựng nhà mồ. Về áo quan, thay vì dùng vỏ cây họ đã dùng ván. Trong khi đó, nhà mồ, người dân Ra Glai cũng bắt đầu dùng cây gỗ chắc, mái lợp bằng tôn hay ngói, mộ được xây bằng xi măng. Thậm chí, người Ra Glai cũng đã dựng cả bia để ghi lại phần tên tuổi của người đã khuất, lưu lại được lâu dài.

Huỳnh Văn Mỹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giúp chợ truyền thống giữ vững vị thế

0
(SGTT) - Bối cảnh kinh doanh thật khốc liệt khi các siêu thị và chuỗi cửa hàng dần lấy đi thị phần của chợ...

Đã là phong tục mới?

0
(SGTT) - Cuối năm vừa qua, lúc kinh tế khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp đã chật vật xoay xở tiền thưởng Tết tượng...

Nội lực đến từ nỗ lực cá nhân

0
(SGTT) - Nội lực tinh thần của một người trẻ vững vàng giúp họ đối diện với một đời sống hiện đại nhiều áp...

Đừng gán ghép mê tín dị đoan cho Phật giáo!

0
(SGTT) -  Cách đây 2613 năm, Ngài Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama), khi đó 35 tuổi, đã giác ngộ dưới gốc Bồ...

Giám tuyển nghệ thuật: Hấp dẫn, mới mẻ và đầy thách...

0
(SGTT) - Việc nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby’s tổ chức 2 cuộc triển lãm trong 2 năm liên tiếp tại TPHCM, với sự...

Áo Bà Ba: Sự kết nối để giữ gìn bản sắc...

0
(SGTT) - Sinh ra, trưởng thành, học tập, làm việc rồi thành danh ở nhiều miền đất khác nhau của Việt Nam và nước...

Kết nối