Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Khám phá làng nghề đá dưới chân núi Ngũ Hành Sơn

(SGTT) – Chỉ còn tuần lễ nữa thôi là đến ngày 16-3 Âm lịch – ngày hội nghề đá hằng năm của các nghệ nhân và thợ thuyền làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước – được tổ chức cùng dịp Lễ giỗ tiền nhân Huỳnh Bá Quát, người có công khai nghiệp làng nghề này tận hồi thế kỷ 17, khi gia đình ông di cư vào đây từ Thanh Hoá.

Đường chính vào làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Xưa kia thì làng nghề khai thác đá tảng, đá mồ côi ngay quanh chân núi Ngũ Hành Sơn với mỗi hòn Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ là một màu đá khác nhau, để đục tượng hoặc làm phù điêu tại chỗ. Cho đến tận những năm 1990-1992 thì nhà nước cấm hẳn việc khai thác nguồn đá ở đây nhằm bảo vệ danh thắng đẹp đẽ này. Làng nghề chững lại một thời gian trước khi tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế từ Nghệ An, Thanh Hoá và Yên Bái, nơi có nhiều mỏ đá cẩm thạch có chất lượng tốt và dễ bề chế tác bằng phương pháp thủ công.

Thợ làng nghề đang chế tác.
Chế tác đá ở làng nghề.

Từ năm 2010, chính quyền thành phố Đà Nẵng tiến hành quy hoạch địa bàn phường Hoà Hải, cho lập khu làng nghề riêng biệt ở phía tây nam khu chợ mới, nhằm hạn chế ô nhiễm dân sinh và không gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch đang ngày càng phát triển của toàn bộ khu vực núi Ngũ Hành.

Qua hơn mười năm hoạt động thì bây giờ làng mỹ nghệ đã có trên dưới 500 hộ – cơ sở kinh doanh đang hành nghề. Đến thăm làng nghề vào buổi chiều, từ ngoài đường Mai Đăng Chơn rẽ vào đã thấy những khối đá tảng rất lớn đổ đầy hai đường, với bụi đá trắng xóa bay mù trời hoặc sà xuống thành lớp in dấu bánh xe hay dấu ủng chân người đi lại.

Bên trong xưởng chế tác đá.

Ghé vào xưởng đá anh Phu, vừa là chủ, vừa là thợ cả đang dùng máy cắt lưỡi lớn loại 600mm để bổ một khối đá cẩm thạch trắng tạo hình chân bồn rửa đá trang trí loại cao cấp. Hỏi nhà anh làm nghề được mấy đời rồi, thì anh nói chỉ mới hai ba đời từ ông ngoại là người địa phương ở đây truyền lại.

Ngoài anh Phu ra thì trong xưởng có mươi người thợ khác, kẻ đục người mài những chi tiết đầu đế phù điêu và mặt sư tử theo phong cách La Mã. Thợ chính mà giỏi thì được tiền công mỗi ngày một triệu đồng, tay nghề thấp hơn thì được năm bảy trăm ngàn đồng, thợ phụ hay học nghề thì chỉ được tầm hai ba trăm mà chủ yếu dành cho người trẻ hay phụ nữ.

Đôi rồng ngậm lưu li bằng huyết thạch đang chờ xuất bán.

Qua những xưởng gần bên thì sản phẩm chế tác đa dạng hơn nhiều, xưởng anh Phú thì làm đài sen hay cột đèn trang trí sân vườn, xưởng anh Thanh thì chuyên đục lân đục thú, xưởng anh Hùng thì chỉ tạo tác Phật Tổ, Phật Bà, Địa Tạng, Di Lặc, Hài đồng là những tạo hình dân gian Á Đông gần gũi. Riêng dòng nhân tượng bên Thiên Chúa giáo như Chúa Giê su, Đức Mẹ hay các vị Thánh thì chỉ vài nghệ nhân giỏi nghề nhất trong làng mới tạc được, vì khuôn mặt phương Tây rất khó tạo hình.

Tiếng tăm làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước bây giờ vang xa khắp mọi miền đất nước, hoặc ra cả nước ngoài. Miền Bắc thì ưa thích lân thú, miền Nam thì chuộng dòng tượng cúng chùa, voi ngựa thì nhà giàu bên Lào qua rước, còn mộ khối thì xuất khẩu sang tận Mỹ, Úc hay châu Âu.

Mỗi khối đá thô cẩm thạch nhập về tầm 12 triệu đồng, công cán chế tác cũng bằng ấy tiền cho dòng tượng phổ thông rồi bán ra từ 30 đến 50 triệu đồng tùy loại tượng và tùy khách. Mỗi tháng xưởng vừa vừa bán đôi ba tượng, xưởng lớn thì năm bảy tượng hoặc cả một xe hàng cũng có được thu nhập vài chục đến một hai trăm triệu đồng hoặc hơn thế.

Đến thăm Đà thành, sau khi đáo qua danh thắng Ngũ Hành Sơn thì quý khách nên một lần ghé qua làng đá mỹ nghệ Non Nước gần ngay đó, để tận mắt ngắm nhìn những khối đá cẩm thạch tưởng chừng vô tri vô giác dần trở nên sống động, có thần thái dưới hình hài ngẫu tượng bởi những bàn tay vàng thấm ướt mồ hôi. Rồi mua lấy một vài món đồ lưu niệm cỡ nhỏ về chưng lên kệ, hoặc muốn mua những bức tượng lớn thì cứ đặt hàng, sẽ có dịch vụ giao hàng đến tận nhà hoặc bất cứ ở đâu theo yêu cầu.

Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là tên của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km². Ngũ Hành Sơn gồm các ngọn núi: Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Thổ Sơn, Kim Sơn và Hỏa Sơn (có hai ngọn là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn), nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng – Hội An; nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Ngày 22-3-1990 danh thắng này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Nguyễn Đình Hoàng Quân

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đà Nẵng khởi động mùa du lịch biển với ‘sóng mùa...

0
(SGTT) – "Sóng mùa hè" là chủ đề của chương trình khởi động mùa du lịch biển 2024 tại Đà Nẵng với chuỗi các...

Dấu xưa – Hồn phố: Nghề làm bánh tráng tại làng...

0
(SGTT) – Với hơn 500 năm tuổi, làng cổ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) nổi tiếng với...

Ngắm danh thắng Ngũ Hành Sơn từ trên cao

0
(SGTT) - Danh thắng Ngũ Hành Sơn ở thành phố Đà Nẵng có 6 ngọn núi đá vôi gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy...

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 sẽ có...

0
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) chính thức trở lại Đà Nẵng vào mùa Hè năm nay, với chủ đề “Made...

Danh thủ Dunga, Rivaldo đến Đà Nẵng giao lưu, cùng kích...

0
(SGTT) – Trong tháng 4 này, các danh thủ Brazil nổi tiếng một thời như Dunga, Rivaldo, Lucio, Ze’ Carlos, Giovanni, Kleberson, Edmilson, Paulo...

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Kết nối