Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Khai thác di sản tri thức địa phương

Tháng 4-2022 vừa qua, UBND thành phố Hội An đã chính thức giao cho Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An thành lập bảo tàng chuyên đề Bảo tàng Thổ sản Hội An, đặt tại số 57 đường Trần Phú. Đối với du khách đến Hội An, đây là một điểm tham quan thú vị, một nơi cung cấp hiểu biết về lịch sử thương cảng Hội An nói riêng, miền Quảng Nam nói chung, từ quá khứ đến hiện tại.

Trung tâm này cũng mới ra mắt một chuyên đề nghiên cứu về những thổ sản, sản vật đã từng được khai thác, chế biến, bảo quản, mua bán và xuất khẩu từ Hội An. Những thông tin nghiên cứu chuyên sâu giúp cho người đọc hiểu về giá trị di sản Hội An không chỉ bằng các điểm tham quan, các công trình kiến trúc phố cổ hay đời sống văn hóa, mà đi vào kho di sản tri thức của một cảng thị có vị trí đặc biệt trên bản đồ địa chính trị, địa kinh tế toàn cầu.

Cách làm của Hội An bài bản và mới mẻ tại Việt Nam nhưng thật ra, nó không mới đối với những du khách từng tham gia các tour di sản khi đặt chân đến các thị trấn, đô thị hay những ngôi làng cổ ở châu Âu.

Chùa Cầu, đây là một địa điểm check-in không thể bỏ qua khi về phố Hội - Ảnh: Châu Thục

Các bảo tàng chuyên đề văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, âm nhạc, hình ảnh giới thiệu lịch sử nơi chốn đã là những địa chỉ tham quan lý thú ở nhiều điểm đến trên thế giới. Điều này hướng hoạt động du lịch đi vào những giá trị mang tính bền vững, lấy thế mạnh, đặc thù văn hóa làm nền tảng thay vì sao chép hoặc chạy theo những trào lưu hời hợt nhất thời.

Tại Việt Nam, trong khi sản phẩm du lịch ở nhiều nơi đang sa vào nhàm chán và bế tắc thì mô hình bảo tàng chuyên đề ở Hội An có thể gợi ý tưởng để các thành phố du lịch học hỏi và tiến hành.

Điều quan trọng trước hết là cần xác lập một hệ thống giá trị riêng biệt làm nên bản sắc từng địa phương hay vùng miền. Cần đặt ra các tiêu chí chuyên môn, khoa học và nghiên cứu một cách nghiêm túc, huy động được trí tuệ, sự quan tâm của học giới và người dân đang nắm giữ những tư liệu, ký ức, nguồn vốn văn hóa để tạo nên “nội dung”, “câu chuyện” di sản thực chất chứ không phải tạo ra những kho tri thức áp đặt, phiến diện và thiển cận.

Bước tiếp theo có thể là căn cứ trên hệ thống tri thức từng chuyên đề, thiết lập nên những bản đồ di sản địa phương, mạng lưới di sản liên địa phương, di sản liên vùng, để bảo tồn văn hóa và đánh thức những ý tưởng, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phan Thiết, Hà Nội hay Sài Gòn – TPHCM… đều có thể tạo nên những bảo tàng chuyên đề giới thiệu tri thức, giá trị văn hóa của địa phương mình như vậy. Việc này không chỉ phục vụ cho hoạt động du lịch mà còn thu hút cư dân tại chỗ tìm hiểu sâu hơn về nơi chốn họ đang sinh sống theo một phương thức mới, cách đặt vấn đề mới, hiện đại.

Có thể mở rộng, sáng tạo trong cách trình bày tri thức địa phương cho nhiều đối tượng bằng các dòng ấn phẩm, vật phẩm, quà tặng… để hiệu quả lan tỏa mạnh mẽ hơn, tạo ra ấn tượng một cách hấp dẫn và tự nhiên.

Trong chừng chục năm gần đây, việc nghiên cứu, biên khảo về văn hóa, đặc biệt là văn hóa các đô thị trong nước có những chuyển động đáng kể. Phải nói đây là nỗ lực lớn của giới nghiên cứu độc lập. Về sử liệu, các thư viện mở quốc tế cũng đã số hóa, giải mật, công bố những kho tư liệu nghiên cứu Việt Nam học có giá trị về địa lý, lịch sử, địa phương chí, nhân học…

Tất cả những nỗ lực này giúp thêm điều kiện thuận lợi cho việc chọn lọc, sử dụng các tư liệu, tài liệu, trước tác để xây dựng hệ thống tri thức chuyên đề hữu ích và hiệu quả. Nhân rộng cách mà Hội An đang làm là hướng đi vừa có lợi cho bản thân đời sống học thuật nghiên cứu, vừa mang lại giá trị kinh tế lâu bền.

Và điều tiên quyết vẫn chính là các địa phương cần có tầm nhìn để nhận ra tri thức di sản là nguồn tài nguyên nhân văn mang lại giá trị bền vững, từ đó xây dựng nên những chương trình, chiến lược xứng đáng cho địa phương mình.

Nguyễn An Nam

Theo KTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối