Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Hong Kong có bảo tàng đa dạng sinh học đầu tiên

(SGTT) - Hơn 10.000 loài, bộ sưu tập mẫu vật sinh học lớn nhất ở Hong Kong (Trung Quốc) được trưng bày trong Bảo tàng đa dạng sinh học.

Phó giáo sư Benoit Guénard, Đại học Hong Kong (HKU) miệng luôn mỉm cười khi đi quanh khu triển lãm. Ông có lý do để vui mừng vì Bảo tàng đa dạng sinh học, nơi trưng bày hơn 10.000 loài, bộ sưu tập mẫu vật sinh học lớn nhất ở Hong Kong (Trung Quốc), đã chính thức đi vào hoạt động.

Phó giáo sư Benoit Guénard, Giám đốc bảo tàng, cho biết bảo tàng bđ dạng sinh học Hong Kong là nơi đầu tiên dành riêng cho hệ động vật hoang dã. Ảnh: Jonathan Wong

Nằm trong tòa nhà Khoa học Sinh học Kadoorie, tại HKU ở Pok Fu Lam trên đảo Hong Kong, đây là bảo tàng đầu tiên trong thành phố dành riêng cho đa dạng sinh học và là kết quả của nhiều năm làm việc chăm chỉ của các nhà khoa học.

Năm 2014, khi mới tới Hong Kong, ông Guénard đã rất ngạc nhiên vì ở đây không có ngân hàng sinh học động vật hoang dã, một loại kho lưu trữ mẫu của các loài để sử dụng trong nghiên cứu.

“Là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học của khu vực, thật kỳ lạ khi một thành phố thịnh vượng như Hong Kong lại không sở hữu một cấu trúc dành riêng cho việc giáo dục về đa dạng sinh học và bảo tồn nhiều loài đã được tìm thấy; đồng thời phục vụ cho công tác nghiên cứu”, ông Guénard nói. Ở đây, không có một bộ sưu tập mẫu vật lớn thể hiện sự đa dạng của các loài ở Hong Kong cũng như trên thế giới để công chúng có thể nhận ra đầy đủ sự phong phú và vẻ đẹp của các sinh vật.

Quản lý nội dung Aline Machado Oliveira (phải) và quản lý giáo dục Louisa Yip của Bảo tàng đa dạng sinh học Hong Kong. Ảnh: Jonathan Wong

Theo ông, điều này đặc biệt quan trọng ở Hong Kong, nơi hầu hết người dân sống trong môi trường đô thị hóa mạnh mẽ. Mối liên hệ với thiên nhiên và nguy cơ ảnh hưởng đến sự đa dạng của các loài sinh học có thể không được đánh giá đầy đủ.

Danh sách các loài động thực vật ở Hong Kong rất phong phú. Trong đó, hơn 3.300 loài thực vật, 57 loài động vật có vú, hơn 540 loài chim, 198 loài cá nước ngọt, 86 loài bò sát, 24 loài lưỡng cư, 236 loài bướm và 123 các loài chuồn chuồn… Vị Phó giáo sư này cho biết, có hàng ngàn loài ở đây đang chờ được khám phá hoặc thậm chí có những loài còn chưa được giới khoa học biết đến.

Vì vậy việc tiếp cận các bộ sưu tập về hệ động thực vật địa phương là chìa khóa cho việc khám phá và nghiên cứu chúng. Ông Guénard cho biết thêm, ở đây có vị trí lý tưởng để thành lập một bảo tàng đa dạng sinh học nhằm đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục về đa dạng sinh học và công tác nghiên cứu.

Các đàn cò mỏ thìa mặt đen (trắng) và diệc xám được quan sát tại Công viên đầm lầy Hong Kong ở Tin Shui Wai. Ảnh: SCMP

Bảo tàng sẽ trưng bày các loài đến từ cả vùng nhiệt đới cũng như sa mạc và đại dương. Một số loài được thu thập cách đây nhiều thập kỷ hiện được coi là đang bị đe dọa và nằm trong danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Khoảng 100 mẫu vật đại diện cho các loài được coi là bị đe dọa, gồm 20 loài cực kỳ nguy cấp, 28 loài nguy cấp và 50 loài dễ bị tổn thương. Một trong số đó bao gồm loài rùa, cá sấu Trung Quốc, tê tê và kỳ giông khổng lồ Trung Quốc…

Hai nhà khoa học - Guénard và Ying Luo của phòng thí nghiệm Địa lý sinh học và Đa dạng côn trùng. Ảnh: Jonathan Wong

Theo Guénard, nhiều mẫu vật của bảo tàng đã được HKU thu thập từ những năm 1940 đến những năm 1980. Những mẫu khác được nhiều cơ quan và cá nhân trao tặng. “Do thiếu người giám tuyển trong nhiều thập kỷ, một số mẫu vật đã bị phân tán ở nhiều địa điểm khác nhau, đôi khi trong những điều kiện không đảm bảo cho việc bảo quản”, ông nói.

Đối với Guénard, mỗi loài đều đáng chú ý. Mỗi loài đều có một câu chuyện để kể nhưng nếu phải chọn một loài yêu thích, với ông đó sẽ là côn trùng. “Mặc dù đại diện cho hơn một nửa số loài trên trái đất nhưng côn trùng là một số nhóm ít được tìm hiểu nhất trong khoa học và công chúng. Tuy nhiên, chúng có khả năng sinh học đáng kinh ngạc mà đối với bất cứ ai dành thời gian để xem xét chúng hoặc nghiên cứu chúng, đều phải kinh ngạc”, ông chia sẻ.

“Chúng tôi cũng muốn giới thiệu những loài chưa được biết đến với công chúng hoặc những loài quá nhỏ để được mọi người chú ý. Chúng tôi muốn thể hiện chúng qua một góc độ hoặc độ phóng đại mới để có thể bộc lộ vẻ đẹp và sự phức tạp của chúng”, vị Phó giáo sư nói thêm.

Thanh Thảo dịch

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối