(SGTTO) – Ở hai kỳ trước, Sài Gòn Tiếp Thị thông qua tư vấn của bác sĩ đã chuyển tải đến độc giả cách phân biệt các triệu chứng của Covid-19 với dị ứng và cảm cúm thông thường, từ đó chỉ ra những cách tăng cường sức đề kháng thông qua bổ sung đầy đủ các vi chất thiết yếu, có chế độ sinh hoạt lành mạnh.

Đó là những cách tự chăm sóc để có sức khỏe thể chất vững mạnh. Vậy còn sức khỏe tinh thần? Làm thế nào để chăm sóc sức khỏe tinh thần, xử lý tình trạng lờ đờ, uể oải, thiếu tập trung và trí nhớ kém mà dân văn phòng thường mắc phải?

Trước buổi giao lưu này, Sài Gòn Tiếp Thị đã làm một cuộc khảo sát nhỏ về cách mà mọi người đương đầu với căng thẳng, áp lực:

Để giải đáp những vấn đề này, cung cấp cho bạn đọc thông tin hữu ích, Sài Gòn Tiếp Thị (thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn) với sự đồng hành của nhánh Chăm sóc Sức khỏe Người tiêu dùng (Công ty TNHH Bayer Việt Nam) tổ chức chuỗi giao lưu trực tuyến về sức khỏe dành cho đông đảo bạn đọc quan tâm với chủ đề: “Cải thiện tinh thần, tập trung làm việc”, nằm trong chuỗi tư vấn trực tuyến “Bảo vệ sức khỏe toàn diện”.

Tham gia buổi tư vấn hôm nay (15-10) là Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – Nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM.

Ngay từ bây giờ, mời bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi cho chương trình qua email: toasoan@sgtiepthi.vn, ĐT: 028 3821 4312 và hộp thư của Fanpage SGTT.

Chuyên đề “Tự chăm sóc sức khỏe vì tương lai khỏe mạnh” ra đời trong thời điểm dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đây là một chuyên đề thiết thực, kịp thời, góp phần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự chăm sóc sức khỏe, đề phòng bệnh tật.

Nếu người dân Việt Nam từ lâu đã quan niệm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” để phần nào nhắc nhở bản thân về việc tự chăm sóc sức khỏe thì Liên hiệp quốc cũng đặt ra mục tiêu “Sức khỏe & có cuộc sống tốt” (Good Health & well-being) trong số các mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu ấy cũng chỉ đạt được khi mỗi cá nhân có ý thức tự chăm sóc sức khỏe.

Tự chăm sóc sức khỏe là việc không của riêng ai. Theo tổ chức Y tế Thế giới, tự chăm sóc sức khỏe (Self-care) là khả năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, duy trì sức khỏe và ứng phó với bệnh tật và khiếm khuyết cơ thể dù có hoặc không có sự hỗ trợ của dịch vụ y tế.

Để tự chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần ăn uống lành mạnh, tập thể dục và tiếp cận những dịch vụ y tế và nguồn cấp thuốc phù hợp là những điều quan trọng để tự chăm sóc sức khỏe, qua đó giúp ngăn ngừa ốm đau, bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống. Và một khi nói đến tự chăm sóc sức khỏe, chúng ta phải nghĩ đến sức khỏe toàn diện bao gồm cả thể chất và tinh thần. Với việc chăm sóc sức khỏe mỗi ngày, mọi người có thể cải thiện điều kiện thể chất và tinh thần của mình cũng như ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – Nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM. Ảnh: Trần Linh

Thưa bác sĩ, những yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của chúng ta? (mphuong…@gmail.com)
BS CK II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM:
Theo định nghĩa về sức khoẻ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO- World Health Organization): “Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế”. Sức khỏe tinh thần là sự thăng bằng và hài hoà trong hoạt động tinh thần giữa lý trí và tình cảm. Có thể hiểu là sự thỏa mãn về mặt giao tiếp xã hội, tình cảm và tinh thần. Biểu hiện ở sự sảng khoái, cảm xúc vui tươi, sống tích cực, chủ động; khả năng chống lại những quan niệm bi quan và lối sống không lành mạnh.

Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần là di truyền, lối sống, dinh dưỡng, vận động, môi trường tự nhiên và xã hội, tư duy tích cực. Sức khỏe tinh thần tốt cho phép chúng ta nhận ra tiềm năng đầy đủ, đối mặt với những căng thẳng của cuộc sống, làm việc hiệu quả, đóng góp có ý nghĩa cho cộng đồng.

Các phương pháp để duy trì sức khỏe tinh thần đó là: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, chú trọng các chất dinh dưỡng tốt cho hoạt động não bộ, lối sống khoa học và tư duy tích cực, luyện tập thể chất, ngủ đủ giấc, phát triển kỹ năng đối phó khó khăn, giao tiếp, kết nối với những người khác.

Khả năng tập trung và trí nhớ tốt phụ thuộc vào điều gì thưa BS? (tamta1..@gmail.com)

Khả năng tập trung và trí nhớ tốt phụ thuộc: về thể chất là vào hoạt động não bộ, hệ hô hấp, tim mạch và tiêu hóa; về rèn luyện phụ thuộc vào sự rèn luyện, sắp đặt kế hoạch, tư duy logic.

Não bộ là “trung tâm chỉ huy”, vừa đảm bảo hoạt động tinh thần, vừa điều phối hoạt động thể chất của chúng ta. Khi một người trở nên kém tập trung, thường là do não bộ thiếu năng lượng. Năng lượng này chủ yếu đến từ thực phẩm mà chúng ta nạp vào. Mặc dù bộ não con người chỉ nặng 2% so với khối lượng cơ thể, nhưng nó sử dụng đến 25% năng lượng mà cơ thể chúng ta cần để hoạt động mỗi ngày. Dựa trên các nghiên cứu cho thấy hầu hết năng lượng này cho việc duy trì các quá trình suy nghĩ và cơ thể và duy trì sức khỏe của tế bào não. Não người sử dụng rất nhiều năng lượng trong cả trạng thái nghỉ ngơi.

Những vi chất nào đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chuyển hóa năng lượng và giúp cải thiện tinh thần? (mivan87..@yahoo.com)

Vitamin B. Vì Vitamin B đóng vai trò như chất tăng cường trong việc sản xuất năng lượng trong tế bào và cũng có chức năng sản sinh chất dẫn truyền thần kinh giúp hỗ trợ chuyển hóa tạo năng lượng và cải thiện tinh thần. Berocca là vitamin tổng hợp chứa đầy đủ phức hợp vitamin B giúp hỗ trợ chuyển hóa tạo năng lượng & cải thiện tinh thần.

Chồng em dạo này làm đêm trực ca nhiều, người hay bị thiếu ngủ thì nên bổ sung thêm vitamin gì ạ? (Độc giả Nguyễn Thanh Xuân bình luận trên Fanpage)

Làm đêm là trái với hoạt động chu kỳ tự nhiên (đồng hồ sinh học). Đồng hồ sinh học đòi hỏi chúng ta ăn sáng, ăn trưa đầy đủ và sau đó nghỉ ngơi khoảng 30 phút, buổi chiều nên ăn trước 19:00 và không nên ăn sau 20:00 tối. Chúng ta sẽ đi ngủ không quá 22:00 tối để cơ thể điều hoà, não nghỉ ngơi. Tuy nhiên vì nhiều lý do chúng ta phải thức khuya, như trường hợp của chồng bạn là làm ca đêm.

Chúng ta không thể bỏ công việc nhưng cần chuẩn bị thời lượng ngủ trong ngày, khi về đến nhà cần thư giãn và có giấc ngủ ít nhất là 6-7 tiếng liên tục. Nếu làm ca đêm, chồng bạn có thể ngủ từ trưa đến chiều để bù lại. Tiếp theo, chúng ta phải chuẩn bị về chế độ dinh dưỡng, nên ăn thêm bữa ăn phụ. Thay vì ăn 3-4 bữa thì nên ăn thêm một bữa trước khi vào ca làm khoảng một tiếng, phải cân đối, không ăn quá no để đảm bảo dinh dưỡng. Bữa tối cần có cơm, mì, hoặc bún để đảm bảo gluco cho cơ thể; nên chọn ăn nhiều rau xanh (ưu tiên rau cải, bông cải, bí đỏ, xà lách xoong…); các loại thuỷ hải sản như cá hoặc tôm, hoặc có thể chọn ăn trứng cả lòng đỏ; và tối không cần ăn trái cây.

Tự bổ sung Vitamin nhóm B thông qua các sản phẩm chức năng có thể gây tăng cân phải không bác sĩ? (Độc giả An Duyên bình luận trên Fanpage)

Vitamin nhóm B gồm B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12. Công năng của vitamin nhóm B là tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng và giải phóng năng lượng. Nếu thiếu vitamin nhóm B, carbohydrate sẽ không được chuyển hóa. Lúc này, chúng ta sẽ có cảm giác trì trệ bởi các nguyên nhân: ăn không đủ chất, bị thiếu vitamin nhóm B. Vitamin nhóm B tham gia chuyển hóa protein, tham gia vào phản ứng hóa học để vận chuyển chất dinh dưỡng đến tế bào và góp phần cân bằng nội môi của cơ thể.

Vitamin nhóm B giúp chuyển hóa carbohydrate thành glucose. Glucose thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến tế bào não, tế bào hồng cầu và tế bào cơ. Bởi glucose là nguồn nhiên liệu cho các tế bào này hoạt động. Hồng cầu thiếu nhiên liệu không vận chuyển oxi tốt, tế bào não thiếu glucose không thể hoạt động hiệu quả nên ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Còn về tế bào cơ, cơ thể dù nghỉ ngơi vẫn cần cơ để tuần hoàn lưu thông, trong đó, tim chỉ hoạt động tốt nếu cơ ở mạch máu hoạt động tốt.

Dạo này em hay tăng ca, phải làm muộn, em có nên dùng các sản phẩm bổ sung vitamin như berroca không nhỉ? (Độc giả Vũ Huyền bình luận trên Fanpage)

Nếu không sắp xếp để đảm bảo chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng thì nên uống thêm vitamin nhóm B. Mức đáp ứng vitamin nhóm B tuổi sinh sản của phụ nữ thấp. Đặc biệt là các nghiên cứu trên các công nhân của khu công nghiệp TPHCM cho thấy chỉ đáp ứng được 60% đến 65% vitamin nhóm B. Vậy, cần bổ sung bằng các viên vitamin nhóm B tốt.
Thứ 2, cần bổ sung thêm sắt. Vậy, chúng ta cần bổ sung đa vi chất. Viên Berocca ngoài vitamin B còn bổ sung khoáng chất nên có thể nói là tốt.

Thức khuya làm việc nhiều có phải nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ không thưa bác sĩ? (Độc giả Phan Lê Thảo bình luận trên Fanpage)

Thức khuya là một trong những yếu tố làm cho sức khoẻ tinh thần kém đi, giảm trí nhớ. Thức khuya làm cho não bộ không được nghỉ ngơi, cơ thể vẫn phải hoạt động, tiết ra các gốc tự do. Cơ thể tiết ra chất làm cho bạn cảm thấy đói và thường ăn qua loa như mì tôm, sữa… Vì vậy, người thức khuya trông gương mặt hốc hác nhưng cơ thể lại mập mạp.

Tôi có nghe nói về ngủ sâu và ngủ nông, ngủ sâu sẽ tốt và giúp tập trung tinh thần. Với người không ngủ đủ giấc, công việc phải thức khuya, hay mệt mỏi căng thẳng thì làm như thế nào để có giấc ngủ sâu? (Độc giả hau.dang****@gmail.com)

Giấc ngủ có hai giai đoạn, khi mới ngủ là ngủ nông – dễ thức giấc, sau đó chìm vào giấc ngủ sâu. Khi ngủ nông nếu có tiếng động, bạn sẽ dễ thức giấc. Để ngủ sâu bạn phải tạo môi trường ngủ thuận lợi, đến giờ đi ngủ cần để công việc qua một bên, không để chúng lôi kéo tác động đến đầu óc.

Trong phòng ngủ ánh sáng phải dịu nhẹ hoặc không có ánh sáng, không để ti vi, điện thoại và các phương tiện “thông minh” vào phòng ngủ. Phòng ngủ không quá nóng và không quá lạnh, không có tiếng động. Trang phục ngủ cần phù hợp, các bạn nam không nên ở trần đi ngủ vì nhiệt độ thay đổi sẽ ảnh hưởng sức khoẻ. Hạn chế để quạt thổi thẳng vào người hoặc thổi thẳng vào một chỗ. Bạn cần kiểm tra lại chế độ ăn, không nên ăn quá nhiều chất béo và thiếu vitamin điều hoà các hoạt động hệ thần kinh, bạn cần ưu tiên vitamin B1, B12, thêm magie, không ăn quá nhiều muối vì sẽ làm cho quá trình đi vào giấc ngủ bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể ăn một số loại hạt như macca, óc chó, hạnh nhân khoảng 30g một ngày để hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn.

Thông thường, giấc ngủ giai đoạn nông khoảng 1 tiếng rồi ngủ sâu khoảng 5 tiếng, rồi bắt đầu ngủ nông lại là một giấc ngủ phù hợp.

Bé nhà em đang học lớp 12 mà thấy con học hành căng thẳng quá, bác sĩ cho em hỏi nên ăn uống hay bổ sung chất gì để tăng sức khỏe ạ? (Độc giả Hằng Phan bình luận trên Fanpage)

Đây là giai đoạn tăng trưởng cuối cùng về chiều cao nên nhu cầu dinh dưỡng rất cao. Đến mùa thi, bậc phụ huynh cho các bé ăn ít hơn vì sợ đầy bụng. Điều này chưa chính xác vì các em cần nhu cầu dinh dưỡng đầy đủ để phát triển. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý những điều sau khi đến mùa thi.

Thứ nhất, bé nên ăn đủ năng lượng: Năng lượng hằng ngày của các em học sinh nam cần 2.500 – 2700 calo, nữ cần khoảng 2.100 – 2.300 calo.

Thứ hai, các bé nên ăn đủ các chất dinh dưỡng sinh năng lượng: Các bữa ăn chính có đủ các nhóm thực phẩm sinh năng lượng là chất bột đường, chất đạm, chất béo. Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Chất bột đường sẽ được thủy phân thành glucose là loại đường đơn cung cấp năng lượng cho tế bào sử dụng. Chất bột đường nên ăn có cơm, nui, mì, bún, phở, bánh mì… vì chuyển hóa chậm, giúp não lúc nào cũng được cung cấp năng lượng. Lượng chất bột đường cần ăn tương đương 300 – 400g gạo mỗi ngày.

Chất đạm cung cấp năng lượng tham gia cấu trúc tế bào, các kháng thể, enzym, nội tiết tố và tất cả các chức năng chuyển hóa trong cơ thể. Chất đạm sẽ được thủy phân thành acid amin. Chất đạm nên ăn có thịt gà, thịt hẹo, thịt bò, trứng, cá, tôm, đậu hũ… vì có giá trị sinh học cao, hấp thu dễ, cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng tốt cho hệ thần kinh và cơ bắp. Lượng chất đạm cần ăn 300 – 400 g mỗi ngày.

Chất béo (lipid) là nguồn cung cấp và dự trữ năng lượng, tham gia cấu trúc màng tế bào, tế bào hệ thần kinh trung ương, tiền chất của nhiều nội tiết tố, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu. Chất béo sẽ được thủy phân thành acid béo. Mỗi gam chất béo tạo ra 9kcal. Chất béo nên ăn có các loại hạt có dầu, cá béo như cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, bơ, phô mai, dầu ăn, thịt heo… Lượng chất béo cần ăn là 60 – 100g mỗi ngày.

Thứ 3, ăn cân đối các chất dinh dưỡng: chất bột đường ăn 55 – 60%, chất đạm ăn 20%, chất béo 20 – 25%. Rau nên ăn 400g, trái cây 100 – 200g mỗi ngày. Cơ cấu bữa ăn tương tự đĩa thực phẩm với ½ là rau, trái cây, ¼ thịt cá, ¼ là cơm.

Em năm nay 27 tuổi nhưng dạo này trí nhớ em có vẻ giảm sút, không biết có do nguyên nhân gì cụ thể không? (Độc giả Vũ Quỳnh Hoa bình luận trên Fanpage) / Câu hỏi tương tự: Em mới 25 tuổi mà trí nhớ dạo này quên trước quên sau, phải làm sao đây bác sĩ ơi? (Độc giả Hồ Thị Phương bình luận trên Fanpage)

Thực tế nhiều bạn trẻ hay mắc phải chứng hay quên, nói trước quên sau. Bạn phải kiểm tra nguyên nhân tại sao lại hay quên, ví dụ bạn không biết sắp xếp công việc, thiếu khoa học dẫn tới bị dồn công việc. Bạn cần bố trí công việc khoa học, nên viết ra kế hoạch. Tiếp theo, bạn cần kiểm soát xem có bị stress hay không. Bạn cũng nên điều chỉnh để có giấc ngủ tốt, không nên thức khuya, bị “nghiện” sử dụng điện thoại di động – hay kiểm tra tin nhắn trước khi ngủ…

Nếu bị stress quá nhiều, bạn nên tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc tìm đến đồng nghiệp, cấp trên để có sự chia sẻ.

Cuối cùng là vấn đề dinh dưỡng. Bạn cần cân nhắc khi ăn kiêng quá khắt khe hoặc ăn thiếu chất dinh dưỡng cần cho não như vitamin nhóm B (kẽm, sắt, i ốt) – nên chọn thực phẩm giàu những chất này.

Nhân sự tham gia tường thuật buổi giao lưu trực tuyến ngày 15-10. Ảnh: Trần Linh

Chồng em hay bị đau nửa đầu bên phải, là triệu chứng của bệnh gì hay có bị thiếu chất gì không? (Độc giả Nguyễn An bình luận trên Fanpage) / Câu hỏi tương tự: Tôi năm nay 33 tuổi, thỉnh thoảng tôi hay bị đau nhói nửa đầu phía sau, không biết có phải bệnh gì không (Độc giả Quỳnh Ngô bình luận trên Fanpage) / Câu hỏi tương tự: em năm nay 28 tuổi nhưng thỉnh thoảng lại bị nhức nửa đầu, nhói lên, nên ăn uống hay bổ sung chất gì để cải thiện tình trạng này? (Độc giả Pham Ku Te bình luận trên Fanpage)

Có hai nhóm nguyên nhân chính. Đầu tiên là cơ năng, chúng ta bị stress, căng thẳng, không cân bằng lối sống…

Nhóm nguyên nhân thứ hai liên quan bệnh lý. Chúng ta cần phải đi khám ở chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán có bệnh lý hay không, như chứng hẹp động mạch lên não cũng gây ra hiện tượng nhức đầu. Hoặc chúng ta có thể bị thiên đầu thống (nhức nửa đầu), nhất là ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Chế độ ăn cần hạn chế các loại chất kích thích có trong thực phẩm như cà phê, trà xanh, hạn chế thực phẩm hun khói, ướp muối, trong thành phần có nhiều chất béo bão hoà vì sẽ làm tăng cơn đau đầu. Chúng ta cũng cần hạn chế bia rượu.

Trong thời đại hiện nay, tôi để ý thấy con trẻ rất khó tập trung. Chúng thường bị xao nhãng bởi điện thoại di động trong lúc học tập, làm việc và kể cả cuộc sống hằng ngày. Là một người mẹ, bà ngoại trong gia đình, tôi có thể làm gì để giúp chúng? (Độc giả nhatlinhqtk****@gmail.com)

Ở các quốc gia, có các chương trình hạn chế đem điện thoại di động vào trường học hay các chương trình cai nghiện điện thoại di động, cụ thể là cai nghiện Facebook để giúp học sinh.
Không riêng trẻ em, ngay cả người lớn nhiều khi cũng sa đà vào điện thoại dù có rất nhiều công việc. Để giải quyết tình trạng này ở trẻ em, chúng ta cần kiểm tra việc các cháu nghiện điện thoại có phổ biến hay không. Nếu có, chúng ta giải thích cho các cháu về tần suất hợp lý để sử dụng điện thoại hoạt động. Nếu quyết tâm, hãy mua cho các con điện thoại không thể vào mạng.

Cần khẳng định không có loại thực phẩm hay thực phẩm bổ sung nào có thể giúp chúng ta ngay lập tức trở lại tập trung. Chúng ta chỉ có thể phối hợp đồng bộ với chế độ dinh dưỡng để cung cấp đủ glucose cho não hoạt động. Cần cung cấp đủ vitamin B, chất đạm, kẽm, chất khoáng… cho cơ thể.

Hạn chế nước ngọt, đồ ăn thức uống có quá nhiều đường bởi nếu sử dụng quá nhiều đường chuyển hóa nhanh từ các loại bánh qui, caffein (thường có trong trà sữa có thành phần trà xanh, nước tăng lực…) thì đường huyết lên quá nhanh và xuống quá nhanh sẽ làm ức chế quá trình carbohydrate được chuyển hóa thành glucose.

Trên thị trường có những viên sủi với công dụng giúp cải thiện tinh thần. Tôi nên uống vào lúc nào trong ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất? Các viên sủi quá hạn sử dụng nếu uống thì còn giữ được tác dụng không? (Độc giả thanhbinhh**@yahoo.com)

Thứ nhất, viên sủi đã quá hạn sử dụng không nên dùng bởi các hàm lượng, nồng độ của các hoạt chất trong viên sủi đã giảm nhiều và có thể viên sủi đã bị nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, mua viên sủi về nên sử dụng ngay để tránh hết hạn.

Thứ hai, chúng ta nên dùng viên sủi bởi chúng cung cấp vitamin B và cũng có chức năng bảo vệ dạ dày. Nên đọc hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng thông thường nên dùng vào thời điểm ban ngày.

Có quan niệm rằng uống viên sủi nhiều sẽ gây sỏi thận. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi sử dụng liều rất cao và thường xuyên. Nếu sử dụng vitamin C nhiều, tức là trên 1.000mg/ngày (người trưởng thành có nhu cầu 100mg/ ngày) sẽ làm tăng đào thảo canxi, khi đi qua thận sẽ nhiều hơn bình thường khiến thận tái hấp thu, gây ra sỏi thận.

 

Tại sao nhiều người stress thì lại ăn nhiều, còn có người không muốn ăn? Làm sao để khắc phục? Nếu tôi ăn cay nhiều có ảnh hưởng tâm trạng không? (t.vo83..@gmail.com)

Cơ thể chúng ta có hai đáp ứng với stress: một số người ăn vô độ nên tăng cân không kiểm soát, còn một số người không ăn được và thay đổi nội tiết tố nên càng ngày càng gầy. Trong đó, ăn cay nhiều là một biểu hiện của stress nên cơ thể đáp ứng bằng cách ăn cay.

Thực tế, một trong những biểu hiện của stress là hay cáu giận và bộc phát những cảm xúc không như bình thường của bản thân, hoặc có thể trở nên bi quan, thờ ơ với tất cả. Một số người stress còn đi mua sắm, hoặc nam giới thì hay đi nhậu. Nhưng khi mọi người đã đi về hết, người này vẫn ngồi lại một mình chán nản…

Lời khuyên trong các trường hợp này là chúng ta cần phải đi khám và gặp các chuyên gia về thần kinh, tâm thần để được giúp đỡ. Các bạn nên thoát ra khỏi tình trạng của mình, nên giao tiếp xã hội với những người sống tích cực, những người bạn mới, các dự án xã hội, từ thiện… để nâng cao tương tác cộng đồng. Chúng ta cũng cần tham gia tập luyện thể thao, nên tham gia với nhóm chứ không nên tập riêng. Bạn cũng cần điều chỉnh chế độ ăn, tập trung các nhóm dinh dưỡng hỗ trợ cho thần kinh.

Nếu bạn ăn nhiều ớt thì nên điều chỉnh, để không bị viêm loét dạ dày.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp đang trả lời các câu hỏi từ độc giả gửi về SGTT. Ảnh: Trần Linh

Uống thực phẩm chức năng liệu có thực sự giúp cải thiện trí nhớ không bác sĩ? (Độc giả Hoàng Thị Lệ Thủy bình luận trên Fanpage). Vitamin nhóm nào hay chất dinh dưỡng nào là tiên quyết trong việc cải thiện sự tập trung, thưa bác sĩ? Tôi có thể tập trung hơn khi bổ sung nhiều loại vi chất đó không? (Độc giả phamthuthao***@gmail.com)

Thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ phần nào hoạt động não bộ với điều kiện các hoạt chất trong đó phải có chứng cứ về nghiên cứu lâm sàng trong việc hỗ trợ trí nhớ và hoạt động não bộ. Nhà sản xuất, đơn vị phân phối và đơn vị bán lẻ phải đảm bảo việc bảo quản thực phẩm chức năng.

Không có vitamin nào là tiên quyết trong việc cải thiện sự tập trung mà phải sử dụng tổ hợp các chất dinh dưỡng, trong đó ưu tiên: glucose, acid amin, acid béo chưa bão hòa, vitamin nhóm B, sắt, I ốt, kẽm…

Xin hỏi, nếu một người bình thường vẫn ổn nhưng tự dưng một ngày lại có cảm giác không muốn làm gì, kiểu mất hết hứng thú với công việc, suy nghĩ tiêu cực trong thời gian dài thì có gọi là trầm cảm không ạ? (Độc giả Quỳnh Ngô bình luận trên Fanpage)

Đây là những biểu hiện của rối loạn sức khỏe tâm thần: mất cảm hứng, mất động lực, hay nổi cáu không nguyên nhân. Lúc này, chúng ta nên tìm hiểu nguyên nhân, đến gặp bác sĩ để được tư vấn và từ đó điều chỉnh lối sống.

Mẹ em 45 tuổi hay nhức mỏi, mệt người khi trở trời thì uống berroca được không, chế độ dinh dưỡng phù hợp ra sao? (Độc giả Bùi Thanh Huyền bình luận trên Fanpage) / Câu hỏi tương tự: mẹ em 60 tuổi có thể bổ sung vitamin hay chất gì tốt tăng trí nhớ không ạ? (Độc giả Bằng Lăng bình luận trên Fanpage) / Câu hỏi tương tự: Bố mẹ tôi đã ngoài 60 tuổi, tôi nên cải thiện chế độ ăn, lối sống và phương pháp tập luyện thế nào để bố mẹ không bị suy giảm trí nhớ, thưa bác sĩ? (Độc giả thtm**@gmail.com)

Để ngừa suy giảm trí nhớ khi cao tuổi, chúng ta cần có tư duy tích cực, phải duy trì các hoạt động lao động thường xuyên dù là 45 tuổi hay đã trên 60 tuổi. Ví dụ, một thầy giáo nên duy trì hoạt động liên quan nghề nghiệp, đọc sách, đọc tài liệu… Tôi có biết một trường hợp phụ nữ 70 tuổi đi học hát để luyện trí nhớ, khi học bà không được cầm điện thoại và phải học thuộc bằng trí nhớ. Chúng ta cũng phải duy trì các hoạt động giao tiếp xã hội, không nên sống một mình. Tiếp theo, chúng ta cần duy trì tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, mỗi ngày ít nhất 30 phút.

Bên cạnh đó, chúng ta cần duy trì đảm bảo giấc ngủ tốt vì người lớn tuổi thường khó ngủ. Nếu khó ngủ, chúng ta có thể dùng những thực phẩm, thực phẩm chức năng hỗ trợ.

Về chế độ ăn, khi bước vào tuổi 60, tổng năng lượng ăn vào cần giảm 10% so với lúc trẻ. Chúng ta cần duy trì chất đạm trong chế độ ăn hàng ngày, từ các loại thuỷ hải sản, cá, đậu hũ, nấm, các loại cá béo, ăn hai lần trứng mỗi tuần để duy trì sức khoẻ não bộ, giúp ích cho trí nhớ. Người lớn tuổi cần ăn các loại rau thơm như tía tô, húng, ngò (mùi), các loại xà lách. Một số gia vị như sả, gừng, nghệ có loại chất hoá thực vật, chống ô xy hoá bảo vệ tế bào. Lưu ý nhóm thực phẩm có màu tím, đỏ, cam vì có chất chống ô xy hoá như bắp cải tím, củ dền, củ cải tím, rau dền, su hào, măng cụt, thăng long…

Mang thai 4 tháng mà muốn uống thêm vitamin dạng sủi thì có được không bác sĩ (Độc giả Thien Ly bình luận trên Fanpage)/ Câu hỏi khác: Khi mệt có nên uống nước chanh không? (Độc giả hỏi qua Fanpage)

Nếu có thai, bạn nên uống viên bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai, nên chọn viên đạt 60mg sắt nguyên tố và 400 µg axit folic, có can-xi, phốt pho… sẽ phù hợp nhu cầu dinh dưỡng.

Bạn có thể uống nước chanh khi mệt, nhưng nếu uống mà không giảm sự mệt thì nên kiểm tra nguyên nhân từ đâu. Chanh cung cấp một lượng vitamin C, một lượng đường đơn sẽ có nhiên liệu cho não hoạt động.

Trên thị trường có nhiều nước tăng lực, vì tính chất công việc, tôi uống để lướt qua trạng thái mệt mỏi. Theo khuyến cáo của BS, nước tăng lực nói chung, có nên uống hay không? Thứ nước này có dinh dưỡng cho cơ thể hay không? Và nên uống với tần suất ra sao? (Độc giả thanhcong****@gmail.com)

Trong thành phần nước tăng lực có khá nhiều đường tự do so với các loại nước ngọt thông thường. Trong sản phẩm này có thể có vitamin nhóm B, caffein và một số chất dinh dưỡng khác để cung cấp cho cơ thể. Đó là lý do uống nước tăng lực cảm thấy khỏe hơn do thần kinh trung ương được kích thích và cơ thể được cung cấp năng lượng. Chúng ta không nên uống nước tăng lực thường xuyên bởi sản phẩm này cung cấp năng lượng rỗng (năng lượng từ đường glucose không đi kèm chất dinh dưỡng), tác động không tốt đến quá trình tiêu hóa, tăng nguy cơ sâu răng, béo phì, rối loạn chuyển hóa đường (có thể liên quan đến đái tháo đường).

Tôi có nên ăn mặn để huyết áp tăng lên không vì tôi có huyết áp thấp, số trên chỉ 80-90? (Độc giả nữ T.T hỏi qua Fanpage)

Nếu huyết áp tâm thu chỉ 80-90 là huyết áp thấp, bạn nên đi khám bác sĩ tim mạch để được tìm nguyên nhân chính xác. Cách thức điều chỉnh dựa vào nguyên nhân. Bạn nên tập thể dục hàng ngày và không nên chọn những môn phải thay đổi tư thế liên tục, nên đạp xe, đi bơi, tập một số môn bóng. Bạn nên cân đối các chất dinh dưỡng cho cơ thể, ví dụ có uống quá nhiều loại trà lợi tiểu hay không. Bạn nên ăn bình thường theo khuyến nghị chứ không nên ăn mặn.

Khi bị stress, tôi thường bị đau bao tử. Nhưng công việc của tôi không thể không stress. Vậy làm sao để chỉ bị stress mà không bị đau bao tử? (Độc giả có email itrua****@gmail.com)

Chúng ta cần kiểm soát stress bằng cách sắp xếp lại công việc, đổi mới trong công việc (làm mới vị trí làm việc, trang trí chỗ làm việc). Khi chúng ta stress sẽ bị kích thích dây thần kinh số 10 làm tăng tiết ở trong niêm mạc dạ dày làm tổn thương dạ dày. Ngoài ra, stress còn có thể làm tăng nguy cơ các bệnh như bệnh lý tâm thần, tim mạch, ung thư…

Do đó, chúng ta nên kiểm soát stress thì sẽ không bị đau bao tử nữa. Để tránh đau bao tử cần chia nhỏ bữa ăn (một ngày 5 bữa). Ăn thức ăn có chất bột đường mềm, có tính thấm hút như cháo, cơm hơi nát, bánh mì có ruột, bữa phụ nên ăn bánh bích qui có cám (nguyên hạt). Tránh thực phẩm có nhiều chất xơ như rau bí, rau cần, thực phẩm có tính sinh hơi như bắp cải. Uống thuốc điều trị viêm loét dạ dày và ngủ đủ giấc.

Tôi thường dễ bị hết năng lượng khi đi siêu thị hoặc không đủ năng lượng để làm trong 8 tiếng. Tôi có thể làm gì để cải thiện nguồn năng lượng của mình? Có phải do tôi suy nghĩ quá nhiều nên đã bị cạn kiệt nguồn năng lượng? (Độc giả Bnttphuc****@gmail.com)

Tuy não chiếm 2% tỷ trọng cơ thể của chúng ta nhưng tổng năng lượng đưa vào trong cơ thể cung cấp cho não là 25%. Do vậy, khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều thì cơ thể sẽ bị mất năng lượng do tốn quá nhiều cho não. Cách điều chỉnh: nên sắp đặt lại công việc để hạn chế suy nghĩ. Sau đó, để thời gian suy nghĩ để chế biến món ăn sao cho ăn đủ 3 bữa, ăn thêm bữa phụ là sữa có vitamin D để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Có biện pháp vận động, thư giãn nào nhẹ nhàng để giảm căng thẳng khi đang ngồi làm việc trên máy tính không? (Độc giả xuanit****@gmail.com)

Chúng ta nên nên rời khỏi máy tính, đứng lên và vận động nhẹ nhàng để không bị trì trệ, đau vai gáy, cổ tay, để bộ não được nghỉ ngơi… sau khi làm việc trên máy tính trong một giờ liên tục. Chúng ta có thể sử dụng các thiết bị văn phòng có sẵn như ghế, bàn để tập động tác hít thở, chống đẩy nhẹ, vươn thở, thở khí công… Hoặc chúng ta có thể bố trí không gian để thiền nhẹ vào buổi trưa, hoặc các bài vận động khác.

Xin cám ơn bác sĩ và các độc giả quan tâm đặt câu hỏi!

Sài Gòn Tiếp Thị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây