Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Ghi chép của shipper mùa giãn cách: Dọc đường, thấy và nghe

Từ ngày 15-8, TPHCM vẫn tiếp tục duy trì giãn cách theo chỉ thị 16+. Không còn cách nào khác khi dịch bệnh vẫn hoành hành và thành phố vẫn kiên cường chiến đấu. Tuy tin tức dịch bệnh dồn dập nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục và tôi vẫn hằng ngày đi giao hàng, tai nghe, mắt thấy nhiều việc.
Những shipper không ngại vất vả để giao cơm từ thiện đến nơi cần hỗ trợ. Trong ảnh là hai shipper giao cơm từ thiện bằng xe đạp và xe máy tại TP Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Những tín hiệu vui

1. Sáng 15-8, thực hiện khai báo di chuyển nội địa bằng mã QR nên chốt nào cũng ùn tắc vì khai báo, kiểm tra. Theo tôi, khai báo này chỉ nên dành cho khách du lịch và di chuyển liên tỉnh chứ còn shipper thì chẳng biết khai báo điểm đi, điểm đến thế nào (chẳng lẽ mỗi ngày mấy chục bản khai). Về lực lượng chốt chặn hướng dẫn khai không kịp ngừng, tới gần trưa là trở nên hết xuể. Chiều về đọc báo thì lại thấy thành phố tạm ngưng khai báo di chuyển nội địa và dùng giấy đi đường như cũ. Thật là đáng hoan nghênh!

2. Vì nhiều lý do, dù được WHO khuyến nghị “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin hiện có”, nhiều người vẫn băn khoăn với vắc-xin Trung Quốc, thậm chí một số người từ chối. Bí thư Thành Ủy Nguyễn Văn Nên liền trấn an: “Thành phố cần rút kinh nghiệm là nên thông tin trước loại vắc-xin, nếu bà con nào đồng ý thì đến tiêm. Thời gian qua mình tiêm rất nhiều loại nhưng đó là từ nguồn hỗ trợ, phân bổ bao nhiêu mình tiêm bấy nhiêu chứ mình đâu có chọn”.

Phát biểu này thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe và tôn trọng nguyện vọng của người dân. Rất đáng mừng. Trước đó, ông đã: “Mong người dân Sài Gòn lượng thứ vì những lúng túng, bị động của thành phố trong phòng chống dịch”. Lãnh đạo thành phố cũng vừa chỉ thị “Hỗ trợ tiền trọ, lương thực cho các gia đình khó khăn trong tháng 8 và tháng 9”.

3. Đi đâu cũng gặp các nhóm thiện nguyện; điều phối thực phẩm, rau xanh hỗ trợ các khu phong tỏa, các xóm nghèo, ở trọ… Nhiều bạn làm việc rất hăng say, huy động xe nhà, người nhà cùng tham gia. Tôi rất vui vì có nhiều học trò và bạn bè như vậy. Có gia đình nhà báo, vận động được cả ngàn áo quan, để sẵn trong chùa, ai cần thì đến nhận. Họ làm thiện nguyện đúng nghĩa, không để chụp hình, làm clip, câu view. Rất nhiều cơ quan và gia đình có những bàn ăn từ thiện trước nhà, để người nghèo lỡ bữa đi ngang lót bụng.

4. Bên cạnh số ít shipper lấy cớ đi lại khó khăn, tăng giá dịch vụ, ép khách nhận hàng kém chất lượng; đa phần các shipper giữ giá, dù phải chạy đường vòng vì phong tỏa, tốn xăng và thời gian hơn. Không ít shipper từ thiện, đủ lứa tuổi và chủng loại xe lúc nào cũng hăm hở, bất chấp thời tiết. Dễ hiểu khi mà họ lấy niềm vui của người khác làm hạnh phúc của mình và có chung nhận định “Làm từ thiện, mình luôn nhận được nhiều hơn cho”.

5. Trên đường về, xe xẹp lốp. Đang lo phải dẫn bộ về nhà thì gặp ngay tấm bảng nhỏ lề đường “Bán xăng – Sửa xe”. Đúng chỗ hôm trước đã cứu bồ khi xe tôi hết xăng, thật là cứ như có ai giúp. Anh bạn trẻ, vốn một thời ngang dọc đua xe, giờ chí thú làm ăn, tận tình sửa và còn kiểm tra thắng, bơm nhớt, căng sên… miễn phí, chỉ lấy tiền vá xe.

Tôi hỏi đùa “Không tăng giá hả?”. “Dịch bệnh ai cũng khó, tăng giá coi sao đặng!”. Đi gửi và nhận hàng từ Phan Thiết, dù thời gian vận chuyển gấp đôi nhưng giá cước không đổi. Hỏi người phụ trách văn phòng, anh cười bảo: “Không giảm được thì thôi, tăng giá thì đâu còn là Tâm Hạnh nữa”.

6. Cả nhà người bạn, giám đốc quỹ đầu tư quốc tế, vừa kể lại cuộc chiến cam go, chiến thắng dịch bệnh. Hai vợ chồng bị F0 không rõ nguyên nhân nên gửi 2 con về cách ly với dì. Mấy bữa sau cả 3 dì cháu dương tính. Bất ngờ, hoảng loạn nhưng được tư vấn kịp thời nên cả nhà 5 người, tự cách ly và điều trị tại nhà. Nhờ sức đề kháng tốt, sự kiên cường của từng cá nhân, sự hợp lực của bạn bè và y tế địa phương. Sau gần 2 tuần chiến đấu, thoát cửa tử, mạnh khỏe như xưa. Bạn kể lại kinh nghiệm chiến đấu cụ thể, lúc nào cũng phải giữ vững niềm tin, không quên cảnh báo mọi người, đừng bao giờ chủ quan.

7. Sài Gòn vẫn siết đi lại để hạn chế lây lan nhưng đang từng bước mở cửa dần. Từ việc cho các hộ dân bán thực phẩm thiết yếu, rau xanh đến việc mở lại siêu thị, chợ truyền thống từng phần với những mặt hàng thiết yếu. Các nhân viên chốt chặn cũng bớt làm căng với những quy định bất cập như như shipper chỉ giao hàng trong quận, băng đeo tay, hóa đơn bán hàng… Mừng nhất là tiến độ chích ngừa hết sức khẩn trương và hiệu quả.

Mấy việc còn ray rứt

1. Ngang qua chốt kiểm soát vào giấc trưa, sau khi trình giấy tờ, tôi dừng xe, xin phép xem phần cơm trưa mà anh em đang ăn. Mọi người cười và mời tôi ăn thử. Hôm đó, trời nóng như đổ lửa vì cả tuần không mưa. Trong nhà bạt, anh em mỗi người một phần cơm với miếng chả trứng bằng 2 ngón tay, không rau, túi canh lỏng bỏng bé tẹo, mới nhìn cứ tưởng nước chấm. Ăn như vậy làm sao đủ sức làm việc cả ngày thông tầm căng thẳng?

2. Trưa hôm qua, tôi có đơn giao hàng cá thu lát và gù bò ở quận X. Tới nơi, các hẻm rào chắn dây thép gai cuộn. Đành điện thoại phiền khách ra ngoài đường nhận hàng. Một giọng nam thảng thốt: “Em xin lỗi, từ qua đến giờ rối quá nên quên gọi điện hồi đơn. Mẹ em mất tối qua, nhà phát tang, ăn chay, không dùng thịt cá”. Hàng xóm cho biết, mẹ bạn ấy trở bệnh, thèm cá thu chiên và chén bò kho. Bạn đặt hàng từ mấy bữa trước, ngặt nỗi, các tỉnh cũng giãn cách, vận chuyển, đi lại đều khó khăn. Sáng kia hàng về, giao liền nhưng không kịp. Dịch bệnh hành hạ, làm khổ cả người sống lẫn người chết.

3. Ngày nào cũng có tin nhắn bạn bè báo người này, người kia vừa mất. Đa phần là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền. Nhưng có cũng có người rất trẻ, khỏe vẫn bị nhiễm và không phải ai cũng may mắn vượt qua cửa tử. Tôi có gia đình chị bạn ở ngoại thành, cả nhà vào viện cách ly. Thế là ba mẹ lớn tuổi, sức yếu, lần lượt ra đi. Nhưng cháu trai còn rất trẻ cũng không thể cầm cự. Cháu có tên rất đẹp là Bình Minh. Covid-19 và các biến thể tấn công mọi lúc, mọi nơi, không chừa một ai. Lúc nào cũng phải cảnh giác và thật cảnh giác.

4. Có anh bạn, cựu nhà báo, lần nào đặt hàng cũng có phần cho bảo vệ cư xá. Anh nhờ mua giúp 2 thùng mì gói. Tôi không bán mì nên nhờ người khác mua giúp. Nghe báo giá mà giật mình. Mì H.H giá 150.000 đồng/thùng, chưa có tiền ship. Chỉ 2 tuần mà giá đã tăng cao. Mì là món bình dân, dễ ăn nhất của người nghèo mà tăng giá cỡ đó dân nghèo chịu sao thấu? Hay là tại mấy sạp lẻ, mua qua, bán lại đẩy giá lên?

5. Thành phố đang nỗ lực tối đa giải quyết chuyện bệnh viện quá tải, thiếu bình oxy, cấp cứu chậm trễ, lo cho dân nghèo… Việc tổ chức tiêm chủng chưa hợp lý đã được góp ý nhưng một số phường vẫn để dân rồng rắn xếp hàng mấy trăm mét. Việc rào chắn, phong tỏa đường đi vẫn bất cập, kiểu chỉ ngăn một chiều. Hoặc ngăn đường chính nhưng mở các hẻm phụ. Cách làm này vô tình làm khó người đi đường, tăng thời gian di chuyển, tạo tâm lý lờn và lách luật của người dân tại chỗ lẫn người đi đường.

Vài đề nghị nhỏ

1. Vì nhiều lý do mà người dân các tỉnh vẫn tiếp tục tự phát rời Sài Gòn. Việc này thành phố không thể tự lo mà cần sự hợp lực của các tỉnh. Theo tôi nên chấm dứt việc thuê máy bay chở vài trăm người về, phô trương, rình rang, tốn kém, còn số đông bỏ mặc, thậm chí về đến quê còn bị từ chối. Ngưng tất cả dự án tượng đài, cổng chào, sự kiện, lễ hội… tập trung an dân chống dịch.

2. Quy định trách nhiệm cá nhân nếu lơ là chuyện an dân, không thực hiện nghiêm túc chủ trương “Hỗ trợ tiền trọ, lương thực cho các hộ nghèo trong tháng 8 và tháng 9”. Báo chí cần bớt câu view kiểu “Vòng eo con kiến của người đẹp”, “Người mẫu sang chảnh, ăn, mặc, chơi, du hý”, “Đại gia sắm xe chục tỉ”, “Chuyện đời tư nghệ sĩ”… Thay vào đó là những tin bài về tình người Sài Gòn tỏa sáng. Từ chủ nhân ATM bình oxy (cũng là chủ nhân ATM gạo, khẩu trang) cho đến những người bình thường nhất. Chuyện mục ẩm thực, khuyến khích các món dân dã, sáng tạo thay cho những món cầu kỳ, cao lương mỹ vị.

3. Các cấp phường xã cần thành lập đường dây nóng đúng nghĩa, đảm bảo hiệu quả và trách nhiệm cá nhân về việc cấp cứu, điều trị F0 tại nhà, giải quyết bức xúc, hỗ trợ thiết thực để an dân. Trích ngân sách và vận động xã hội đảm bảo bữa ăn đủ chất cho đội ngũ y bác sĩ và lực lượng tham gia chống dịch, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu. Tất cả để tăng sức đề kháng và hiệu quả cho cuộc chiến.

Shipper Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối